Phòng bệnh sỏi túi mật

Cập nhật, 15:51, Thứ Sáu, 05/04/2024 (GMT+7)

 

Vị trí sỏi túi mật của bệnh nhân N.T.N. khi siêu âm.
Vị trí sỏi túi mật của bệnh nhân N.T.N. khi siêu âm.

Sỏi túi mật là căn bệnh ngày càng phổ biến và thường gặp hơn ở nữ giới, người thừa cân, béo phì, người từ 40 tuổi trở lên, các bệnh nhân (BN) dùng thuốc giảm mỡ máu hoặc thuốc có chứa estrogen như thuốc điều trị hormone…

Cắt túi mật với số lượng viên sỏi không đếm xuể

Mới đây, thông tin từ BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi cắt túi mật cho nữ BN và không khỏi bất ngờ vì phát hiện hàng ngàn viên sỏi.

Trước đó, cô N.T.N. (67 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) thường xuyên đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, đã đi khám nhiều bệnh viện và được tư vấn phẫu thuật nội soi cắt túi mật. BN có tiền sử xơ gan trên nền viêm gan siêu vi B và đang điều trị.

Khi nhập viện tại BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, BN được thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cơ bản, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, phát hiện gan xơ kèm sỏi lấp đầy túi mật. Sau đó, các bác sĩ thực hiện nội soi cắt túi mật trong khoảng 45 phút. Sau phẫu thuật 1 ngày, BN có thể tự đi lại và sinh hoạt. BN đã xuất viện sau phẫu thuật 3 ngày.

BS.CK2 Lê Tòng Bá- Phó Khoa Ngoại tổng quát, BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết phương pháp cắt túi mật nội soi có nhiều ưu điểm, như: Vết mổ nhỏ, ít đau sau mổ, hồi phục nhanh và thẩm mỹ, giúp BN an tâm hơn khi điều trị.

Tháng 4/2023, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK TP Cần Thơ gắp ra hơn 400 viên sỏi túi mật cho nữ BN 44 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long. Chị N.T.S. bị sỏi túi mật đã lâu nhưng sợ mổ, nên uống thuốc cầm chừng. Trước khi nhập viện cấp cứu, chị ăn chậm tiêu, hay đau hạ sườn phải, uống thuốc không giảm.

Qua khám lâm sàng, siêu âm bụng, bác sĩ chẩn đoán BN bị viêm túi mật do sỏi, chỉ định mổ cấp cứu. Trong khoảng 30 phút, các bác sĩ thực hiện cắt túi mật qua nội soi thành công. Sau khi lấy túi mật ra kiểm tra, thấy hơn 400 viên sỏi kích thước từ 2-10mm.

Tháng 11/2023, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện cũng phẫu thuật nội soi cấp cứu, cắt túi mật có chứa hơn 3.200 viên sỏi túi mật từ 1-5mm cùng rất nhiều sạn nhỏ li ti cho BN nam 29 tuổi (ngụ huyện Trà Ôn).

Sỏi túi mật có triệu chứng đau nên đi mổ sớm

Đó là khuyến cáo của TS.BS CK2 La Văn Phú- Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK TP Cần Thơ. Thông thường, bác sĩ sẽ mổ nội soi, BN chỉ cần nằm viện vài ngày là sức khỏe ổn định. Nếu bệnh để lâu ngày, có nguy cơ gây biến chứng nặng như hoại tử túi mật do sỏi kẹt hoặc sỏi di chuyển xuống ống mật chủ gây biến chứng nặng, có thể tử vong.

Trong khi đó, đường mật gồm có đường mật chính bao gồm đường mật trong gan, ống gan chung và ống mật chủ; đường mật phụ gồm túi mật và ống túi mật.

“Túi mật là đường mật phụ nên khi cần thiết có thể cắt bỏ mà gần như không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và sức khỏe BN. Hiện nay, cắt túi mật bằng phẫu thuật nội soi là tiêu chuẩn vàng để điều trị những trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng. Do vậy người dân nếu bị sỏi túi mật đã có triệu chứng đau nên đến bệnh viện để được phẫu thuật sớm, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra”, TS.BS La Văn Phú khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, sỏi túi mật là tình trạng khá phổ biến, thường xuất hiện khi tích tụ quá nhiều sỏi. Nguyên nhân gây bệnh là do chế độ ăn uống giàu cholesterol, những người thừa cân, béo phì; phụ nữ dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen, người có bệnh viêm đường ruột;...

Sỏi túi mật không chỉ gây cảm giác đau đớn mà còn có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm túi mật cấp, thấm mật phúc mạc, áp xe quanh túi mật, sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.

Số sỏi được lấy ra khỏi túi mật bệnh nhân.
Số sỏi được lấy ra khỏi túi mật bệnh nhân.

Người mắc sỏi mật thường có triệu chứng như xuất hiện các cơn đau ở phía mạn sườn bên phải, ngay dưới vùng xương sườn, ở vai phải hoặc giữa 2 bả vai. Ngoài ra, BN có dấu hiệu buồn nôn và nôn mửa, đổ mồ hôi, bồn chồn, cơ thể mỏi mệt và rối loạn tiêu hóa kèm sốt cao trên 38 độ, rét run.

Khi thấy có những dấu hiệu trên, người bệnh cần được khám chuyên khoa tiêu hóa để chủ động điều trị sớm, trước khi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn. Để phòng tránh căn bệnh này, bác sĩ khuyến cáo, BN nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm.

Để phòng ngừa bệnh sỏi mật tốt nhất, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần có lối sống sinh hoạt lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất; kết hợp chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, giảm mỡ, chất béo, tăng lượng rau xanh, trái cây tươi; hạn chế bia rượu, đồ uống có gas, tập thể dục thường xuyên…. Đồng thời, thực hiện tẩy giun định kỳ để tránh nhiễm trùng và ký sinh trùng đường tiêu hóa.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG