"Xây nhịp cầu" nối ý Đảng với lòng dân

Kỳ 2: Chí thú làm ăn xây nông thôn thêm mới

Cập nhật, 17:51, Thứ Tư, 22/07/2020 (GMT+7)

 

Chú Thạch Em (đầu tiên, bên trái) chỉ cách phân biệt dừa sáp và dừa không sáp.
Chú Thạch Em (đầu tiên, bên trái) chỉ cách phân biệt dừa sáp và dừa không sáp.

Khi câu chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và trồng cây trên đất ruộng còn “mới tinh” với nhiều người thì cách đây cả chục năm, chú Thạch Em ở ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã chuyển 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả thành vườn trồng xen canh dừa sáp và chanh không hạt. Là nông dân sản xuất giỏi, chú Thạch Em không chỉ chí thú làm ăn, còn chia sẻ kinh nghiệm với bà con xung quanh, “trao cần câu”cho đồng bào Khmer còn khó khăn để vượt khó, thoát nghèo.

Từ nông dân làm kinh tế giỏi

Ai đã từng qua một lần sẽ cảm nhận sự thay da đổi thịt khi chạy xe bon bon trên những con đường của huyện nông thôn mới Cầu Kè hôm nay. Những con đường láng nhựa, xe chạy bon bon, những vườn cây xanh trỉu quả xen với những ngôi nhà xinh xinh được cất theo kiểu mới.

Nhà chú Thạch Em nằm cặp hương lộ 50, lúc nào xe cộ cũng tấp nập, đông vui. 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở nhà chú Thạch Em như đã hẹn. Sau đôi ba phút chờ đợi, chú Thạch Em vào nhà, chiếc áo cũ ướt đẫm mồ hôi, chú cười hì hì: “Tui tranh thủ đi mần vườn được gần 2 tiếng rồi”.

Chú Thạch Em cưới vợ và ra riêng với 3 công đất năm 1983, căn nhà nhỏ ở giữa đồng. Nay chú có 11 công ruộng, 13 công vườn cây ăn trái và thêm 3 công đất nằm cặp lộ này. Theo chú Thạch Em, muốn thoát nghèo phải thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển đổi cách làm ăn và siêng đi học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công hơn.

“Kinh nghiệm sản xuất không phải tự nhiên mà có, nhờ chính quyền tổ chức, tôi được đi học hỏi nhiều nơi. Nhờ học hỏi mới cải tạo được đất giồng cát này thành đất có thể trồng rau màu xanh mướt”- vừa nói chú vừa chỉ tay về đám hẹ và rau xanh mà vợ chú đang cắt.

Chọn trồng dừa sáp vì đây là loại trái đặc sản ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) giá trị kinh tế cao, thời gian thu hoạch dài. Một trái dừa sáp có giá trị kinh tế bằng 10 trái dừa khô (buồng dừa sáp thường chỉ có 2 trái sáp, số còn lại bán theo giá dừa thường). Chủ vườn và người mua dừa kinh nghiệm chỉ cần nhìn màu sắc và lắc thử là biết trái dừa có sáp hay không.

Để tận dụng đất khi cây dừa sáp còn nhỏ, chú Thạch Em trồng xen chanh không hạt. Chú tính: “Độ 10 năm khi dừa đủ sức lớn và tàn che kín vườn thì cây chanh cũng lão rồi”. Khi cây chanh và dừa còn nhỏ, chú Thạch Em tận dụng đất “lấy ngắn nuôi dài” trồng thêm hành, hẹ, rau thơm.

Khi được hỏi về lợi nhuận hàng năm, chú Thạch Em khiêm tốn: “Năm nay không được như mọi năm vì cây dừa cũng xào lá chút đỉnh do hạn mặn dữ quá”. Tuy nhiên, nhờ chủ động nạo vét mương trữ nước ngọt từ sớm, hàng năm, vườn cây trái của chú đều đặn cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Điều đáng quý ở chú Thạch Em là không ngại chia sẻ mô hình với mọi người xung quanh. Chú nói: “Trăm nghe không bằng mắt thấy, khi mình nói điều gì mình phải hiểu và đã từng làm qua thì bà con mới tin mình”.

Chú sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người.
Anh Thạch Sang được hỗ trợ bò mẹ nay đã có được bê con.

Không dừng lại, chú Thạch Em còn học cách trồng mít và đầu tư mua giống mít mới về trồng. Không như nhiều người thích cho trái sớm, vườn mít xanh um hơn 2 năm tuổi mới được chú chuẩn bị cho lứa trái đầu tiên. Chú cho rằng: “Cho trái sớm dễ bị si cây, không ăn sổi ở thì được, phải từ từ cho cây đủ sức mới ăn trái được lâu dài”.

Siêng năng và cần kiệm, cả gia đình chú Thạch Em từ vợ chồng, con cái đến dâu rể đều chí thú làm ăn. Không chỉ làm vườn, chú còn mua xe để chạy dịch vụ, cho thuê cổng rạp đám tiệc trong vùng.

Thật sự, với chú và những người thân trong gia đình “lao động là vinh quang”, cô Giang Thị Sơn – vợ chú Em vừa bán tạp hóa vừa thoăn thoắt lặt hẹ: “Mớ hẹ này mỗi ngày cân được 200.000- 300.000đ, đủ tiền chợ cho cả nhà”.

Đến người có uy tín trong cộng đồng

Gắn bó nhiều năm với bà con khó khăn từ khi còn là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Tân, đến nay, chú Thạch Em vẫn quan tâm đời sống của những hộ khó khăn trong xã.

Cây dừa sáp cấy phôi tỷ lệ sáp trên 90% sẽ giúp bà con huyện Cầu Kè tăng năng suất dừa sáp.
Cây dừa sáp cấy phôi tỷ lệ sáp trên 90% sẽ giúp bà con huyện Cầu Kè tăng năng suất dừa sáp.

Là thành viên Ban trị sự Chùa Bodhiri (ấp Chông Nô 3), hàng tháng, hàng quí chú Thạch Em cùng các thành viên trị sự chùa xem xét những hoàn cảnh khó khăn và “trao đúng cần câu”, đúng địa chỉ.

Ngày 10/6/2020, huyện Cầu Kè đón nhận Bằng công nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ.Đây là huyện thứ 3 sau huyện Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Trà Vinh. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm.

Tùy theo khả năng của từng hộ mà chú Thạch Em tư vấn và vận động hỗ trợ “cần câu cơm” phù hợp. Hộ anh Thạch Sang được hỗ trợ bò cái và trao nhà tình thương, đến nay thì bò mẹ đã cho 1 bê con khỏe mạnh.

Anh Sang cho hay: “Con bò này cũng nhờ anh Thạch Em xin Hội Chữ thập đỏ dùm, còn nhà thì Hội Phụ nữ cho”.

Trước đây, gia đình anh Sang thuộc hộ nghèo, cuộc sống bấp bênh, 4 người chỉ sống phụ thuộc vào công việc làm hồ của anh.

Anh Sang nói: “Nhờ Nhà nước quan tâm giúp đỡ, tui thoát nghèo rồi, chỉ còn là hộ cận nghèo thôi. Giờ tui đi làm hồ, vợ ở nhà lo cho 2 đứa con nhỏ và cắt cỏ cho con bò nó ăn”.

Đối với người khuyết tật mà còn khả năng lao động thì chú động viên, trao phương tiện đi lại cho họ. Một chiếc xe lắc chạy nhanh trên đường, chú Thạch Em chỉ tay nói: “Thạch Que đó, chạy xe lắc điện đi bán vé số, ngày được 200.000đ”.

Chú Thạch Em nhớ về khoảng thời gian Thạch Que mặc cảm vì bị cụt hai chân, trở thành gánh nặng cho gia đình, vợ con. Nhờ được động viên và vận động cho xe lắc điện, anh Thạch Que đi bán vé số và  “nay cũng trở thành lao động chính trong nhà rồi, đường nào anh cũng đi tới được”.

Tiễn chúng tôi ra về, chú Thạch Em không quên khoe: “Những liếp dừa sáp mới, dừa sáp lùn cấy phôi sẽ cho 90% trái sáp. Tôi lên tới Sài Gòn mua về trồng năm ngoái”- rồi chú chợt nhìn xa xăm, nói tiếp: “Tui cũng còn nỗi lo là khi dừa sáp đã cho nhiều trái sáp rồi thì có lâm vào cảnh được mùa mất giá hay không? Nông dân mình cần Nhà nước quan tâm đầu ra lắm”.

 

 Ông Trịnh Công Đam- Trưởng Ban nhân dân ấp Chông Nô 2.
Ông Trịnh Công Đam- Trưởng Ban nhân dân ấp Chông Nô 2.

Ông Trịnh Công Đam- Trưởng Ban nhân dân ấp Chông Nô 2 nói:

Ấp Chông Nô 2 có khoảng 95% dân số là người dân tộc Khmer, toàn ấp còn 30 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ gần 7%. Anh Thạch Em là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer được bầu chọn. Nói về siêng năng lao động để phát triển kinh tế thì trong ấp không ai qua hộ anh Thạch Em, ngoài ra, anh làm gương cho phật tử giúp nhiều gia đình khó khăn phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN