Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND 2 cấp

Tăng cường khảo sát, giám sát

Cập nhật, 06:51, Thứ Năm, 04/07/2019 (GMT+7)
Hoạt động khảo sát, giám sát đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thẩm tra.
Hoạt động khảo sát, giám sát đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thẩm tra.

Thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết (NQ) trình kỳ họp là chức năng đặc thù của các Ban HĐND được pháp luật quy định theo trình tự, thủ tục và thẩm quyền. Qua hoạt động thực tiễn thời gian qua, để nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra các ban của HĐND 2 cấp, cần nhiều giải pháp tạo sự đồng thuận, minh bạch, khoa học và hiệu quả.

Đổi mới theo hướng chuyên sâu

Hoạt động thẩm tra là hình thức giám sát của các ban HĐND nhằm xem xét sự phù hợp của nội dung dự thảo NQ với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của nội dung dự thảo NQ với hệ thống chính sách pháp luật hiện hành;

sự phù hợp với nội dung dự thảo NQ với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đây cũng là hoạt động quan trọng đảm bảo cho NQ được ban hành sát đúng, phù hợp làm cơ sở để đại biểu thảo luận, xem xét, quyết định, thông qua NQ, là cơ sở để Thường trực HĐND xem xét giữa 2 kỳ họp.

Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, qua gần 3 năm triển khai, thực hiện các quy định mới, hoạt động thẩm tra của các ban HĐND được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, chất lượng báo cáo từng bước đổi mới tích cực.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh- Phó trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh, các buổi khảo sát, giám sát thực tế làm cơ sở để ban phản ánh trong báo cáo thẩm tra là yếu tố quan trọng để làm nên chất lượng của các báo cáo thẩm tra.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh đã thẩm tra 7 báo cáo và 34 dự thảo NQ thuộc lĩnh vực văn hóa- xã hội. Trên cơ sở quy định của pháp luật, NQ HĐND tỉnh và tình hình thực tế, nhất là các vấn đề cử tri quan tâm, Ban Văn hóa- xã hội đã lựa chọn một số vấn đề bức xúc của cử tri để giám sát trực tiếp tại cơ sở.

“Đồng thời, trong quá trình giám sát, Ban Văn hóa- xã hội đã phát huy vai trò trách nhiệm của cơ quan chuyên trách HĐND tỉnh, vai trò lãnh đạo, thành viên của ban trước cử tri, đi sâu tìm hiểu nắm bắt vấn đề, nhất là các vấn đề hạn chế mang tính ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân”- bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh cho biết.

Căn cứ NQ và chương trình giám sát của HĐND huyện Tam Bình, Ban Pháp chế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai giám sát việc chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp và một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Qua đó, nắm bắt thông tin phục vụ tốt hơn cho công tác thẩm tra.

“Nội dung thẩm tra bao quát và có lựa chọn trọng tâm để thẩm tra sâu, tập trung vào các nội dung như tình hình vi phạm, tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực được cử tri quan tâm”- bà Phạm Thị Hằng- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện Tam Bình- chia sẻ.

Kết quả công tác thẩm tra là cơ sở giúp đại biểu HĐND có thêm thông tin, thấy được những vấn đề cần tập trung thảo luận, lựa chọn phương án, quyết định biểu quyết thông qua NQ phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện thẩm tra còn khó khăn, vướng mắc như việc nghiên cứu, tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin liên quan đến thẩm tra có lúc còn bị động, hoạt động khảo sát còn hạn chế…

Từng bước nâng cao chất lượng thẩm tra

Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện- thị- thành lần thứ 2 năm 2019, các đại biểu đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp để việc thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo NQ đảm bảo chất lượng, mang tính phản biện cao.

Theo đó, cần tăng cường sự chủ động tham mưu hơn nữa của các cơ quan tham mưu thuộc UBND tỉnh, sớm trình các tờ trình, dự thảo NQ đến Thường trực HĐND nhằm có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu, mời ý kiến tham vấn của ngành chuyên môn, người am hiểu về lĩnh vực thẩm tra để phản biện thật sự có chất lượng- ông Nguyễn Thành Nghiệp- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị.

Ông Trương Văn Gạo- Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mang Thít- đề xuất, Thường trực HĐND cần duy trì tốt quy chế phối hợp, điều hòa tốt hoạt động của ban, đảm bảo đúng chức năng, quyền hạn của từng ban và đảm bảo đúng lĩnh vực hoạt động, đủ năng lực thực hiện công tác thẩm tra từng báo cáo; phải thực sự là cơ sở tin cậy của đại biểu HĐND. Đó cũng là điều kiện góp phần cho NQ được chặt chẽ, khả thi hơn.

Bên cạnh đó, thành viên các ban thẩm tra, nghiêm túc nghiên cứu các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo NQ khi kiểm tra. Báo cáo thẩm tra phải đảm bảo chất lượng, có tính phản biện cao, tính hợp pháp thống nhất, thể hiện ý kiến của ban phải đúng quy định pháp luật, phù hợp tình hình thực tế địa phương.

Kết quả thẩm tra phải rõ ràng, cụ thể, có trọng tâm, đề xuất được phương hướng, biện pháp giải quyết vấn đề thắc mắc, tính khả thi của NQ. Đồng thời, cần phối hợp với ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thẩm tra cho các thành viên để từng bước nâng cao chất lượng thẩm tra của các ban HĐND.

Chủ tịch HĐND tỉnh-Bùi Văn Nghiêm đề nghị quan tâm thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục soạn thảo đúng quy định, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo trình tự, thời gian theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Các ban chủ động tham gia ý kiến với các cơ quan soạn thảo ngay từ đầu để nắm được vấn đề vướng mắc, phát sinh tạo thống nhất, đồng thuận khi UBND trình HĐND, hạn chế điều chỉnh.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA