Hôi miệng phải điều trị từ nguyên nhân

Cập nhật, 20:47, Thứ Sáu, 09/07/2021 (GMT+7)

Tôi 36 tuổi, sinh hoạt và ăn uống bình thường nhưng hơi thở thường có mùi hôi gây mất tự tin khi giao tiếp với người khác. Vậy nguyên nhân nào gây ra hôi miệng và cách phòng ngừa như thế nào?

Nguyễn Trần Hưng

(Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân)

Trả lời:

Để điều trị dứt điểm chứng hôi miệng thì phải điều trị từ nguyên nhân gây ra chứ chưa có một loại thuốc nào đặc trị riêng, kể cả nước súc miệng, rửa miệng cũng chỉ hỗ trợ phần nào, nhưng nếu dùng quá thường xuyên thì có khi lại gây tác dụng ngược lại.

Một số nguyên nhân dẫn đến chứng hôi miệng bao gồm: Vệ sinh răng miệng kém làm vi khuẩn phát triển trong miệng do sâu răng, bệnh nha chu. Khô miệng do bất thường của cơ thể làm giảm tiết nước bọt (nhờ nước bọt mà miệng mới sạch) hoặc khô miệng do sử dụng một số thuốc kháng histamin. Bệnh tai, mũi, họng như viêm xoang mũi. Ăn một loại thức ăn nào đó như hành, tỏi hoặc do hút thuốc, uống rượu. Do bệnh ung thư, đái tháo đường, gan, thận, trào ngược dạ dày- thực quản… Phụ nữ trong thời kỳ rụng trứng cũng như thời gian kinh nguyệt sẽ có các thay đổi nội tiết làm hơi thở có mùi đặc biệt.

Có thể cải thiện tình trạng hôi miệng bằng cách: Thực hiện tốt vệ sinh răng miệng, đánh răng sau khi ăn, cần chà sạch hết thức ăn sót trong miệng, kẽ răng. Nếu lưỡi đóng bựa thì cạo cho hết để vi khuẩn khỏi tá túc và phát triển, có thể dùng thêm nước súc miệng đặc trị hôi miệng. Nên khám nha sĩ đều đặn coi có bị sâu răng, viêm nha chu không. Giữ miệng ấm bằng cách lâu lâu uống một chút nước, nhai kẹo cao su để tiết nước bọt không bị khô miệng. Tránh các loại thực phẩm có thể gây mùi hôi ở miệng, ăn nhiều trái cây và rau, giới hạn thịt và chất béo. Nam giới tránh dùng quá nhiều rượu, thuốc lá. Đặc biệt, cần khám tổng quát để xem có bệnh gì tiềm tàng gây hôi miệng để chữa trị.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)