Bị lừa dối để đứng tên vay dùm, được giải quyết như thế nào?

Cập nhật, 12:14, Thứ Tư, 03/06/2020 (GMT+7)

Bị lừa dối để nhờ đứng tên vay dùm, sau đó người nhờ vay dùm không chịu chi trả. Xin hỏi, trường hợp này được giải quyết như thế nào?

Lê Thanh Thảo

(Mang Thít)

Trả lời:

Điều 463 Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay: bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Căn cứ quy định trên, khi đến hạn, người đứng tên trên hợp đồng phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi (nếu có).
Trường hợp người đứng tên trên hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay có quyền nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự ra tòa có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nếu có căn cứ chứng minh việc đứng tên ký vay tiền giúp người khác là do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì bạn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu.

PHÒNG BẠN ĐỌC