290 năm chung sống hòa bình, đồng cam cộng khổ của người dân Long Hồ dinh

Cập nhật, 17:29, Thứ Tư, 27/04/2022 (GMT+7)

Trong suốt tiến trình lịch sử, từ khi thành lập dinh Long Hồ cách đây 290 năm, các thế hệ cư dân của vùng đất này luôn chung sống hòa bình, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất, tự lực, tự cường, chấp nhận mọi hy sinh thử thách, cống hiến máu xương, đồng hành, góp sức vào công cuộc khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi, ra sức bảo vệ, đấu tranh giành độc lập tự do và xây dựng đất nước, đổi mới quê hương ngày càng giàu đẹp.

Một góc TP Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Một góc TP Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

Cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa chinh phục, hình thành vùng đất hoang hóa Long Hồ dinh một cách hòa bình, hợp pháp

Các tài liệu lịch sử cổ đại và các di chỉ khảo cổ Óc-eo đã chứng minh rằng, trước khi trở thành lãnh thổ của nước ta, vùng đất Nam Bộ ngày nay thuộc Vương quốc Phù Nam hùng mạnh, phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Đế chế này có lãnh thổ và ảnh hưởng rộng lớn, bao trùm cả vùng ven biển Nam Bộ, Campuchia, Nam Lào, Thái Lan (Chao Phaya) ngày nay. Trong thời kỳ Phù Nam cường thịnh, nhiều nước nhỏ thần phục Phù Nam với tư cách là những thuộc quốc hoặc chư hầu, trong đó có Chân Lạp.

Vào đầu thế kỷ VII, khoảng sau năm 627, do nhiều nguyên nhân, trong đó có hiện tượng biển tiến- biển lùi, gây đại hồng thủy khắp vùng châu thổ nên làm Phù Nam suy yếu. Nhân lúc này, nước Chân Lạp đã đánh chiếm và tiêu diệt Phù Nam. Sau khi Phù Nam sụp đổ, vùng đất Nam Bộ trở nên hoang phế và vẫn còn rất hoang vu. Vùng đất Nam Bộ trong thời kỳ này được sử cũ Trung Quốc gọi là “Thủy Chân Lạp” để phân biệt với vùng đất gốc của Chân Lạp là “Lục Chân Lạp”.

Từ thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI, Chân Lạp đã trở thành một quốc gia cường thịnh, tạo nên nền văn minh Angkor rực rỡ, mở rộng lãnh thổ lên tận Nam Lào và trùm đến cả khu vực sông Chao Phaya. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ này, Chân Lạp chỉ lo quản lý vùng đất phía Tây nên vùng đất Nam Bộ chưa thực sự có sự quản lý về mặt hành chính của Nhà nước Chân Lạp; văn hóa Khmer cổ chưa phát triển.

Bắt đầu từ thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Xiêm (Ayuthaya - Thái Lan ngày nay) từ phía Tây. Có lúc kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng. Vào đầu thế kỷ XVI, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc và ngày càng suy yếu. Trong bối cảnh đó, Chân Lạp lại càng không có điều kiện và đủ sức quản lý vùng đất ở phía Đông, tức vùng Nam Bộ ngày nay.

Mặt khác, trong các giai đoạn lịch sử, giữa các Vương triều Nguyễn của Việt Nam và triều đình Chân Lạp đã tồn tại mối quan hệ hữu nghị và hòa bình. Nhờ đó, nhiều cư dân Việt từ đất Thuận Quảng đã vào vùng Mô Xoài, Đồng Nai (miền Đông Nam Bộ) khai khẩn đất hoang, lập làng, sinh sống. Điển hình là năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II cưới công chúa Ngọc Vạn, con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên làm vợ. Quan hệ hữu hảo này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cư dân người Việt vốn đã có mặt từ trước và từ các nơi khác di cư đến khai khẩn đất hoang, làm ăn sinh sống. Năm 1623, để quản lý và thu thuế trong cư dân Việt đã có mặt ở hầu khắp miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn, chúa Nguyễn đã lập ở vùng Sài Gòn ngày nay một trạm thu thuế. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự có mặt hòa bình, hợp pháp của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.

Cùng thời kỳ này, chúa Nguyễn đã chấp nhận cho một số dân cư, quan lại của nhà Minh, Trung Quốc không chấp nhận nhà Thanh đã vượt biển đến đây và xin phép được cư trú, tổ chức khai phá và phát triển kinh tế. Với tư cách là chủ nhân của vùng đất này, từ năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần đã tạo điều kiện để nhóm Dương Ngạn Địch cùng nha môn, quân sĩ vùng Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức khai phá và phát triển kinh tế vùng lưu vực Tiền Giang (Mỹ Tho); cho nhóm Trần Thượng Xuyên và những đồng hương Quảng Đông (Trung Quốc) chiêu dân mở mang vùng Biên Hòa - Đồng Nai. Tiếp đó, năm 1708, Mạc Cửu ở Hà Tiên xin quy phục chúa Nguyễn.

Với sự có mặt của người Kinh, cùng với các nhóm người Hoa, người Khmer và kể cả hậu duệ của người Phù Nam còn sót lại sinh cơ, lập nghiệp từ trước, đã hình thành nên các trung tâm kinh tế quan trọng với nhiều làng mạc, khu dân cư tập trung, chợ, bến thuyền… ở vùng đất Nam Bộ. Nhiều thuyền buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Dương (người Châu Âu), Bồ Bà (Chà Và - Java) tới đây buôn bán… Trên cơ sở những tụ điểm dân cư đông đúc đã hình thành, năm 1698 chúa Nguyễn đã cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất Nam Bộ và cho lập ra ở đây một đơn vị hành chính lớn là phủ Gia Định. Đó là sự xác lập quyền lực một cách hòa bình, khẳng định chủ quyền trên thực tế của vương triều Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ.

Sau khi đặt phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên và Phiên Trấn vào năm Mậu Dần (1698), đến năm 1732 vị chúa thứ 7 của dòng họ Nguyễn là Ninh Vương - Nguyễn Phúc Trú đã thành lập ở phía Nam của dinh Phiên Trấn một đơn vị hành chính mới là dinh Long Hồ.

Sự thành lập dinh Long Hồ đã trở thành dấu mốc quan trọng đối với tiến trình lịch sử của vùng đất phương Nam nói chung và lịch sử tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Có thể nói vùng đất Vĩnh Long cũng được khai sinh khi dinh Long Hồ được thành lập. Từ đó, dinh Long Hồ đã trở thành một dinh trấn quan trọng ở phía Nam xứ Đàng Trong và là trung tâm đầu não có trách nhiệm cai quản cả một vùng đất rộng lớn hạ lưu sông Mekong.

Buổi đầu, lỵ sở dinh Long Hồ đặt ở thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng hay còn gọi là đình Cái Bè (nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Năm Đinh Sửu (1757), chúa Nguyễn cho dời lỵ sở dinh Long Hồ và châu Định Viễn về xứ Tầm Bào, thuộc địa phận Long Hồ thôn (thuộc TP Vĩnh Long ngày nay). Các chức vụ đầu dinh có Lưu Thủ, Cai Bạ và Ký Lục trông coi việc quân sự, hành chính và thuế vụ cho cả một miền đất rộng lớn.

Từ thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn bắt đầu lập ra các đơn vị hành chính, sắp đặt quan cai trị, lập sổ sách quản lý dân đinh, ruộng đất và định ra các loại thuế. Năm Mậu Ngọ (1738), chúa Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi, thì năm sau (1739), Long Hồ dinh có thêm bốn huyện nữa do đô đốc Mạc Thiên Tứ đem dâng, đó là: Long Xuyên (vùng Cà Mau), Kiên Giang (vùng Rạch Giá), Trấn Giang (vùng Cần Thơ), Trấn Di (vùng phía Bắc tỉnh Bạc Liêu).

Năm 1755, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên xin dâng hai vùng đất là Tầm Bôn và Lôi Lạp (nay là Tân An và Gò Công). Chúa Nguyễn cho sáp nhập hai phủ này vào châu Định Viễn, thuộc Long Hồ dinh. Năm Đinh Sửu (1757), vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng Tứ giác Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc bây giờ) để tạ ơn chúa Nguyễn, vì đã điều động tướng Trương Phúc Du lấy lại ngôi vị cho mình. Chúa Nguyễn lại sai đem đất ấy sáp nhập vào Long Hồ dinh. Sự kiện này đã đánh dấu quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ của vương triều Nguyễn trên toàn bộ vùng đất Nam Bộ ngày nay cơ bản hoàn thành.

Cùng với quá trình khai thác những vùng đất còn hoang vu của cư dân vùng Nam Bộ, chính quyền các chúa Nguyễn đã liên tục thực hiện các chính sách quản lý lãnh thổ với tư cách là chủ nhân vùng đất này. Dù sau đó trải qua các lần đổi tên (Hoằng Trấn dinh, Trấn Vĩnh dinh, Vĩnh Trấn dinh, Vĩnh Thanh trấn) và địa phận cai quản cũng thu hẹp dần do chia tách; nhưng Long Hồ dinh đã xác lập một vị thế có ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý, quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa của cả vùng đất phương Nam.

Đến năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam Kỳ thành lục tỉnh, trấn Vĩnh Thanh được đổi thành trấn Vĩnh Long, phân hạt gọi là tỉnh Vĩnh Long, cai quản 4 phủ, 8 huyện, 47 tổng, 408 xã, thôn. Tên gọi Vĩnh Long bắt đầu từ đây.

Các dân tộc anh em đồng cam cộng khổ, ai cũng có công khai phá vùng đất Long Hồ dinh

Dưới triều Nguyễn, hệ thống hành chính tiếp tục được hoàn thiện và thống nhất quản lý trên quy mô cả nước. Dưới sự đồng lòng, góp sức của Nhân dân Nam Kỳ lục tỉnh, trong đó có Nhân dân Long Hồ dinh, vua Gia Long cho đào kinh Thoại Hà (thuộc tỉnh An Giang ngày nay), nối từ Long Xuyên đến Rạch Giá. Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập sổ địa bạ toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ. Đồng thời, vua Minh Mạng cho đào kinh Vĩnh Tế dài trên 70km, nối Châu Đốc với Hà Tiên,…

Trải qua các giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm biến động, đất Vĩnh Long đã minh chứng cho tình đoàn kết keo sơn, gắn bó thủy chung, son sắt của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong quá trình khai hoang, lập ấp, chống giặc ngoại xâm, gìn giữ bờ cõi do cha ông ta mở mang, gầy dựng. Chặng đường 290 năm từ Long Hồ dinh xưa đến Vĩnh Long ngày nay là quá trình lịch sử oai hùng với biết bao mồ hôi, nước mắt và máu xương, cùng những chiến công của các thế hệ cư dân vùng đất này. Ngay từ buổi đầu khai phá, cha ông ta đã thể hiện rõ khí phách hiên ngang, vừa khai khẩn đất hoang, lao động sản xuất, vừa chống chọi với thiên tai để tồn tại và phát triển.

Vĩnh Long là vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa... Mỗi dân tộc mang theo bản sắc văn hóa riêng nhưng không có sự khác biệt trong đời sống tinh thần, mà trái lại, có sự hài hòa, bổ sung cho nhau, tạo nên nét văn hóa riêng của vùng đồng bằng, sông nước, làm cho đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư ngày thêm phong phú, đa dạng, được quy định bởi tính cộng đồng đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau thể hiện qua câu ca dao thắm đượm nghĩa tình: “Bầu ơi, thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Có được như vậy là vì trong mỗi tấc đất nơi đây đều thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các dân tộc cùng sống chung, cùng khai phá và gìn giữ mảnh đất này. Đó là nét văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác, được gìn giữ và trở thành truyền thống của nhân dân ta bao đời nay.

Người dân Vĩnh Long cũng như những cư dân Nam Bộ là những người có công khai khẩn đất hoang, xây dựng cuộc sống trong điều kiện hết sức khó khăn, khắc nghiệt của buổi ban đầu khai cơ lập nghiệp. Vì vậy, hơn ai hết, họ rất yêu quý mảnh vườn, thửa ruộng mà họ xây đắp bởi mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của bao đời. Họ không tiếc máu xương quyết tâm bảo vệ khi bị mọi kẻ thù cướp đoạt. Là những con người cùng cảnh ngộ, vì nghèo khổ mà phải phiêu bạt tới vùng đất này nên trong các thôn, xóm (trừ số ít giàu có, bóc lột), họ đối xử với nhau hết sức thân tình, bình đẳng. Chính từ cuộc sống đầy gian lao, thử thách và từ trong mối quan hệ thâm tình, đùm bọc lẫn nhau ấy đã hình thành nên những đức tính cao đẹp như: giàu lòng thương yêu, trọng nghĩa khinh tài, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa, chí cốt và chung thủy trong tình bè bạn, chan hòa, cởi mở trong quan hệ làng xóm, láng giềng; cương trực, thẳng thắn, rộng rãi, hiếu khách; coi trọng lẽ công bằng trong đối nhân, xử thế.

Ngoài ra, con người sống trong vùng đất mới cũng là những con người giàu tính mạo hiểm, không sợ khó, sợ khổ; không ngại gian nguy khi gặp việc phải làm. Theo thời gian, những đức tính quý báu ấy dần trở thành nét truyền thống cao đẹp của người nông dân Nam Bộ nói chung và người dân Vĩnh Long nói riêng.

Hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Long Hồ dinh là sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy- hải sản. Ở nửa cuối thế kỷ XVIII, các dải đất ven sông rạch, các cù lao thuộc địa bàn dinh Long Hồ trở thành vùng trù phú nhất Nam Bộ. Sản lượng lúa thu hoạch được ở Long Hồ không những đáp ứng đủ nhu cầu lương thực tại chỗ mà còn dư thừa cung cấp cho vùng Thuận- Quảng và bán cho cả thương nhân các nước trong khu vực. Sự phát triển sản xuất nông nghiệp dẫn đến sự hình thành nhiều bến cảng trên các sông, rạch Cổ Chiên, Hàm Luông, Long Hồ, Mân Thít (Măng Thít), Trà Ôn, Trà Vinh... làm nơi buôn bán lúa gạo và các sản vật khác của địa phương. Lỵ sở dinh Long Hồ dần dần trở thành trung tâm thương mại lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng trên trục giao thông - thương mại Gia Định - Mỹ Tho - Hà Tiên.

Cùng với sản xuất nông nghiệp và hoạt động thương mại, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng ngày càng khởi sắc ở đất Long Hồ dinh. Trên nền tảng kinh tế ổn định, người dân Long Hồ đã tạo dựng cho mình đời sống văn hóa - tinh thần phong phú, giàu ý nghĩa và giá trị. Từ buổi đầu khai hoang lập ấp, sự giao thoa văn hóa Kinh - Khmer - Hoa trên đất Long Hồ - Vĩnh Trấn xưa và Vĩnh Long ngày nay kết tinh thành những tài sản văn hóa dân gian trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật... mang đậm bản sắc của nền văn minh sông nước, văn minh miệt vườn, thực sự là nét son truyền thống văn hóa độc đáo của cư dân miền đất trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.

Các dân tộc Kinh- Khmer- Hoa trên đất Long Hồ dinh đoàn kết, đồng lòng đấu tranh gìn giữ, bảo vệ quê hương

Đã có nhiều phong trào tự phát của nông dân đấu tranh chống lại bọn cường hào, ác bá bóc lột và cướp đoạt ruộng đất đã diễn ra. Khí phách anh hùng còn được thể hiện sáng ngời qua các phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trước hết phải kể đến các cuộc kháng chiến, kiên quyết đánh bại các cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ ở vùng đất Nam Bộ của quân Xiêm vào các năm 1715, 1771, 1772 của quân, dân Long Hồ dinh. Đặc biệt là năm 1785, Nhân dân Long Hồ dinh đã cùng anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (trên sông Tiền- Tiền Giang) đánh tan, tiêu diệt 4 vạn quân Xiêm xâm lược.

Nguyên nhân cũng vì sau khi chúa Nguyễn bị Tây Sơn lật đổ, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, vua Xiêm sai tướng đem 5 vạn quân thủy bộ tiến sang nước ta. Cuối năm 1784, quân Xiêm chiếm gần nửa đất Nam Bộ, ra sức cướp phá, giết hại nhân dân và chuẩn bị tấn công quân Tây Sơn ở vùng đất còn lại. Năm 1785, Tây Sơn- Nguyễn Huệ, dưới sự giúp sức của Nhân dân Nam Bộ, Nhân dân Long Hồ dinh đã tổ chức trận đánh phục kích Rạch Gầm- Xoài Mút đánh tan quân Xiêm, chủ tướng Chiêu Tăng và tướng tiên phong Chiêu Sương phải bỏ chạy qua Chân Lạp về nước.

Dưới triều Nguyễn, Nhân dân các dân tộc Kinh- Khmer- Hoa trên đất Long Hồ dinh đã cùng Nhân dân Nam Bộ giữ yên bờ cõi, phá tan mọi âm mưu xâm lược của triều đình Xiêm và Chân Lạp. Trong đó, đại đồn Oai Viễn trên sông Hậu (nay thuộc Trà Ôn) cùng với Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (gốc người Khmer vì có công nên được mang họ Nguyễn) là một minh chứng cho sự đoàn kết, thủy chung ấy của các dân tộc anh em.

Ngay khi thực dân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, hoạt động chống thực dân Pháp của nhân dân Vĩnh Long nổ ra liên tục, hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa trong vùng. Tiêu biểu như: cuộc khởi nghĩa do Phan Tôn, Phan Liêm lãnh đạo, nổ ra ở vùng Hoằng Trị (Bến Tre ngày nay) vào tháng 8 năm 1867, lan rộng đến Định Tường, Vĩnh Long; cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ Chương ở vùng Sóc Trăng vào tháng 8 năm 1867, lan rộng đến vùng Ba Thắc, Trà Ôn; cuộc khởi nghĩa Long Điền - Cầu Ngang, Trà Vinh vào tháng 8 năm 1867; cuộc khởi nghĩa Hương Điền - Trà Ôn do Phó soái An chỉ huy vào tháng 10 năm 1867; cuộc khởi nghĩa Ba Động vào tháng 3 năm 1868, do Tám Lý, Lê Tấn Kế, Đề đốc Triệu, Đốc binh Sang lãnh đạo; cuộc khởi nghĩa ở Rạch Giá vào tháng 6 năm 1868 do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo; cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Long, An Giang vào mùa thu năm 1872 do Lê Công Thành, Lâm Lễ, Âu Dương Lân lãnh đạo. Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa Vĩnh Trị (Vũng Liêm) vào năm 1872 do Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao và Phó Mai lãnh đạo diễn ra tại Cầu Vông, giết chết Chánh tham biện Alix Salicetti.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3 năm 1930, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Ngã tư Long Hồ thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng Cộng sản của tỉnh Vĩnh Long, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân trong tỉnh đòi các quyền lợi kinh tế kết hợp với khẩu hiệu đấu tranh chính trị: chống đế quốc, phong kiến ngày một dâng cao. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Vĩnh Long, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 nổ ra ở khắp nơi trong tỉnh mà điển hình là ở Vũng Liêm, ta đã làm chủ chính quyền trong 8 giờ liền. Đó là tiền đề, bài học kinh nghiệm để Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân tỉnh Vĩnh Long cùng Nhân dân cả nước làm nên cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Tuy nhiên thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Khu 9, Đảng bộ Vĩnh Long vừa xây dựng vừa đẩy mạnh kháng chiến, đồng thời thực hiện chỉ thị về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã phát động toàn quân, toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng vùng độc lập phát triển rộng, mạnh. Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Trà đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, ghi vào lịch sử tỉnh nhà như một trang chói lọi của thế kỷ XX.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Vĩnh Long đã đoàn kết một lòng cùng cả nước lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, tạo đà tiến tới cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975 và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng tỉnh Vĩnh Long, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

47 năm trôi qua, khí thế hào hùng, sục sôi cách mạng của cả dân tộc trong những ngày tháng Tư lịch sử còn mãi âm vang. Trong bản hùng ca vĩ đại của đất nước, có đóng góp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Long. Với truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, ý chí ngoan cường, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Nhân dân Vĩnh Long đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm thêm lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước. Thắng lợi này là kết quả của lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và các dân tộc anh em, đã chiến đấu và làm nên chiến thắng lịch sử; đưa cả dân tộc bước vào thời kỳ độc lập, tự do, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chung sức, đồng lòng xây dựng Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp

Trong niềm vui sau ngày giải phóng, tỉnh Vĩnh Long được sáp nhập với tỉnh Trà Vinh vào tháng 2/1976 thành tỉnh Cửu Long. Từ trong gian khó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cửu Long đã chung sức chung lòng, nêu cao vai trò tổ chức, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tin tưởng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực tổng hợp của toàn dân để khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết hàng loạt vấn đề về an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt đời sống Nhân dân.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển, ngày 26/12/1991, tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc tách tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, chính thức đi vào hoạt động ngày 5/5/1992, đến nay tròn 30 năm. Trong suốt 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã quyết tâm, chủ động, sáng tạo, khơi dậy và phát huy tối đa, có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực, tận dụng tốt thời cơ, đẩy nhanh công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả lĩnh vực.

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng gấp 13 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 129,5 lần. Kinh tế từng bước phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn; khu vực kinh tế phi nông nghiệp phát triển nhanh. Nguồn lực trong dân được phát huy, nhất là trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, giao thông kết nối hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

Năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 11,9% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện, 240km đường ô tô, xóa cầu khỉ ở nông thôn chỉ đạt 5%... thì đến năm 2005 đã xóa cầu khỉ nông thôn; những con đường đất lầy lội năm xưa nay được nhựa hóa, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, các ấp đều có đường dân sinh; điện lưới quốc gia phủ kín 100% ấp, khóm, khu; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện chiếm 100%; số hộ dân đô thị sử dụng nước sạch đạt 98,9%, khu vực nông thôn đạt 93,2%, tăng gấp 10 lần so năm 1992. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 61/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 70%, trong đó có 19 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Công tác giảm nghèo được tập trung thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt, tích cực, hiệu quả. Khi mới tái lập tỉnh, toàn tỉnh có gần 30.000 hộ nghèo, chiếm gần 14%; giai đoạn 2021 - 2026, toàn tỉnh có 5.875 hộ nghèo đa chiều, chiếm 1,97%, đến cuối năm 2021 đã kéo giảm được 0,53%. GRDP bình quân đầu người hàng năm từ 1,51 triệu đồng vào năm 1992, đến nay đạt 56,6 triệu đồng, tăng gấp 37 lần... Tất cả đã bồi đắp nên diện mạo Vĩnh Long với nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể so với 30 năm trước đây.

Các mặt văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, vượt bậc và bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Việc xây dựng con người mới, đời sống mới được chú trọng và tạo chuyển biến tích cực. Qua từng giai đoạn, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh, hướng về cơ sở. Hạ tầng thông tin phát triển, đảm bảo thông tin liên lạc; triển khai xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tăng cường công khai, minh bạch hoạt động cơ quan nhà nước. Phát huy truyền thống vùng đất học Vĩnh Long, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh luôn được quan tâm đầu tư, phát triển. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân luôn được quan tâm, mạng lưới cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh được củng cố theo hướng công bằng, hiệu quả và nâng cao chất lượng. Vĩnh Long hiện có 15 bệnh viện, trung tâm y tế; 2 bệnh viện tư nhân; 107 trạm y tế, tất cả các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo việc khám chữa bệnh ban đầu cho người dân từ cơ sở. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, Vĩnh Long đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 nhưng nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, tỉnh ta đã thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi dịch bệnh, ổn định và phát triển kinh tế- xã hội.

Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và gia đình người có công được mở rộng, toàn diện và đi vào chiều sâu, triển khai kịp thời, đồng bộ. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động được tiếp tục triển khai trên cơ sở đổi mới cơ chế, phát huy các thành phần kinh tế, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mở rộng hoạt động dạy nghề, tạo việc làm... đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quốc phòng - an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từng bước kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức răn đe và phòng ngừa. Từ đó, củng cố, nâng cao lòng tin của Nhân dân vào chế độ, sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng: Quá trình mở mang bờ cõi, hình thành vùng đất Long Hồ dinh là hoàn toàn hợp pháp và tiến hành một cách hòa bình. Những thành quả đạt được sau 290 năm thành lập vùng đất Long Hồ dinh và Vĩnh Long ngày nay là công lao khai phá, bảo vệ và xây dựng của tất cả các dân tộc anh em, nó đã tạo ra thế và lực mới để Vĩnh Long phát triển, trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

NGUYỄN SAN