Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2019

Cập nhật, 07:53, Thứ Tư, 03/07/2019 (GMT+7)

 

Trong 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng và tăng đều ở các lĩnh vực. Ảnh VINH HIỂN
Trong 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng và tăng đều ở các lĩnh vực. Ảnh VINH HIỂN

Theo báo cáo của Tỉnh ủy về tình hình thực hiện Nghị quyết 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng và tăng đều ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, Tỉnh ủy cũng nhận định, tình hình phát triển kinh tế- xã hội vẫn còn khó khăn, trong đó có ảnh hưởng các loại dịch bệnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn; thu hút đầu tư có dấu hiệu chậm lại.

Kinh tế duy trì tăng trưởng

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, theo đó trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả: vùng cây ăn trái, vùng chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản… trong đó có một số mặt hàng đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Tỉnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn đạt tiêu chuẩn, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực. Trong những tháng đầu năm, việc chuyển đổi cây trồng đạt kết quả tích cực, trong đó đưa rau màu xuống ruộng có diện tích tăng 6,76%, màu xen vườn tăng 14,6%.

Ngoài ra, tỉnh triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả, điển hình là mô hình trồng đậu nành, rau an toàn sử dụng phân hữu cơ sinh học; mô hình cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh vi rút trên lúa…

Song song đó, phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với tiêu chuẩn chất lượng. Theo đó hiện toàn tỉnh có 21 cơ sở được chứng nhận sản xuất đạt các tiêu chuẩn còn hiệu lực.

Cụ thể, 14 cơ sở trồng trọt đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với tổng quy mô 329,3ha, sản lượng 11.749 tấn/năm; 1 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP với quy mô 200 con heo thịt và 250 con heo giống; 5 cơ sở sản xuất thủy sản đạt chứng nhận VietGAP và 1 cơ sở đạt chứng nhận ASC với sản lượng thủy sản đạt 4.620 tấn/năm. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,96%, trong đó nông nghiệp tăng 1,84%, thủy sản tăng 3,01%.

Về công nghiệp dịch vụ, do các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động góp phần làm cho công nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao so cùng kỳ. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 13,74% (cùng kỳ 9,43%), trong đó các ngành có tốc độ tăng cao gồm: Cung cấp nước, quản lý và xử lý chất thải tăng 15,44%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 14,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,7%...

Song song đó, hoạt động nội thương khá sôi động, nổi bật là tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn, chợ phiên cuối tuần, tổ chức các đợt bán hàng lưu động… giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt trên 25.537 tỷ đồng, tăng 12,25%.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 269,27 triệu USD, đạt 57,2% kế hoạch năm và tăng 23,89% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu gạo tăng 28,6%, nông sản chế biến gấp 2,05 lần, hàng dệt may tăng 62,6%... Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 5,79% và tăng đều ở cả 3 khu vực.

Vẫn còn khó khăn

Mặc dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng theo đánh giá của Tỉnh ủy, tình hình phát triển kinh tế- xã hội vẫn còn khó khăn, trong đó tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng chậm, chủ yếu do sản xuất lúa giảm cả về diện tích và năng suất; sản lượng chăn nuôi, thủy sản tăng nhưng nguy cơ mất giá, đàn heo có xu hướng giảm do dịch tả heo Châu Phi lan rộng.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện toàn tỉnh xuất hiện 123 ổ dịch ở 75 ấp thuộc 37 xã của 8 huyện- thị- thành. Điều đáng quan tâm là có địa phương đã qua hơn 30 ngày (Phường 8- TP Vĩnh Long) nhưng vẫn tái phát trở lại cho thấy nguy cơ lây lan của dịch bệnh này rất phức tạp.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tho, hiện toàn tỉnh đã tiêu hủy khoảng 5.000 con heo (khoảng 300 tấn) và điều đáng lo là có khoảng 120.000 con heo (chiếm 1/3 tổng đàn toàn tỉnh) đang trong phạm vi 3km có nguy cơ mắc bệnh. Ông đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo phòng chống bệnh, đặc biệt phải thực hiện tốt “3 không”: không được giấu bệnh, không được giết heo bệnh và không được vứt heo bệnh ra môi trường.

Một khó khăn nữa là hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp còn khó khăn, trong đó doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm hơn doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.

Trong 6 tháng đầu năm, có 29 doanh nghiệp giải thể (tăng 70,5%) và 81 doanh nghiệp ngừng hoạt động (tăng 58,8%) mà nguyên nhân chủ yếu do năng lực cạnh tranh thấp. Ngoài ra, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên loại hình doanh nghiệp triển khai còn chậm, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm so năm trước.

Song song đó, thu hút đầu tư có dấu hiệu chậm lại, một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện do vướng các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai…

Trước những khó khăn đó, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón đề nghị các cấp ủy tiếp tục quan tâm chỉ đạo để quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu mà nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trong năm 2019. Trong đó, rà soát các chỉ tiêu còn thấp để tập trung thực hiện; triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đặt biệt là dịch tả heo Châu Phi.

Đối với ngành nông nghiệp, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn đạt tiêu chuẩn, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực. Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng các xã điểm nông thôn mới; tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nhất là đối với các dự án tồn đọng…

BÙI THANH