Quy định mới về việc thỏa thuận thi hành án

Cập nhật, 05:07, Thứ Sáu, 02/10/2020 (GMT+7)

Theo tôi được biết, theo quy định hiện hành thì trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền thỏa thuận thi hành án. Xin hỏi, cụ thể được quy định như thế nào?

Nguyễn Văn Trường (Long Hồ)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định 62/2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì trường hợp cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án.

Thỏa thuận phải bằng văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia.

Đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.

Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận, cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành án theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này.

Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận đó.

Trường hợp đương sự thỏa thuận đình chỉ thi hành án sau thời điểm tài sản đã được bán đấu giá thành hoặc đã bán cho đồng sở hữu hoặc người được thi hành án đã đồng ý nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án mà chưa giao được tài sản cho họ.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận phải được sự đồng ý của người trúng đấu giá, người mua tài sản hoặc người nhận tài sản.

Sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành án.

Khi đương sự có yêu cầu, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án, chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận.

PHÒNG BẠN ĐỌC