Lối đi được mở nơi thuận tiện và hợp lý nhất

Cập nhật, 18:40, Thứ Tư, 13/03/2013 (GMT+7)

Chúng tôi là những hộ dân nằm phía trong một thửa đất, muốn đi ra đường lộ phải đi qua thửa đất này. Nhưng thời gian qua, đường đi này bị một người không phải là chủ sở hữu đất lấn chiếm không cho đi. Trường hợp này, pháp luật quy định như thế nào?

N.T.L. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Điều 275 Bộ luật Dân sự quy định quyền về lối đi qua bất động sản liền kề thuộc trường hợp chị hỏi như sau:

1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

Bên cạnh đó, Điều 140 Luật Đất đai còn quy định: Người nào lấn, chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, các thủ tục hành chính, các quyết định của Nhà nước trong quản lý đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép hoặc các hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, chị và các hộ có quyền yêu cầu chính quyền địa phương mở cho lối đi theo quy định trên.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ