Ủy thác vay tín dụng chính sách, tạo việc làm, phát triển kinh tế

Cập nhật, 05:51, Thứ Sáu, 14/04/2023 (GMT+7)

 

Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đầu tư mua bò nuôi, cải thiện sinh kế.
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đầu tư mua bò nuôi, cải thiện sinh kế.

Công tác ủy thác vốn tín dụng chính sách giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long với 4 hội đoàn thể cấp tỉnh thời gian qua đạt kết quả tăng trưởng đáng ghi nhận và được các bên tiếp tục duy trì ổn định.

Học hết THPT, anh Nguyễn Việt Cường (SN 1991, ấp Thái An, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) ở nhà làm kinh tế gia đình, tham gia vào công tác đoàn ở ấp. Hoàn cảnh khó khăn, anh Cường thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do Xã Đoàn Thanh Bình quản lý, tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vũng Liêm, đầu tư làm ăn.

2 công đất vườn nhà trồng xoài, nhãn đã già cỗi, được anh cải tạo và trồng bưởi da xanh. “Lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng thêm hàng trăm gốc tắc, nuôi 1 con bò thịt, thả 1.000 con cá tai tượng và cá chim trắng trong ao. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, anh gặp khó khăn về kỹ thuật nuôi, trồng. Tuy nhiên, anh quyết tâm tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tìm hiểu sách báo, xem ti vi, nghe đài để có thêm kinh nghiệm.

Kết quả, từ đầu năm 2022 đến nay, “huê lợi” từ mô hình VAC đã cho hiệu quả. Anh Cường cho biết: 50 gốc bưởi da xanh mỗi năm cho thu nhập 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu về 50 triệu đồng; con bò nuôi và chi phí thức ăn 20 triệu, xuất chuồng bán 40 triệu; với cá anh thu nhập thêm 10 triệu đồng. Tính ra, trên diện tích canh tác đó, trừ các khoản chi phí, anh lãi khoảng
80 triệu đồng.

Tại xã Trung Hiếu, nhiều đoàn viên thanh niên đến nay đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư vào các mô hình kinh tế. Anh Lê Minh Thiện (ấp An Lạc Đông) từ số vốn ít ỏi dành dụm chỉ xây được chuồng nuôi bò. Sau đó, anh vay 50 triệu đồng từ NHCSXH ở huyện thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn của xã Đoàn Trung Hiếu quản lý.

Anh mua 2 con bò cái để dưỡng đẻ. Chăm chỉ chăm sóc sau hơn 1 năm đã có lứa nghé đầu tiên. Đến nay anh đã có 4 con bò sinh sản và hàng năm xuất bán 3-5 con nghé, cho thu nhập hơn 160 triệu đồng/năm. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng đã giúp gia đình anh từng bước ổn định kinh tế.

Làm ăn buôn bán nhỏ, chị Đoàn Thị Phượng được tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội LHPN xã Quới Thiện giới thiệu, đã vay 30 triệu đồng từ NHCSXH. Nguồn vốn giúp chị “bổ” thêm đồ về bán, cải tạo vườn sầu riêng và trồng xen thêm tắc, nuôi 1 con bò. 2 năm từ khi vay vốn làm ăn, nay thu nhập hàng tháng của chị đều đặn, cuộc sống gia đình cải thiện hơn trước.

Theo ông Trương Thanh Hà- Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, 3 tháng đầu năm nay, thông qua 4 đoàn thể tỉnh: hội nông dân, hội LHPN, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên nhận ủy thác cho vay tín dụng chính sách đạt hơn 300 tỷ đồng. Sơ kết công tác ủy thác mới đây, các đơn vị cho biết tiếp tục tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao năm 2023, các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, các đề án được UBND tỉnh, huyện phê duyệt. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động giao dịch xã, giao dịch an toàn,...

“Tình hình dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị- xã hội có sự tăng trưởng và được duy trì ổn định, triển khai thực hiện tốt thông qua 107 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, với 2.260 tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, 8/8 đơn vị cấp huyện đã chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương sang để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách”, ông Trương Thanh Hà cho biết.

Bài, ảnh: MINH THÁI