Lựa chọn đại biểu ưu tú

Cập nhật, 07:51, Thứ Tư, 30/03/2016 (GMT+7)

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/1/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Người được giới thiệu ứng cử, tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải chất lượng để chọn ra 500 người ưu tú, gần dân.

Đây là mục tiêu và cũng là nguyện vọng của cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.

Để thực hiện được điều đó, cần quán triệt sâu sắc Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND đã được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/6/2015, Chỉ thị 51-CT/TW của Bộ Chính trị cùng các văn bản khác. Vấn đề đầu tiên được dư luận quan tâm là công tác chuẩn bị nhân sự.

Từ kết quả của Đại hội Đảng bộ các cấp đến thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự có ý nghĩa quyết định. Bài học đó cần được phát huy tích cực trong đợt này để lựa chọn được những người xứng đáng, đại diện cho dân vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước.

Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Bầu cử các cấp, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần chấp hành nghiêm trình tự, nội dung và thời hạn từng công việc, bảo đảm dân chủ, tập trung, công khai, minh bạch, phải làm cho mọi người hiểu và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử. Phải để người dân biết rõ về người mà mình sẽ bầu.

Người đó phải tiêu biểu về năng lực, phẩm chất đạo đức như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cần- kiệm- liêm- chính- chí công vô tư”, phải là “người đầy tớ thật trung thành của dân”.

Là tổ chức đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của toàn dân, MTTQ và các tổ chức thành viên có vai trò rất quan trọng trong quá trình hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử, làm sao để danh sách những người được đề cử đủ tiêu chuẩn; tuyệt đối không đưa những người có “biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ…” hoặc là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng” như Chỉ thị 51-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác bầu cử đã nêu.

Vấn đề tiêu chuẩn và cơ cấu người ra ứng cử cũng rất đáng quan tâm. Không thể coi trọng tiêu chuẩn mà xem nhẹ về cơ cấu và cũng không thể ngược lại. Bởi cuộc bầu cử diễn ra sau Đại hội lần thứ XII của Đảng với mục tiêu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới nên đây là dịp kiện toàn và củng cố Nhà nước pháp quyền.

Do đó, cần có những đại biểu thực sự có đủ đức, tài để gánh vác trọng trách trên. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cơ quan quyền lực cần có đại biểu đại diện cho các giai tầng xã hội nhằm động viên mọi nguồn lực sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đó, cần có tỷ lệ thỏa đáng về người ứng cử thuộc các thành phần kinh tế như nông dân sản xuất giỏi, công nhân kỹ thuật cao, doanh nhân quản trị tốt, phụ nữ, trí thức, tuổi trẻ,…

Trong việc xem xét tiêu chuẩn, cơ cấu người ứng cử, cần đi sâu và lắng nghe dư luận xã hội và thông tin các vụ việc qua báo chí để có những quyết định minh xác.

Không chỉ coi trọng tiêu chuẩn người được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội và HĐND cấp tỉnh mà “nương nhẹ” quy định đối với những người được giới thiệu vào HĐND cấp huyện và cấp xã. Đây là những đại biểu sâu sát dân và gần dân nhất.

Họ không chỉ là “tấm gương” mà còn là “cầu nối” thường xuyên giữa dân với các cơ quan chức năng, phản ánh ý chí và nguyện vọng, bảo đảm nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của nhân dân.

Phát huy tinh thần dân chủ- đoàn kết- kỷ cương- đổi mới từ thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng, chắc chắn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tới đây sẽ thành công, thực sự là ngày hội của toàn dân.

NGUYỄN HOÀNG DUY