Cảnh sát cơ động có quyền gì khi đi tuần tra, kiểm soát giao thông?

Cập nhật, 10:27, Thứ Năm, 22/11/2018 (GMT+7)

Khi tham gia giao thông, thỉnh thoảng thấy lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ), nhưng tôi chưa hiểu CSCĐ có quyền gì khi đi tuần tra kiểm soát? Có thẩm quyền xử phạt hay không?

Nguyễn Ngọc Hân

(TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 58/2015/TT-BCA ngày 3/11/2015 của Bộ Công an quy định tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội thì quyền hạn và đối tượng tuần tra kiểm soát của CSCĐ là kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội theo thẩm quyền; áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật; yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ, việc liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Đối tượng tuần tra, kiểm soát gồm: khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công.

Đối tượng kiểm soát gồm: người, phương tiện, đồ vật, tài liệu.

Như vậy, CSCĐ có quyền hạn kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.

Về thẩm quyền xử phạt của CSCĐ trong lĩnh vực giao thông:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Nghị định 46/2016 thì cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, CSCĐ, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của nghị định này.

Như vậy, căn cứ quy định trên CSCĐ có thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi có liên quan đến trật tự an toàn giao thông.

PHÒNG BẠN ĐỌC