Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Nhà lưu niệm Phan Bội Châu

Cập nhật, 09:32, Chủ Nhật, 05/03/2017 (GMT+7)

Chiều 4/3, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến thăm Nhà lưu niệm chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu tại phường Trường An, TP Huế.

Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu dừng lại rất lâu tại Khu lưu niệm nhà yêu nước Phan Bội Châu, nơi cụ Phan sống trong những năm tháng cuối đời từ năm 1925. Sau khi mất năm 1940, cụ được chôn cất ngay giữa khu vườn của khu lưu niệm. Ngày nay, trong khu lưu niệm vẫn tồn tại căn nhà xưa kia "ông già Bến Ngự" sinh sống.

Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng đang tiến vào khu lưu niệm (Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV.VN)
Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng đang tiến vào khu lưu niệm (Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV.VN)

Cùng với những di tích chính trong khu vực vườn nhà cụ Phan Bội Châu, Khu lưu niệm còn là nơi an nghỉ của các nhà yêu nước đương thời hoạt động với cụ, tiêu biểu là lăng mộ nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ, người cùng cụ Phan sang Nhật.

Vào năm 2010, nhân dịp kỷ niêm 70 năm ngày mất cụ Phan Bội Châu và 100 năm ngày mất Bác sĩ Asaba Sakitaro, những người Nhật Bản hảo tâm đã tặng tấm bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ phong trào Đông Du đặt trong khu vườn trước mộ cụ Phan Bội Châu.

Chuyến thăm Huế sẽ đem đến cho Nhà vua Akihito và Hoàng hậu những trải nghiệm về văn hóa, cảnh đẹp, con người Việt Nam, cũng như sự gắn bó giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8 cho đến ngày nay.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử cách mạng Thừa Thiên- Huế cho biết, việc Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu đến thăm Nhà lưu niệm chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu là dấu ấn lịch sử, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà vua và Hoàng hậu đối với cụ Phan Bội Châu, chí sỹ yêu nước có mối quan hệ gắn bó với Nhật Bản cách đây hơn 100 năm, từ phong trào Đông Du.

"Cách đây gần 100 năm, cụ Phan Bội Châu quay lại Nhật Bản vào tháng 3 năm 1918 để tìm gặp lại người giúp cho cụ Phan và phong trào Đông Du. Cảm tác trước nỗi chân thành nhưng không gặp được cố nhân để nói lời tri ân, cụ Phan đã dựng 1 tấm bia bên cạnh mộ Bác sĩ Asaba Sakitaro. Đây không chỉ là tấm bia tình cảm giữa 2 con người, mà chúng tôi đánh giá đây là tấm bia hữu nghị đầu tiên của người Việt Nam dựng trên đất Nhật. Nghĩa cử đó người Nhật vẫn ghi dấu trong lòng”, ông Hùng cho biết thêm.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ: “Nhà vua Nhật Bản đánh giá rất cao công tác giữ gìn các giá trị tư liệu về cụ Phan Bội Châu và khẳng định rằng tất cả mọi quốc gia muốn phát triển thì đều phải bắt đầu từ lòng yêu nước mà những tư tưởng, giá trị mà cụ Phan Bội Châu để lại là những kinh nghiệm rất quý báu. Nhà bảo tàng này là một trong những địa điểm tăng cường mối quan hệ nhân dân Việt Nam và Nhật Bản”.

Về lý do Nhà vua Nhật Bản chọn thăm Huế, ông Hatsuhisa Takashima, Thư ký Báo chí của Nhà vua Nhật Bản Akihito, Người phát ngôn của Nhà vua chia sẻ với báo giới ở buổi họp báo tại Huế vào tối 3/3, cho biết: Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chọn Hà Nội và cố đô Huế trong chuyến thăm Việt Nam lần này với mong muốn tìm hiểu về quá khứ, hiện tại, về quá trình hình thành và phát triển của xã hội Việt Nam. Nhà vua và Hoàng hậu rất quan tâm đến văn hóa, lịch sử của Việt Nam, rất mong muốn tìm hiểu văn hóa ở cố đô Huế bởi đây là một điểm đến hết sức phổ biến của du khách Nhật mỗi lần đến Việt Nam.

Trước đó vào lúc 10h sáng  4/3, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu đến thăm Đại Nội Huế và nghe Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát cổ Duyệt Thị Đường. Sau khi tiếp kiến tại Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế, Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu cùng thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế - một loại hình âm nhạc có nét tương đồng với nhã nhạc cung đình của Nhật Bản.

Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Theo các sử liệu, Nhã nhạc cung đình Nhật Bản có giao lưu và những nét tương đồng với Nhã nhạc cung đình Huế từ thế kỷ thứ 8. Nhã nhạc của Nhật Bản bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên, là sự kết hợp của các làn điệu và bài hát Nhật Bản cũng như từ các nước khác. Ngày nay, Nhã nhạc Nhật Bản thường được biểu diễn tại Hoàng cung nhân một số sự kiện quan trọng của Hoàng gia Nhật như Quốc yến, tiệc ngoài trời tại Vườn thượng uyển vào mùa xuân và mùa thu.

Tối nay, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu gặp gỡ các nhân viên tình nguyện của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam./.

Theo Lê Hiếu - Hoài Nam/VOV-Miền Trung