"Xây nhịp cầu" nối ý Đảng với lòng dân

Kỳ cuối: Chi bộ Kinh- Khmer ấp Sóc Rừng "tuy hai mà một"

Cập nhật, 13:30, Thứ Năm, 23/07/2020 (GMT+7)

Nhiều công trình trong ấp như sửa chữa cống đập, rãi đá làm đường được thực hiện bằng tiền bán đồng.
Nhiều công trình trong ấp như sửa chữa cống đập, rãi đá làm đường được thực hiện bằng tiền bán đồng.

Sóc Rừng là ấp vùng sâu của xã Loan Mỹ với hơn 75% hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Cùng với những chính sách hỗ trợ của các cấp, mà gần gũi nhất là sự quyết tâm của chi bộ ấp Sóc Rừng luôn “nói đi đôi với làm”, đã tạo được lòng tin, tạo sự chuyển biến tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong ấp.

Sóc Rừng bây giờ xe cộ bon bon, ô tô vào được nhiều tuyến đường; đường nội đồng được rải đá thuận tiện nắng mưa, hộ nghèo giảm đều mỗi năm. Chi bộ ấp Sóc Rừng còn tính: sắp tới có tiền bán đồng, tiền tổ hợp tác, sẽ lắp trụ đèn đường năng lượng mặt trời.

Bí thư người Kinh trong ấp Khmer

Xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) có 4 ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, là Sóc Rừng, Kỳ Son, Cần Súc và ấp Giữa. Và ở ấp đông đồng bào dân tộc Khmer đó, chú Trần Văn Thảo (sinh năm 1954)- một người Kinh nhưng đã có 20 năm làm bí thư ấp.

Mỗi lần đến xã Loan Mỹ nhờ giới thiệu nhân vật để phỏng vấn từ xuất khẩu lao động, giảm nghèo đến gương chí thú làm ăn,… chúng tôi thường được chú Thảo đưa đi. 236 hộ dân trong ấp với những hoàn cảnh khác nhau, chú đã nằm lòng như chuyện… nhà mình vì đã có tới “8 nhiệm kỳ liên tục làm bí thư ấp”.

Thăm hỏi động viên chú Thạch Thương, hộ khó khăn trong ấp.
Thăm hỏi động viên chú Thạch Thương, hộ khó khăn trong ấp.

Trên bàn làm việc cũng là bàn tiếp khách tại nhà, những dòng chữ nắn nót, những cuốn sổ ghi chi tiết nhưng gọn gàng dễ hiểu: giảm nghèo, tổ hợp tác sản xuất, sổ họp, trao quà,… Thật ra, mỗi việc chúng tôi hỏi, chú Thảo đều trả lời ngay mà không cần xem sổ.

Điểm đặc biệt của chú là nói rành tiếng Khmer như một người dân tộc thật sự. Nói về việc học tiếng dân tộc, chú Thảo cho rằng: “Lớn lên trong ấp này, chòm xóm đa người dân tộc nên tôi học để dễ giao tiếp, gần gũi hơn với mọi người”.

Nhờ biết nói 2 thứ tiếng Việt- Khmer, có thể hiểu được hết tâm tư nguyện vọng của bà con, chú thường phiên dịch khi Đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri.

Những lần đưa nhà báo đến hộ dân, chú cũng trao đổi bằng tiếng Khmer trước vì “nhiều người không hiểu tiếng Việt bằng tiếng Khmer, phải giải thích cho bà con hiểu ý mình”- chú Thảo nói.

Khi chúng tôi hỏi về sự đoàn kết dân tộc Kinh- Khmer trong chi bộ và trong ấp, chú Thảo mỉm cười. Bởi vì đối với chú và những người dân trong ấp này điều đó như sự hiển nhiên, không có một khác biệt nào giữa hai dân tộc.

Chi bộ ấp Sóc Rừng luôn đoàn kết cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong ảnh: Bí thư và Phó bí thư ấp Sóc Rừng thường xuyên trao đổi công việc của ấp.
Chi bộ ấp Sóc Rừng luôn đoàn kết cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong ảnh: Bí thư và Phó bí thư ấp Sóc Rừng thường xuyên trao đổi công việc của ấp.

Cuộc sống trong ấp chan hòa, bình đẳng mọi người yêu thương giúp đỡ nhau với nghĩa xóm tình làng. Bà con Khmer là những người bộc trực và dễ cảm thông, sẵn sàng vì việc chung. “Khi hiểu về việc hiến đất làm đường, mọi người đều đồng tình, như hộ Thạch Nam đã hiến hết 2 công đất”- chú Thảo kể.

Điểm khác biệt của Sóc Rừng với nhiều nơi là: “Mỗi năm được ăn tết nhiều hơn”- chú Thảo giải thích: “Hộ Khmer qua nhà hộ người Kinh ăn Tết Nguyên đáng và hộ người Kinh qua nhà người Khmer vui Chol Chnam Thmay”. Ngoài ra, còn có nhiều cặp vợ chồng Kinh- Khmer là biểu hiện giao thoa văn hóa, gắn kết giữa hai dân tộc.

“Tôi xem mọi người dù dân tộc nào cũng như nhau, làm gì cũng nêu tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân. Thấy việc gì có lợi cho bà con thì mình làm, nói được thì làm được là bà con tin”- chú Thảo nói.

Chi bộ “hai dân tộc một tấm lòng”

Chi bộ ấp Sóc Rừng hiện có 18 đảng viên, trong đó có 5 đảng viên được miễn sinh hoạt do đi làm ăn xa. “20 năm trước, chi bộ có 4 đồng chí thôi! Toàn ấp có 170 hộ thì đến 110 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đến gần 65%”- chú Thảo nói.

Muốn đảng viên gắn với chi bộ và sinh hoạt chi bộ có hiệu quả thì phải hiểu được đảng viên đang cần gì. Quan tâm, hiểu và hỗ trợ đảng viên khó khăn động viên từ vật chất đến tinh thần để đảng viên yên tâm sinh hoạt chi bộ là điều chi ủy ấp Sóc Rừng đã và đang làm.

“Đảng viên phải làm gương trong phát triển kinh tế để bà con noi theo”- anh Thạch Sa Phe- Phó bí thư ấp Sóc Rừng nói. Làm gương phát triển kinh tế, siêng năng lao động, cho con cái học hành,… Anh Thạch Phe còn vận động gia đình, cha mẹ và hai em hiến đất làm đường cho rộng rãi hơn vào Trường THCS Loan Mỹ.

Dịch COVID- 19 vừa qua ngay Tết Chol Chnam Thmay, anh Thạch Sa Phe cùng gia đình làm gương thực hiện giãn cách xã hội. “Mình là đảng viên, mình vận động bà con mà mình không làm thì ai nghe mình”.

Chi bộ quan tâm, công khai minh bạch trong bình xét, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đặc biệt trong bình xét hộ nghèo, chọn những hộ gia đình để trao nhà tình thương,… đều được công khai với phương châm “dân biết, dân làm và dân kiểm tra”.   

Chúng tôi đến nhà chú Thạch Thương khi vợ chú vừa qua đời vì bạo bệnh, căn nhà tường khang trang đang được hoàn thiện giúp hộ nghèo có được mái ấm che nắng mưa, như mong muốn xoa dịu bớt nỗi đau của chú. Chú Thạch Thương cho biết: “Còn ráp cửa là có nhà tường ở rồi, nhà tui được Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long cho 40 triệu đồng, các con tui gom góp phụ hợ thêm hơn 20 triệu. Phải vợ tui còn sống được ở vậy bả vui lắm!”.

Ôm cháu ngoại vào lòng, chú Thương chân thành: “Nhờ các vị trong ấp đây tới lui thăm hỏi, động viên, giới thiệu vợ tôi vào mục địa chỉ nhân đạo của Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, rồi bình xét tui được hỗ trợ nhà, tui mang ơn lắm!

Trong công tác giảm nghèo, Chi bộ ấp Sóc Rừng điều tra từng hộ nghèo theo nhu cầu: vì sao nghèo? Yếu điểm nào và có thể hỗ trợ gì?  Sau đó xây dựng kế hoạch xem hộ nào có nhu cầu vay vốn, hộ nào cần vật nuôi, hộ nào cần giới thiệu việc làm, hộ nào thiếu nhà ở,… để “trao đúng cần câu”.

Đối với những hộ không chí thú làm ăn, thì khi ra ấp bình xét, các hộ khác sẽ không đồng tình. Đó là cách chi bộ ấp Sóc Rừng lắng nghe ý kiến của người dân, để dân làm chủ.

Đối với những hộ Khmer nghèo, cán bộ, đảng viên ở cơ sở ngoài việc vận động chí thú làm ăn, còn “cầm tay chỉ việc”, không chỉ giúp người dân vay vốn sản xuất mà còn hướng dẫn từng hộ cách thức làm ăn, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để thoát nghèo bền vững.

Chú Trần Văn Thảo có 8 nhiệm kỳ làm Bí thư ấp Sóc Rừng.
Chú Trần Văn Thảo có 8 nhiệm kỳ làm Bí thư ấp Sóc Rừng.

Thời gian qua, ấp Sóc Rừng có 10 lao động Khmer đi xuất khẩu. Với việc người Khmer đi XKLĐ ngày càng tăng, cho thấy người dân nơi đây đã hiểu được những lợi ích thiết thực khi đi làm việc ở nước ngoài.

Chuyện ở chi bộ ấp Sóc Rừng tuy không quá lớn nhưng khẳng định được sức mạnh của chi bộ khi “nói đi đôi với làm” đã xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc. Với sự nỗ lực của chi bộ, nhân dân trong ấp và sự quan tâm của các cấp, các ngành, Sóc Rừng sẽ từng ngày đổi mới.

Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thực sự là “cầu nối” ý Đảng với lòng dân, để nhân dân hiểu và sống theo đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng. Để ý kiến, nguyện vọng của nhân dân được đến với Đảng cho những chủ trương, chính sách ngày càng sát thực tế, hiệu quả cao hơn.

BOX: Ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, với hơn 2% dân số toàn tỉnh, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long luôn khẳng định, đồng bào dân tộc Khmer là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòa hợp cùng nhân dân trong tỉnh phấn đấu vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng phát triển.

Trong đó, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được xem là hạt nhân lan tỏa phong trào.

Đội ngũ những người có uy tín tuyên truyền vận động đồng bào nâng cao ý thức tự vươn lên trong sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần đáng kể cho chính sách giảm nghèo; cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Biểu đồ: Số hộ nghèo ở ấp Sóc Rừng từ năm 2017- 2020
Biểu đồ: Số hộ nghèo ở ấp Sóc Rừng từ năm 2017- 2020

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN