Diễn đàn

Vui, buồn chuyện lì xì tết

Cập nhật, 09:24, Thứ Ba, 20/01/2015 (GMT+7)

Lúc còn nhỏ, ngoại tôi thường kể rằng, tục lệ lì xì ngày tết có từ lâu lắm. Thường thì người lớn lì xì cho trẻ con gọi là lộc may mắn đầu xuân, mong con cháu ăn nhiều, mau lớn, học hành giỏi giang, thành đạt.
 
Sau này, có thêm chuyện con cháu lì xì cho ông bà, cha mẹ gọi là món quà tết để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính. Ngoại tôi nói: hồi xưa, tiền trong bao lì xì thường là những đồng tiền lẻ bằng giấy hay bằng kim loại (tiền xu) còn mới, đặt trong những phong bao đỏ tượng trung cho sự may mắn, mọi người sẽ giữ nó trong khoảng thời gian dài để duy trì sự may mắn cho cả năm.

Tết này về quê nội, tôi mang theo những chiếc bao lì xì cho con cháu, trong đó mỗi bao là một tờ giấy bạc mệnh giá 10.000đ mới cứng.

Đến nhà người bạn thâm giao, tôi ngạc nhiên khi thấy các cháu thật trân trọng vui mừng khi nhận bao lì xì đầu năm của tôi, các cháu còn chúc tôi rất nhiều điều tốt lành dù số tiền trong bao rất nhỏ bé chỉ mang tính tượng trưng.

Về quê ngoại, tôi quá bất ngờ sau khi các cháu nhận bao lì xì mở ra xem kèm theo ánh mắt thất vọng, khinh thường rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Có cháu len lén thốt lên: Số tiền ấy mua được gì? Tôi không nhận được một lời cảm ơn nào dù rất khẽ khàng.

Không buồn sao được khi một số trẻ con bây giờ chỉ trông đến tết để nhận từ người lớn những món tiền to tát coi như là tiền thưởng cả năm để thỏa sức mua sắm, ăn chơi ba ngày tết? Không lo sao được khi bắt gặp chuyện “lì xì” cho con của các quan chức từ các đối tác “làm ăn” với số tiền không thể tưởng tượng?

Không băn khoăn sao được khi người lớn xem chuyện lì xì thật nhiều tiền ngày tết cho con cái là sự động viên, khích lệ trong học tập? Hệ quả đi kèm là phá hỏng phong tục tốt đẹp và ý nghĩa truyền thống ngàn đời của dân tộc ta.

Chuyện lì xì ngày tết giờ thật không đơn giản!

TRIỆU MỸ NGỌC