Cần phân biệt vàng da sinh lý và bệnh lý ở trẻ sơ sinh

Cập nhật, 08:45, Thứ Sáu, 08/10/2021 (GMT+7)

Tôi sinh con được 4 ngày thì tôi thấy con bị vàng da, xin hỏi nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh và có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ không?

Nguyễn Thị Hồng Thủy

(Tân An Luông- Vũng Liêm)

Trả lời:

Vàng da là hiện tượng hay gặp trong tuần đầu ở trẻ sơ sinh, phần lớn là vàng da sinh lý, trẻ sẽ tự khỏi sau 1- 2 tuần. Tuy nhiên, có một số trẻ bị vàng da bệnh lý nên cần được theo dõi để phát hiện và điều trị kịp thời.

Về mức độ nguy hiểm: Trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi có nồng độ bilirubin toàn phần trong máu tăng cao >25mg/dl (428 micromol/l) sẽ có nguy cơ phát triển bệnh não do tăng bilirubin gián tiếp. Tình trạng này xảy ra khi bilirubin gián tiếp đi qua hàng rào máu não, gây nhiễm độc thần kinh.

Nguyên nhân gây vàng da sinh lý là do tăng phá hủy hồng cầu bào thai để thay bằng hồng cầu trưởng thành, gan của trẻ chưa đủ trưởng thành để chuyển hóa hết bilirubin gây nên vàng da. Vàng da sinh lý thường xuất hiện sau 24 giờ đến 3 ngày tuổi và sẽ biến mất trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ thiếu tháng. Mức độ vàng da nhẹ, vàng da phía trên rốn. Trẻ khỏe, bú tốt, linh hoạt.

Đối với vàng da bệnh lý thì không tuân theo các biểu hiện của vàng da sinh lý nên khi trẻ có một trong các dấu hiệu nghi ngờ sau cần được đưa đi khám ngay để tìm nguyên nhân và xử trí phù hợp. Cụ thể, trẻ bị vàng da trong vòng 24 giờ sau sinh; vàng da toàn thân đến lòng bàn tay, bàn chân; không giảm sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng; có các triệu chứng bất thường như sốt, lừ đừ, bỏ bú, khóc thét, co giật, gan lách to, phân bạc màu.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)

 

 

Các tin khác: