40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979- 17/2/2019)

Lên đường khi Tổ quốc gọi!

Cập nhật, 06:12, Thứ Bảy, 16/02/2019 (GMT+7)

Sáng 17/2/1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu. Lúc ấy, những người con tỉnh Cửu Long trong lực lượng làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do Tập đoàn phản động Pol Pot gây ra, tiếp tục giúp bạn xây dựng và khôi phục lại đất nước.

Ông Lâm Văn Thành (hàng ngồi, thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng các đồng đội khi đang phục vụ trong biên chế Tiểu đoàn Cửu Long A. Ảnh tư liệu chụp lại
Ông Lâm Văn Thành (hàng ngồi, thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng các đồng đội khi đang phục vụ trong biên chế Tiểu đoàn Cửu Long A. Ảnh tư liệu chụp lại

Hưởng ứng lời kêu gọi Tổng động viên của Chủ tịch nước vào ngày 5/3/1979, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cửu Long đã lập tức động viên thanh niên, huy động lực lượng thành lập Tiểu đoàn Cửu Long A gấp rút chi viện cho chiến trường biên giới phía Bắc.

Sẵn sàng nhập ngũ khi Tổ quốc cần

40 năm trước, khi vừa 26 tuổi, ông Lê Minh Lấm (Phường 4- TP Vĩnh Long) cùng bao lớp thanh niên yêu nước khác hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc theo Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, nhằm huy động sức mạnh của toàn dân chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trên tuyến biên giới phía Bắc.

Khi đó, ông Lấm đang là cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Cửu Long, với cấp bậc thượng sĩ.

Lệnh Tổng động viên được Chủ tịch nước công bố ngày 5/3/1979. Cũng trong ngày này, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 83-CP, quy định mọi công dân (nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi) có đủ điều kiện đều gia nhập quân du kích tự vệ, thực hiện chế độ làm việc và luyện tập quân sự, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Cửu Long thành lập đơn vị chiến đấu mang tên Tiểu đoàn Cửu Long A để chi viện cho chiến trường phía Bắc.

“Khi đó, suy nghĩ duy nhất trong đầu của những thanh niên như chúng tôi là được một lần nữa cầm súng và đi thẳng ra chiến trường để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”- ông Lấm nói.

Ông Lấm tham gia cách mạng năm 1973, sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, ông chuyển sang ngành công an chưa được bao lâu thì cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra.

Cũng như ông Lấm, ông Lâm Văn Thành (Phường 1- TP Vĩnh Long) tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn Cửu Long A khi đang là công an viên xã Hiếu Tử (huyện Tiểu Cần, tỉnh Cửu Long nay là tỉnh Trà Vinh).

Theo ông Thành, sau khi sàng lọc, Tiểu đoàn Cửu Long A được biên chế 3 đại đội, với quân số khoảng 600. Khoảng tháng 5/1979, đơn vị hành quân đến Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) và được biên chế vào các đơn vị của Quân đoàn 3 (Bộ Quốc phòng) để tổ chức huấn luyện quân sự.

Đây là những đơn vị bộ đội nằm ở “tuyến 2” sẵn sàng chi viện cho các đơn vị ở “tuyến 1” của Quân khu 1, Quân khu 2 và các đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng khi cần.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân nhưng chiến sự vùng biên giới phía Bắc sau đó còn rất lâu mới ngưng tiếng súng, đặc biệt là ở Hà Giang và Hoàng Liên Sơn.

Sau khoảng 2 năm huấn luyện ở tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) , đơn vị của ông Lấm và ông Thành tiếp tục hành quân đến Bắc Thái (nay là Bắc Kạn và Thái Nguyên).

Đến năm 1983, tình hình biên giới tạm ổn, Tiểu đoàn Cửu Long A hoàn thành nhiệm vụ. Tiếc không có cơ hội trực tiếp cầm súng chiến đấu với địch tại chiến trường, nhưng đối với ông Lấm và ông Thành, những ngày huấn luyện hăng say, hành quân gian khổ với hy vọng được “quần nhau với giặc” sẽ là những ký ức không bao giờ quên.

Những đơn vị như Tiểu đoàn Cửu Long A, với những lớp thanh niên ưu tú, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu bảo vệ biên giới, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó cũng chứng tỏ truyền thống sẵn sàng lên đường đi bất cứ đâu khi Tổ quốc gọi của thanh niên
tỉnh nhà.

Hợp tác và hữu nghị luôn giữ vai trò chủ đạo trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Ông Lấm (bên trái) và ông Thành từng có thời gian phục vụ trong biên chế Tiểu đoàn Cửu Long A.
Ông Lấm (bên trái) và ông Thành từng có thời gian phục vụ trong biên chế Tiểu đoàn Cửu Long A.

Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra, nhân dân các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc luôn sát cánh cùng lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Ta bẻ gãy nhiều mũi tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu theo kế hoạch ban đầu, buộc Trung Quốc phải đưa lực lượng dự bị chiến lược vào hỗ trợ, cứu nguy cho lực lượng bị bao vây, cô lập ở Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai.

Do không đạt được mục đích đề ra và bị tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trong nước và trên thế giới lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là bài học kinh nghiệm về việc thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp quân sự- quốc phòng; nhạy bén trong phân tích, đánh giá tình hình, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh,..

Sau nhiều năm gián đoạn, năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, từ đây, quan hệ giữa 2 nước đã khôi phục nhanh chóng và phát triển mạnh.

Lãnh đạo cấp cao 2 nước thường xuyên có những chuyến thăm chính thức và gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế.

Qua đó, nhấn mạnh tình hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc là tài sản quý báu của 2 Đảng, 2 Nhà nước và nhân dân hai nước, do đó cần hết sức giữ gìn và không ngừng vun đắp.

Việt Nam- Trung Quốc khẳng định sẽ làm hết sức mình để quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn, tin cậy hơn, cùng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán thực chất và ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền”, “Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” và “Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ”.

Về vấn đề biển Đông, 2 bên nhất trí thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà 2 bên có thể chấp nhận được, trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông năm 2002 (gọi tắt là DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN.

Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu 2 chiều không ngừng phát triển, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ XXI. Năm 1991, kim ngạch thương mại giữa 2 bên chỉ là 32 triệu USD, năm 2010 lên 27,3 tỷ USD và năm 2017 là trên 93 tỷ USD.

Trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch cũng có những bước phát triển ngày càng cao. 2 nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng về hợp tác đào tạo, số lượng du học sinh của Trung Quốc tại Việt Nam và du học sinh của Việt Nam tại Trung Quốc ngày càng tăng.

Lĩnh vực văn hóa tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như giao lưu văn hóa truyền thống, triển lãm hội họa, xuất bản, báo chí, điện tử,…

Ngày 15/2/2019, tại hội nghị báo cáo chuyên đề về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc do Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hải- Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 9- khẳng định: Khi đưa quân tấn công Việt Nam, Trung Quốc đã không đạt được những kết quả và mục tiêu đã công bố. Qua cuộc chiến này, Trung Quốc đã bộc lộ sự lạc hậu về khả năng tác chiến của quân đội vốn đã không được cải thiện từ sau chiến tranh Triều Tiên xảy ra từ năm 1950.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH