Chống "tự diễn biến" thời hội nhập

Cập nhật, 05:36, Thứ Năm, 14/02/2019 (GMT+7)

Trong thời đại kinh tế thế giới đang hòa vào làm một thì sự tự do về thông tin ngày càng trở thành xu thế chính lan tỏa khắp các quốc gia. Với mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam thì việc tiếp nhận thông tin trên thế giới đã đặt ra nhiều thách thức to lớn, đặc biệt là hiện tượng “tự chuyển hóa”, tự suy thoái trong cán bộ, đảng viên.

Nhiều mặt của vấn đề

Sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, xét trên góc độ kinh tế thì đó là do cám dỗ bởi tiền bạc, vật chất.

Nói một cách thực tế thì mặt bằng lương của cán bộ, công chức trên nhiều ngành nghề chưa đủ trang trải cho cuộc sống, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đó không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc “tự diễn biến”.

Sự suy thoái về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống xét cho cùng là quá trình tác động của cả nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp.

Ngay trong nội bộ một số cơ quan, tổ chức chỉ cần có một hay một vài đảng viên tham nhũng thì ngay lập tức sự suy thoái đó ảnh hưởng lớn đến các cán bộ khác.

Họ sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao người ta nhận tiền được còn mình thì không?” Cộng thêm lý do tiền bạc cần kíp, rồi do nhận thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng, người cán bộ này sẽ mất dần niềm tin vào tổ chức mình, rồi họ tham nhũng lúc nào không hay.

Vấn đề này đã có tiền lệ xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây, khi bộ máy chính quyền dần sụp đổ mà không thể kiểm soát nổi, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của phần lớn đảng viên, tạo thành một cơn sóng phá tan tất cả thành quả dày công xây dựng từ trước.

Tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng ta nhận thức rõ ràng vì đó là sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa.

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước…”.

Đảng ta đã quyết tâm ngăn chặn hiện tượng này trong tổ chức của mình, nhưng điều đáng nói là các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất phức tạp và khó lường, cũng như khó ngăn chặn bằng các biện pháp thông thường.

Sự hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác không chỉ xuất hiện trong một số tổ chức đảng mà đáng lo hơn nó lại đến trong nhiều cá nhân cán bộ, đảng viên.

Nhiều người coi việc nhận quà cáp chỉ là chuyện bình thường, nhưng họ đã tham nhũng mà không nhận ra.

Chỉ một cái tặc lưỡi, họ đã bị tự chuyển hóa mà không biết, bởi sự suy thoái trong đạo đức chính là mảnh đất màu mỡ cho các suy nghĩ về chế độ, về đường lối của Đảng, để rồi đến một lúc nào đó họ sẽ bị của cải vật chất sai khiến mà phản bội Đảng, phản bội đất nước.

Hiện nay, quá trình “tự diễn biến” đang đặt ra nguy cơ không nhỏ cho hệ thống chính trị. Hầu như mọi đảng viên đều có thể tự nhận diện được nguy cơ đó trong chính bản thân mình, trong tổ chức cơ sở của mình.

Song vấn đề ở đây không chỉ đến từ nhận thức của mỗi cán bộ mà còn ở sự vững mạnh của tổ chức, sự đấu tranh trong mỗi cá nhân chống lại cám dỗ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tư tưởng là một thứ có thể thay đổi được, cho đến khi sự đấu tranh trong mỗi người không đủ vững vàng thì người đó sẽ bị thoái hóa, biến chất, trở thành người chống lại Đảng. Về mặt đường lối, chúng ta đã nhận thức rõ và có chiến lược rõ ràng đấu tranh với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nhưng ở mặt còn lại thì ta phải loại bỏ những nguy cơ dẫn đến các hiện tượng đó, cũng như loại bỏ nguy cơ trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Phải loại trừ mọi nguy cơ

Muốn chiến thắng trong cuộc chiến với hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chúng ta buộc phải loại trừ mọi nguy cơ từ chủ quan đến khách quan, từ mỗi cá nhân đến tổ chức. Đó là trận chiến lâu dài và khó khăn, với một kẻ thù trong chính tư tưởng của chúng ta.

Mức độ “tự chuyển hóa” chỉ đến khi quá trình tích tụ “tự diễn biến” đến một mức độ nào đó, do vậy không thể để tình trạng “tự chuyển hóa” xảy ra ồ ạt mà phải phòng chống từ nhiều mặt.

Trước hết cần tăng cường mạnh mẽ nhận thức chính trị của tất cả cán bộ, đảng viên, đồng thời chú trọng giáo dục chính trị cho cả quần chúng, nhất là bộ phận làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Phải hướng tư tưởng của mọi người trong tổ chức gắn với vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, bởi mỗi quần chúng có thể trở thành đảng viên trong tương lai, nếu một đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị thì sẽ rất nguy hiểm cho tổ chức Đảng.

Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là pho kiến thức vô cùng đồ sộ, do vậy phải thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên chứ không thể làm qua loa, chiếu lệ.

Thường xuyên tổ chức các phong trào về tìm hiểu Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó tăng cường tinh thần đấu tranh với “tự diễn biến” trong mỗi đảng viên.

Thứ hai, bằng mọi cách phải tăng cường sự lãnh đạo chính trị của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước đối với xã hội, đặc biệt là gieo niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa trong nhân dân.

Với quá trình hội nhập, thông tin từ nhiều nguồn trên thế giới đã xâm nhập sâu vào đời sống nhân dân. Hàng ngày, mỗi người dân có thể tiếp xúc với các thông tin bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội.

Để phát huy hết sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thì bắt buộc chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ diễn biến tư tưởng trong nhân dân, tìm mọi cách ngăn chặn thế lực phản động thao túng suy nghĩ và tư tưởng của người dân, khiến người dân mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ.

Thứ ba, cần tăng cường nghiên cứu lý luận, nghiên cứu phương thức đấu tranh với hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thời đại hội nhập, trong sự phát triển đa chiều của nền kinh tế đất nước.

Điều đó sẽ làm tăng cường tính chiến đấu, tăng cường sức mạnh tư tưởng, sức mạnh lý luận, mang tính thuyết phục cao trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên và nhân dân.

Thứ tư, cần từng bước nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới, hải đảo cũng như những đảng viên làm công việc nguy hiểm, khó khăn vất vả.

Cần phải xác định kinh tế của mỗi người là nền tảng để phát huy tốt năng lực trong công tác và qua đó tạo niềm tin với Đảng, với đất nước, đúng như câu tục ngữ “có thực mới vực được đạo”.

Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao sức đề kháng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước sự tác động tiêu cực từ cám dỗ vật chất trong kinh tế thị trường, không để tư tưởng tham nhũng và lối sống sa đọa lây lan trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Làm tốt được những giải pháp đó, không những chúng ta có thể chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà còn củng cố sức mạnh, tổ chức của Đảng.

ĐINH THÀNH TRUNG