Những trường hợp người lao động không được từ chối yêu cầu làm thêm giờ

Cập nhật, 05:31, Thứ Ba, 03/04/2018 (GMT+7)

Người lao động thường được người sử dụng lao động yêu cầu làm thêm giờ. Vậy, có trường hợp nào người lao động không được từ chối làm thêm giờ khi người sử dụng lao động yêu cầu không? Việc xác định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương như thế nào?

Lê Thị Thu Trang (Long Hồ)

Trả lời: Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau:

Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương gồm: Nghỉ trong giờ làm việc theo quy định của pháp luật; nghỉ giải lao theo tính chất của công việc; nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.

Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh;

thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời giờ học tập, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý;

thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 1 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

PHÒNG BẠN ĐỌC