Bình Tân

Khởi sắc với nhiều mô hình mới, hiệu quả

Cập nhật, 06:00, Thứ Năm, 07/06/2018 (GMT+7)

Tại buổi làm việc với Huyện ủy Bình Tân về tình hình thực hiện Nghị quyết 6 tháng đầu năm 2018, đoàn giám sát của Tỉnh ủy đã đánh giá, địa phương có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với nhiều mô hình hiệu quả, phong phú. Đây là tín hiệu vui cần được phát huy và nhân rộng…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu cùng đoàn khảo sát của Tỉnh ủy thăm Công ty TNHH 1TV M&V Nursery sản xuất xơ dừa.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu cùng đoàn khảo sát của Tỉnh ủy thăm Công ty TNHH 1TV M&V Nursery sản xuất xơ dừa.

Nhiều mô hình mới

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Tân Lê Minh Đức, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, 6 tháng đầu năm địa phương đã đạt một số kết quả khả quan.

Trong lĩnh vực kinh tế, các giá trị sản xuất nông- lâm và thủy sản; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá hiện hành; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đều tăng.

Nổi bật, giá trị sản xuất nông- lâm và thủy sản tăng trưởng cao (tăng 4,52% so với cùng kỳ).

Bên cạnh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: dưa hấu tết vụ Đông Xuân kết hợp khoai lang vụ Xuân Hè (xã Tân Hưng) cho lợi nhuận khoảng 350- 400 triệu đồng/ha/2 vụ;

chuyên canh cây hoa huệ ở xã Tân Hưng, Tân Lược, Tân An Thạnh và Tân Bình, lợi nhuận 50- 80 triệu đồng/ha/tháng; chuyên canh rau màu trên địa bàn 11 xã, lãi 180- 400 triệu đồng/ha/năm;

trồng thanh long ruột đỏ xã Tân An Thạnh, Thành Lợi, Tân Bình và Mỹ Thuận lợi nhuận khoảng 300- 500 triệu đồng/ha/năm… địa phương còn có những mô hình kinh tế nông nghiệp mới hiệu quả khả quan như: trồng rau sạch trong nhà kín, trồng dưa hấu sử dụng phân hữu cơ...

Đến thăm mô hình trồng mồng tơi lấy hạt của gia đình anh Ngô Hồng Son (xã Mỹ Thuận), dù công việc bận bịu nhưng anh đã chuẩn bị sẵn tất cả số liệu để “khi đoàn hỏi thì trả lời”.

Đón đoàn tại mô hình, anh cho biết: Sau khi thuê 2,5ha đất này, gia đình anh đào mương lên liếp để trồng mồng tơi lấy hạt.

Trồng loại rau màu này cũng không khó chỉ cần theo dõi tưới tiêu, bón phân, phun thuốc đúng lúc là được. Sau khi thu hoạch, hái trái phơi khô thì có thương lái đến thu mua.

Theo anh, năm đầu tiên, thu hoạch 15 lần, giá dao động từ 70.000- 150.000 đ/kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, địa phương còn hình thành những mô hình sản xuất mới như: sản xuất xơ dừa, nước mắm và tôn Hoa Sen... kéo theo ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng so với cùng kỳ.

Đến thăm Công ty TNHH 1TV M&V Nursery sản xuất xơ dừa (xã Nguyễn Văn Thảnh), ông Nguyễn Thanh Tùng- Giám đốc công ty- giới thiệu:

Từ nguyên liệu vỏ dừa đem xay, cho vào hồ ngâm, xả, phơi khô rồi đưa vào máy ép thành giá thể xơ dừa (dùng để trồng cây).

Thành phẩm này được công ty xuất khẩu sang Úc với giá khoảng 30.000 đ/miếng và đang có hiệu quả tốt. “Thị trường ổn định nên nếu có điều kiện tôi sẽ mở rộng thêm quy mô công ty”- ông Tùng nói.

Song song đó, văn hóa, xã hội địa phương cũng có nhiều tiến bộ, với nhiều mô hình hay như: xã hội hóa xây dựng 2 trường học mầm non tư thục xã Tân An Thạnh và Tân Bình, xã hội hóa mô hình hồ bơi kết hợp với các trường trong huyện dạy bơi cho học sinh ở khu vực vui chơi- hồ bơi Gia Hưng Phát (xã Thành Đông); mô hình xe cứu thương từ thiện với quy mô 6 xe; đội thi công cầu, đường từ thiện (xã Tân Lược)…

Tiếp tục phát huy thế mạnh địa phương

Với lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, Bình Tân còn là vùng trọng điểm trồng màu của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, còn nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, tạo thành mối liên hệ vùng trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa… Chính vì thế, địa phương có nhiều triển vọng để thu hút đầu tư.

Công ty chế biến rau, củ, quả, sấy khô Đông Phát Food khi đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ rất lớn lượng nông sản và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Công ty chế biến rau, củ, quả, sấy khô Đông Phát Food khi đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ rất lớn lượng nông sản và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Đến tham quan Công ty Chế biến rau, củ, quả, sấy khô Đông Phát Food (xã Tân Bình), chúng tôi được ông Trần Hoàng Đông- Giám đốc công ty- giới thiệu:

Tổng số vốn đầu tư dự án công ty khoảng 60 tỷ đồng, trong đó thiết bị máy móc mới là 14 tỷ đồng. Công ty sẽ tiêu thụ 900 tấn sản phẩm rau, củ, quả/năm.

Hiện đang hoàn thiện tất cả các hạng mục và dự kiến tháng 6/2018 công ty sẽ đi vào hoạt động và như thế sẽ giải quyết được trên 200 lao động…

Theo đánh giá của đoàn khảo sát, nếu công ty hoạt động hiệu quả sẽ tiêu thụ rất lớn lượng nông sản và giải quyết việc làm cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Địa phương có sản lượng nông sản lớn, có tiềm năng phát triển nhiều loại rau màu nên cần tạo liên kết, tìm đầu mối tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến vấn đề nâng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng sạch, an toàn; đồng thời phải có định hướng phát triển và hình thành được cụm thương mại- dịch vụ ở các xã, có như thế mới ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- cho rằng: Những kết quả nổi bật của địa phương trong thời gian qua phải kể đến sự đổi mới, nỗ lực và quyết tâm của Huyện ủy trong điều hành, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu.

Tuy nhiên, địa phương cần chú trọng đến việc giải ngân đầu tư xây dựng các công trình cơ bản cũng như quan tâm đến kinh tế hợp tác và liên kết du lịch vì đây là vấn đề cơ bản để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2018, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý: Bình Tân cần phát huy thế mạnh của mình, tạo môi trường thuận lợi thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh...

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, 6 tháng đầu năm, địa phương thực hiện đạt 4 chỉ tiêu nghị quyết, 13 chỉ tiêu đạt từ 40,71%- 99,98%; 2/22 chỉ tiêu đạt từ 29,16- 34,28%; 3 chỉ tiêu còn lại cuối năm mới đánh giá.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ