Đột phá chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật, 06:13, Thứ Tư, 06/01/2021 (GMT+7)

 

Sinh viên được đào tạo tại Trường Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long hầu hết là được các doanh nghiệp đặt hàng, nhất là ngành công nghệ kỹ thuật ô tô.
Sinh viên được đào tạo tại Trường Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long hầu hết là được các doanh nghiệp đặt hàng, nhất là ngành công nghệ kỹ thuật ô tô.

(VLO) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá được tỉnh Vĩnh Long chú trọng thực hiện, với mục tiêu xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

Thành tựu 5 năm…

Thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020 và Chương trình hành động số 12-CTr/TU về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đến năm 2020 đã góp phần rất lớn trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lãnh đạo toàn diện và phát triển của đảng bộ trên các lĩnh vực trong tình hình mới.

Nhìn lại kết quả đào tạo 5 năm qua thật phấn khởi: 1.106 cán bộ được đào tạo chuyên môn; trong đó 107 đại học, 966 thạc sĩ, 33 tiến sĩ. 4.957 đồng chí được đào tạo lý luận chính trị, trong đó cao cấp là 725 và trung cấp là 4.232.

Đến nay, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh 100% có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị; 100% có trình độ đại học; trong đó, 45,70% có trình độ thạc sĩ, 10,34% có trình độ tiến sĩ.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, 77,5% có trình độ cao cấp chính trị, 22,5% có trình độ trung cấp và 100% có trình độ đại học; trong đó 34,50% có trình độ thạc sĩ và 0,5% có trình độ tiến sĩ.

Cán bộ chủ chốt ấp xã, 56,80% có trình độ cao cấp chính trị, 43,20% có trình độ trung cấp và 100% có trình độ đại học, trong đó 11,80% có trình độ thạc sĩ.

Chia sẻ với chúng tôi về nguồn nhân lực hiện nay của ngành, TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế- cho biết: “Chỉ giai đoạn 2016- 2020, đã đào tạo 303 bác sĩ, dược sĩ đại học và 489 cán bộ y tế, điều dưỡng, kỹ thuật viên, trong đó số bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học là 227 người. Qua đó, cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp sở, phòng được đào tạo sẽ là hạt nhân để tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh Vĩnh Long”.

Bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh- cũng phấn khởi khi công tác xây dựng trường sở và trang thiết bị dạy học đã được quan tâm đầu tư, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, giáo dục trung học phát triển và dần ổn định, đã hoàn thành phổ cập THCS. Chất lượng giáo dục phổ thông được giữ vững và phát triển, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng bền vững; học sinh thi vào các trường ĐH, CĐ tăng dần qua các năm học. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu môn học, trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn tăng nhanh. Đội ngũ giáo viên phổ thông các cấp về cơ bản được chuẩn hóa và tiếp tục nâng cao về chất lượng”.

PGS. TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- nhìn nhận: “Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng được hưởng lợi từ chương trình này, trường đưa ra triết lý giáo dục và định hướng đào tạo đúng hướng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của xã hội, địa phương. Các em sinh viên cũng thấy được vào học để có năng lực, tay nghề phục vụ cho tỉnh. Trong thời gian qua, trường đã liên kết nhiều doanh nghiệp đầu tư tại trường cùng với chương trình phù hợp nên hầu hết các sinh viên ra trường đều có việc làm”.

Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải nhìn nhận một thực tế là công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn có nhiều khó khăn, bất cập. Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ: “Ngành y tế Vĩnh Long thời gian qua có sự biến động về nguồn nhân lực do việc dịch chuyển nhân lực y tế từ công ra tư, từ nơi có thu nhập thấp sang nơi có thu nhập cao làm cho việc ổn định và phát triển tổ chức y tế tỉnh gặp nhiều khó khăn. Sau khi sáp nhập các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW cũng làm cho nguồn nhân lực y tế biến động”.

“Thiếu biên chế sự nghiệp làm khó khăn cho các đơn vị y tế đảm bảo nhân lực phục vụ khám chữa bệnh và cử cán bộ đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Đây là một thách thức lớn đối với ngành y tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”- TS. Hồ Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Còn đối với lĩnh vực giáo dục, bà Trương Thanh Nhuận bộc bạch: “Điều kiện cơ sở vật chất ở một số trường còn khó khăn, thiếu thốn, máy móc thiết bị còn lạc hậu chưa đáp ứng được cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các kế hoạch, đề án đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025) xác định, chương trình phát triển nguồn nhân lực tiếp tục là 1 trong 3 khâu đột phá. Mục tiêu tổng quát là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

“Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho trước mắt và lâu dài. Tập trung đào tạo sau ĐH đối với cán bộ thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học theo yêu cầu và số lượng hợp lý; chú trọng đào tạo trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn, bảo đảm đến năm 2030 có 40% cán bộ có khả năng làm việc độc lập trong môi trường quốc tế.

Hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận.

Đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp giữa đào tạo trong nước với đào tạo ngoài nước; giữa đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị với bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm”. Và đây cũng là những nhóm giải pháp chủ yếu về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020- 2025 đã được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm- nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GD- ĐT- Trương Thanh Nhuận

Trong đào tạo nguồn nhân lực, cần gắn chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch với bồi dưỡng theo vị trí việc làm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của địa phương và yêu cầu phát triển của công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Đơn vị sử dụng công chức, viên chức quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cơ quan, đơn vị gắn với việc bố trí, sử dụng hợp lý sau đào tạo, bồi dưỡng.

***

Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng

Đào tạo phải gắn với sử dụng và quan tâm tạo điều kiện về môi trường làm việc tốt để cán bộ, công chức ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công tác có hiệu quả nhất. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị để phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao.

***

PGS. TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long

Sắp tới, trường sẽ đầu tư thêm về cơ sở vật chất nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác đào tạo quốc tế để đón đầu chương trình phát triển chuyên sâu của khoa học kỹ thuật thế giới đáp ứng được đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Bài, ảnh: PHAN TÂN

TIN LIÊN QUAN