"Xây nhịp cầu" nối ý Đảng với lòng dân

Cập nhật, 14:27, Thứ Ba, 21/07/2020 (GMT+7)

Hiện nay có khoảng 1,2 triệu người dân tộc Khmer đang sinh sống, chiếm 80% đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL. Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer nói riêng.

Nhờ những chủ trương chính sách đúng đắn, đời sống vật chất tinh thần của bà con Khmer ngày càng được nâng cao. Người Khmer ĐBSCL không chỉ có đời sống ổn định, kinh tế phát triển và được nâng cao trình độ dân trí mà còn phát huy và giữ gìn được những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc.

Góp phần đoàn kết dân tộc, đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào Khmer đã phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân và qua đó, ý Đảng hợp lòng dân, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. 

Kỳ 1: Nhà giáo nhân dân của đồng bào Khmer Nam bộ

Thầy giáo Lâm Es là người dân tộc Khmer đầu tiên và là nhà giáo đầu tiên của khu vực ĐBSCL được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND) vào năm 2002.

Gần 60 năm gắn bó với nghề giáo, dù đã ngoài 80 tuổi, NGND Lâm Es-nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Sóc Trăng ngày ngày vẫn miệt mài lao động, gieo con chữ cho đàn em.

Cuộc sống thanh bạch của một người đảng viên luôn học theo gương Bác, “còn sống là còn đi dạy, còn sinh hoạt Đảng”; thầy là tấm gương đạo đức, không chỉ dạy chữ mà còn dạy trò cách làm người, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer.

Bàn nhỏ làm việc của thầy đầy sách, đặc biệt là những bộ sách, giáo trình tiếng Khmer.
Bàn nhỏ làm việc của thầy đầy sách, đặc biệt là những bộ sách, giáo trình tiếng Khmer.

Tấm gương hiếu học

Căn nhà cấp 4 gọn gàng của thầy Lâm Es nằm trong con hẻm nhỏ quanh co ở ấp Khu 2, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên- Sóc Trăng. Thầy đón chúng tôi bằng nụ cười phúc hậu, chân thành “lát ở lại ăn cơm trưa với thầy”.

Những hình ảnh về một thời gian khó của cậu học trò nghèo sớm thấu hiểu đói cái ăn, khát cái chữ nhưng vẫn đầy nhiệt huyết để tìm học chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình vẫn còn vẹn nguyên và trang trọng trong trang ký ức của NGND Lâm Es.

Ngày đó, chuyện học ở vùng quê nghèo xã Thạnh Phú này là chuyện hiếm bởi “cơm còn không đủ ăn no”. Mồ côi cha từ 5 tuổi, nhà nghèo, anh em của thầy mất dần vì dịch bệnh, không có điều kiện cứu chữa. Thầy lớn lên từ sự tảo tần của mẹ và sự giúp đỡ của hàng xóm nên “ai ai cũng có ơn với tôi hết”.

Để nuôi con chữ, chàng thanh niên Khmer nghèo ngày ấy cố gắng đều đặn mỗi ngày dậy từ 3 giờ sáng để vượt quãng đường hơn 20km đến Trường Trung học đệ nhất cấp Khai Trí.

Rồi cậu bé gặp được thầy Sơn Cao- một thầy giáo làng dạy học miễn phí ở chùa Cần Đước và đưa vào chùa học chữ. Mỗi ngày được thầy Sơn Cao dạy tiếng dân tộc, cắt nghĩa những bài học về đạo đức làm người. “Thầy Sơn Cao là người khơi vào lòng tôi tình yêu mãnh liệt với tiếng nói đồng bào và mơ ước sau này được làm thầy giáo”- thầy Lâm Es nói.

Theo quan niệm của người Khmer, tu là để báo hiếu cho cha mẹ. Chùa Khmer cũng là ngôi trường lớn nuôi dưỡng, hình thành nhân cách. Được tiếp xúc với kinh kệ, giáo lý nhà Phật, tự học trong chùa,  thầy vừa nghiên cứu kinh điển Phật giáo Nam tông vừa tiếp tục tự học song ngữ Việt - Khmer và các ngoại ngữ Pháp, Anh.

Với thầy, “học là để giải thoát cho con người, từ dốt để trở thành tri thức. Từ nghèo trở thành khá giả rồi hướng dẫn cho người khác, giúp đỡ cho gia đình mình, bản thân mình rồi bổn sóc. Người không biết chữ là người mù. Khi đi dạy, thầy tự nhủ phải cố gắng học, hiểu biết nhiều hơn như vậy mới giúp ích cho nhiều người hơn”.

Tu học được 3 năm, thầy Lâm Es được các sư sãi và bà con bầu làm Sư cả nhì (người có uy tín trong chùa Khmer, đứng đầu là Sư cả- PV). Thầy được giao nhiệm vụ dạy chữ Khmer cho bà con phật tử và sư sãi tại chùa. Thầy bén duyên với nghề giáo từ đó và hoàn tục vì “muốn đi dạy học cả đời”.

Từ năm 1972 - 1977, thầy Lâm Es tiếp tục tự học, đỗ tú tài 2 và làm giáo viên dạy tiếng Khmer và tiếng Pháp tại Trường cấp 2 Pô thi (nay là Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, TP. Sóc Trăng) và cũng là người đầu tiên dạy tiếng Anh trong chùa.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thầy Lâm Es chủ yếu dạy văn hóa cho con em đồng bào Khmer và tiếp tục tự trau dồi thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Từ năm 1978, thầy Lâm Es được chuyển về Ty Giáo dục Hậu Giang làm công tác quản lý, phụ trách mảng giáo dục dân tộc.

Gieo chữ, dạy làm người

Đồng bào Khmer ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, từ phát triển kinh tế gia đình đến giáo dục, học hành. Đi dạy từ 21 tuổi, thầy Lâm Es không nhớ nỗi mình đã dạy bao nhiêu học trò, nay tuổi đã 80 thầy vẫn vừa làm công tác khuyến học vừa đi dạy tiếng Khmer, vì “còn khỏe là còn dạy học”.

Người dân của huyện Mỹ Xuyên vẫn quen hình ảnh của người thầy đạp xe hay lội bộ hoặc đón xe bus đến trường.

“Xóa mù chữ hồi đó khổ lắm, người ta đi vận động từng nhà nhưng tôi có cách dễ hơn. Ở chùa, một tháng thọ giới mấy lần, tôi tập trung bà con lại, giải thích cho các sư, nói cho bà con hiểu để cho con cháu đi học”- thầy Lâm Es tâm tình.

Học trò cũ Danh Hòa Thuận đến thăm thầy.
Học trò cũ Danh Hòa Thuận đến thăm thầy.

Được cấp đất ở TP Sóc Trăng nhưng thầy không nhận vì “tôi có đất nhà ở Mỹ Xuyên rồi, dù hơi xa nhưng tôi có thể đi xe bus, xe đạp đi làm được”.

Từ năm 1979, thầy Lâm Es được Bộ Giáo dục phân công làm chủ biên sách giáo khoa song ngữ Khmer-Việt các quyển 1, 2, 3, 4 cho học sinh phổ thông.

Đó chính là ước mơ mà thầy đã ấp ủ bao nhiêu năm nay thực hiện được. “Điều trăn trở của thầy là làm sao giữ cho được ngôn ngữ của dân tộc. Bây giờ số học sinh người Khmer biết viết chữ Khmer không nhiều. Vì vậy, thầy cố gắng biên soạn bộ sách này là vì mục đích đó”- thầy Lâm Es chia sẻ.

Ðến nay bộ sách Tiếng Khmer được bổ sung, tái bản nhiều lần và trở thành bộ sách giáo khoa được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer trong các trường phổ thông. Ngoài ra, thầy Lâm Es còn có rất nhiều công trình liên quan đến việc dạy và học tiếng Khmer có tầm ảnh hưởng trong nước và ngoài nước.

NGND Lâm Es: “Còn khỏe là còn đi dạy”.
NGND Lâm Es: “Còn khỏe là còn đi dạy”.

Thầy Lâm Es cho biết: “Bộ sách có ưu điểm là giúp các em tiếp thu nhanh, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với tâm lý học sinh ở độ tuổi này”. Tính đến nay, thầy Lâm Es đã có hơn 50 đầu sách giáo khoa dạy chữ Khmer được xuất bản.

Tỉnh Sóc Trăng có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú và Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ với 170 học viên. Duy trì các lớp dạy chữ Khmer, có khoảng 6.500 sư sãi và con em Phật tử trong phum, sóc theo học.

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sóc Trăng có chủ trương khuyến khích cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh nói và viết tiếng dân tộc Khmer địa phương. Chủ trương này đã được tổ giao cho Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng tổ chức giảng dạy.

Hàng ngàn học viên, chủ yếu là cán bộ đang công tác đã tham gia. Thầy Lâm Es cũng là người đề nghị ngay cả cán bộ người Kinh cũng nên học tiếng Khmer để có thể nghe, hiểu tiếng Khmer nhằm tạo mối dây liên kết bền chặt, vừa hiệu quả trong tác dân vận vừa đoàn kết, thấm tình dân tộc Kinh- Khmer.

Anh Danh Hòa Thuận- học trò của thầy, cho biết: “Việc học tiếng Khmer giúp cho tôi biết chữ, biết tiếng của đồng bào Khmer để thấu hiểu tâm tư, gần gũi với bà con. Nhờ đó, tôi tuyên truyền tốt hơn các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc Khmer”.

Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, thầy thường xuyên đến các chùa để vận động đồng bào cho con em đến trường. Hàng trăm suất học bổng của Quỹ Khuyến học tỉnh Sóc Trăng được trao cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Người dân Khmer Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung đã ngày càng xem trọng việc học hành, khi xây dựng trường học, người dân sẵn lòng hiến đất, nuôi con vào đại học.

Thầy Lâm Es luôn dạy học trò về cách làm người ngay thẳng, chính trực. Đi học trước hết là học làm người, học để hiểu và yêu cái hay, cái đẹp. “Đi học để biết tự tạo việc làm cho mình, đừng suốt ngày trông mong vào làm cơ quan này, sở ngành nọ. Tôi dạy học trò mình vậy và tôi ủng hộ khởi nghiệp vì thấy rất hay”- thầy nói.

“Tôi tâm niệm làm việc gì cũng phải có trách nhiệm, làm hết sức mình. Cuối năm 2020 này tôi sẽ thôi không làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nữa nhưng nếu Đảng còn cần, dân còn cần thì giao tôi việc gì tôi cũng sẽ làm hết trách nhiệm của mình đến hơi thở cuối cùng”. - NGND Lâm Es chia sẻ.

 

Ông Thạch Thanh Tùng.
Ông Thạch Thanh Tùng.

Ông Thạch Thanh Tùng- Phó Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: “NGND Lâm Es là một người thầy mẫu mực, vượt khó, là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Thầy đã nỗ lực trong công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy tiếng nói, chữ viết Khmer”.

Kỳ 2: Chí thú làm ăn xây nông thôn thêm mới

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN