Phát triển nền Đông y và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Cập nhật, 17:26, Thứ Năm, 10/02/2022 (GMT+7)

(VLO) Sự kiện quan trọng trong 5 năm qua đối với nền Đông y Việt Nam cũng như Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long, đó là Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”.

Đây vừa là kim chỉ nam vừa là động lực, khích lệ cho sự phát triển, hoạt động của Tỉnh hội, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đội ngũ thầy thuốc tận tâm, tận hiến, giỏi nghề và vững vàng y đức, góp phần cùng ngành y tế chăm lo sức khỏe cộng đồng, vừa giữ gìn di sản quý báu của tiền nhân.

 Sưu tầm, khai thác dược liệu ở cấp hội cơ sở.
Sưu tầm, khai thác dược liệu ở cấp hội cơ sở.

Kiện toàn mạng lưới hoạt động của các cấp hội

Lương y Nguyễn Phương Trình- Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long qua 5 năm hoạt động, đến nay đã kiện toàn mạng lưới hoạt động từ tỉnh, huyện đến cấp xã theo Điều lệ Hội Đông y Việt Nam quy định Hội hoạt động 4 cấp được Bộ Nội vụ công nhận”.

Cấp huyện có 5 Huyện hội là: Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm đều có trụ sở chuyên biệt thoáng rộng, khang trang, được bố trí hợp lý gồm 2 bộ phận chính: văn phòng, phòng chẩn trị (phòng chẩn trị có nơi chẩn mạch, khám bệnh và đặt giường trị liệu) và vườn thuốc mẫu.

Những cơ sở này được Tổ chức Hành Tinh Mới Thụy sĩ và Canada tài trợ xây dựng, UBND tỉnh hỗ trợ đất và kinh phí đối ứng để thực hiện.

Riêng Hội Đông y TX Bình Minh được UBND TX Bình Minh xây dựng mới vào năm 2014 được nâng cấp văn phòng với kinh phí 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản của thị xã, theo hình thức chìa khóa trao tay, cơ sở rộng rãi, khang trang đáp ứng nhu cầu hoạt động của Hội.

Nhưng so với nhu cầu phục vụ chuyên môn vẫn chưa đáp ứng, do không đủ phòng để triển khai công tác vật lý trị liệu. Đối với 2 Hội Đông y TP Vĩnh Long và Bình Tân: Tiếp quản cơ ngơi cũ, tu bổ lại với điều kiện hợp lý, có thể nói là một trụ sở hội thoáng rộng, đáp ứng đủ các bộ phận chẩn trị, nơi làm việc, hội họp và trồng vườn thuốc mẫu.

Cấp xã được duy trì theo 4 mô hình của Đại hội khóa IV, nhiệm kỳ 2011- 2016 cụ thể: có 5 trụ sở công lập. Hội Đông y Phường 1, Phường 2 và phường Tân Hội TP Vĩnh Long được UBND phường giao trụ sở khóm để làm văn phòng và phòng chẩn trị phục vụ bệnh nhân hoạt động có hiệu quả được bệnh nhân tín nhiệm.

Hội Đông y xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tọa lạc tại ấp Phú Ân xây dựng khang trang được sự tài trợ của Tổ chức Hành Tinh Mới (Thụy Sĩ) và nguồn vốn đối ứng của UBND tỉnh.

Cơ sở thiết thực phục vụ sức khỏe cộng đồng dân cư ở một vùng xa huyện lỵ. Hội Đông y xã Thành Trung (Bình Tân) được UBND xã bố trí khu làm việc riêng để Hội thực hiện nhiệm vụ văn phòng và phòng chẩn trị phục vụ
bệnh nhân.

Có 6 cơ sở theo mô hình trụ sở gắn kết tại nhà cán bộ hội. Đây là mô hình hoạt động xuyên suốt trong những nhiệm kỳ qua. Mô hình hoạt động hiệu quả, uy tín cao là trụ sở lồng ghép hợp lý tại các cơ sở thờ tự như chùa chiền, thiền viện, tịnh xá. Nhà chùa vừa tu hành, vừa chữa bệnh làm từ thiện, đạt hiệu quả tin cậy cao.

Thừa kế, phát huy vốn quý nền y học cổ truyền

Thực hiện chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội khóa V, nhiệm kỳ 2016- 2021 dựa trên cơ sở những số liệu khám chữa bệnh của Hội Đông y các cấp trong 5 năm qua, đạt được như sau: khám chữa bệnh cho 4.328.690 lượt.

Trong đó, thuốc Nam gần 12 triệu thang, thuốc Bắc trên 283.000 thang, châm cứu- xung điện trên 1,8 triệu lượt và các phương pháp khác trên 256.000 lượt. Tính riêng phần khám, chữa bệnh giảm và miễn phí đạt được phúc lợi xã hội trên 70 tỷ đồng.

Bác sĩ Sầm Thị Thúy Liễu thực hiện phương pháp “cấy chỉ” cho bệnh nhân.
Bác sĩ Sầm Thị Thúy Liễu thực hiện phương pháp “cấy chỉ” cho bệnh nhân.

Song song với khám chữa bệnh, Hội Đông y đặc biệt quan tâm công tác từ thiện phúc lợi xã hội. Tổng số tiền thực hiện công tác từ thiện góp phần an sinh xã hội, do các cấp hội đóng góp trong 5 năm qua đạt trên 10 tỷ đồng.

Về nuôi trồng dược liệu, được duy trì theo mô hình “vườn thuốc 97” của nhiệm kỳ IV (2011- 2016) có tổng số 117 vườn thuốc Nam mẫu được trồng theo danh mục của Bộ Y tế quy định 9 nhóm bệnh và 60 cây thuốc có bảng tên, bộ phận dùng, công dụng từng cây thuốc mục đích là giới thiệu cho người dân đến chữa bệnh tại Hội Đông y cấp huyện và xã biết nhận dạng và sử dụng để phòng và chữa một số bệnh thông thường.

Huyện Hội Bình Tân đã vận động các hộ dân tự nguyện nuôi trồng thuốc Nam xen trong vườn cây ăn trái với diện tích 11.000m2, ở các xã: Tân Lược, Tân Bình, Thành Lợi, Tân Hưng.

Huyện Hội Tam Bình vận động hội viên tận dụng đất vườn trồng dược liệu làm thuốc cung cấp cho các phòng chẩn trị với diện tích 13.000m2 ở các xã: Tân Phú, Hòa Thạnh, Long Phú, Mỹ Thạnh Trung, Hậu Lộc, Hòa Hiệp, Mỹ Lộc.

Huyện Hội Vũng Liêm có 3 vườn thuốc đại trà với diện tích 9.000m2: vườn thuốc của lương y Lê Văn Sanh ở thị trấn với 4.000m2 được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long giới thiệu cho Viện Lúa ĐBSCL thực hiện đề tài “Nghiên cứu điều tra bổ sung, xây dựng bản đồ dược liệu, bảo tồn tài nguyên nguồn cây thuốc Nam bản địa tỉnh Vĩnh Long” và vườn thuốc của Hội Đông y xã Trung Nghĩa diện tích 1.000m2.

Như vậy tổng diện tích vườn thuốc Nam được người dân tham gia nuôi trồng trong nhiệm kỳ qua đạt 33.000m2.

Cùng với đó, là nguồn dược liệu từ sưu tầm, khai thác trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Hội Đông y huyện Bình Tân có 7 tổ sưu tầm dược liệu với 130 tổ viên và một nhà kho thuốc Nam, hàng năm đều tổ chức đi sưu tầm khai thác thu hái cây thuốc trong địa bàn tỉnh và một số tỉnh bạn trong khu vực.

Nổi bật mang tính truyền thống và duy trì mỗi năm là Hội Đông y phường Trường An (TP Vĩnh Long) trong khuôn viên Thiền viện Ngọc Hạnh thực hiện mỗi năm thu hái thảo dược quý hiếm tại vùng rừng núi huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng; nhà kho thuốc Nam xã Tân Lược huyện Bình Tân tổ chức thu hái thuốc núi ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Nai.

Tổng hợp tất cả các nguồn đã khai thác, thu hái đạt được trong 5 năm qua là 4.944 tấn, với giá trị phúc lợi trên 24 tỷ đồng. Như vậy, qua 5 năm thực hiện khám, chữa bệnh miễn phí, từ thiện xã hội và thu hái dược liệu, đã góp phần an sinh xã hội với tổng số tiền trên 105 tỷ đồng, so với nhiệm kỳ trước tăng 163,1%.

Đánh giá qua 5 năm hoạt động, tập thể BCH Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long đã đoàn kết một lòng thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời kế thừa, phát huy vốn quý nền y học cổ truyền dân tộc.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Các tin khác: