Không chủ quan lơ là với bệnh truyền nhiễm

Cập nhật, 08:59, Thứ Sáu, 12/04/2024 (GMT+7)
Bộ Y tế nhận định, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. 
Trẻ em cần được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm  theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Trẻ em cần được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
 
Đây là thông tin tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh” được Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4.
 
Số ca tay chân miệng tăng gấp đôi 
 
Tại hội nghị TS Hoàng Minh Đức- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM), tăng 2,3 lần so cùng kỳ năm 2023. 
 
Cụ thể, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc TCM của cả nước. Khu vực miền Bắc có trên 1.300 ca mắc, tiếp đến là miền Trung với khoảng 1.000 ca mắc, Tây Nguyên 200 ca. Đa số bệnh nhi dưới 5 tuổi, lây nhiễm ở cơ sở giáo dục mầm non. Hiện, chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng.
 
“Năm ngoái, chủng Enterovirus 71 (EV71) đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao chiếm ưu thế là một trong các nguyên nhân khiến dịch TCM tăng ở phía Nam. Khu vực ghi nhận 23 trẻ tử vong, trong đó 5 ca do chủng EV71. Hiện, miền Nam vào mùa nắng nóng cũng là một trong những tác nhân khiến số ca TCM tăng, theo quy luật của các bệnh truyền nhiễm”- ông Minh Đức lưu ý.
 
Bệnh TCM đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, lây truyền qua đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây truyền cao khi trẻ sinh hoạt tập thể tại trường mầm non. Ngoài bệnh TCM, các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số ca mắc.
 
Dịch sởi cũng ghi nhận gia tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay có 130 ca mắc sởi; tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Về chùm ca bệnh sởi tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), kết quả phân tích 12 ca bệnh cho thấy 7/12 trẻ (58,4 %) đã được tiêm 2 mũi vaccine sởi, các trường hợp này có biểu hiện nhẹ và đã ra viện. 3/12 ca bệnh không rõ tình trạng, 1 trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm chủng và 1 trường hợp chưa tiêm chủng. Cả nước cũng ghi nhận 118 ca mắc ho gà, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
 
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định số ca mắc ho gà, sởi có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch trong thời gian tới, đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
 
Quyết liệt phòng chống dịch truyền nhiễm
 
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em, một số bệnh có vaccine phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng.
 
Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Bệnh sốt xuất huyết cũng tăng mạnh ở châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ, với hơn 1.000 ca tử vong. Trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.
 
Tại Việt Nam, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan. Do đó, bộ trưởng đề nghị chủ động, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. “Hiện đã là tháng 4 và dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến khó lường, vì vậy đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phải triển khai quyết liệt việc phòng chống dịch truyền nhiễm”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý.
 
Cùng đó, ngành y tế các địa phương phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động triển khai hiệu quả giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong, chú trọng bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao, có nguy cơ gia tăng số mắc (sốt xuất huyết, TCM, cúm, sởi, ho gà...); thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời…
 
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là đối tượng tiêm chủng của năm 2023 chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức nhấn mạnh phải tăng cường tỷ lệ tiêm chủng Chương trình tiêm chủng mở rộng. Riêng đối với ho gà, việc tiêm vaccine dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích để tăng miễn dịch cho trẻ ngay sau sinh.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN