Chuyện của một "F0"

Cập nhật, 14:35, Thứ Ba, 26/10/2021 (GMT+7)
Cô K. H. (thứ hai từ phải qua) được lãnh đạo tỉnh tặng quà nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Cô K. H. (thứ hai từ phải qua) được lãnh đạo tỉnh tặng quà nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Đối với cô H.T.K.H. (ở huyện Tam Bình) thì những ngày tháng 8 vừa qua là cơn ác mộng mà cô và những người thân trong gia đình chắc chắn sẽ không thể nào quên được. Cả gia đình: cha mẹ, hai con và cô H. đều trở thành F0- là những người mắc bệnh COVID- 19.

Chồng cô H. khi đó đang làm việc tại tỉnh Hậu Giang và chưa thể về nhà do thực hiện phòng chống dịch. Cô H. có dãy nhà trọ nối liền với nhà ở của mình, người thuê trọ chủ yếu là công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Khi những ca COVID- 19 đầu tiên xuất hiện ở Vĩnh Long và đã có đối tượng F1 trong khu công nghiệp, cô H. luôn nhắc nhở những người ở trọ đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi phòng. Không ngờ trong số những người trọ, đã có một công nhân là F0.

Địa phương thực hiện test cộng đồng lấy mẫu gộp PCR, nhà trọ cô có mẫu gộp dương tính. Nhà trọ bị phong tỏa. Mẹ cô H. sổ mũi, ho. Cô H. chia sẻ: “Lúc đó tôi đã lo lắm rồi, rất bất an. Ba mẹ tôi đều trên 70 tuổi, mẹ có bệnh nền cao huyết áp, ba thì bị bệnh tim. Mẹ bị cảm một hai hôm thì ba tôi cũng sốt”. Lo lắng cho sức khỏe người thân nhưng không biết phải làm gì.

Rồi như những gì cô H. lo lắng, khi cuộc điện thoại của trưởng ấp thông báo: “Cả nhà cô dương tính rồi, cô dọn quần áo đi nhe, chút nữa xe cấp cứu tới”. Cả gia đình bàng hoàng quên luôn ăn cơm, cô H. kể: “Tôi đứng im hồi lâu sau khi nghe điện thoại, cảm thấy ngột ngạt quá, tự hỏi tại sao lại là gia đình mình… Tôi gọi điện cho chồng tôi hay tin, nói được có mấy câu, còn lại là nước mắt”.

Cô H. và cả nhà cũng không biết nên đem theo cái gì, đang chuẩn bị quần áo thì xe cấp cứu tới. Cô H. nói: “Đó là ngày 1/8/2021, tôi không bao giờ quên được, ngày bắt đầu những chuỗi ngày đấu tranh với dịch bệnh của cả gia đình”. Cô H. bắt đầu đau họng, đau đến độ nói chuyện rất khó khăn. Con trai lớn thì mất vị giác, khứu giác, luôn lo lắng “mẹ ơi, con không còn nghe mùi gì nữa, ăn không có vị gì hết”. Tiếp đó, con gái nhỏ 11 tuổi lại sốt,…

Đã bệnh, lại thêm những đêm thức trắng chăm sóc cho cả gia đình khiến mấy bộ quần áo cô H. mang theo trở nên rộng hơn. Trong tuần đầu vào viện, có những lúc quá mệt mỏi nhưng cô H. cũng không dám nằm xuống nghỉ ngơi: “Tôi sợ ngủ rồi không thức dậy được nữa, ai sẽ lo cho ba mẹ và các con”.

Vậy là cô H. làm đủ mọi cách chăm sóc sức khỏe mình và gia đình. “Vì nhà vệ sinh sử dụng chung, nên chỉ mình tôi đến nhà vệ sinh, phục vụ cha mẹ và chăm sóc các con luôn, từ đánh răng rửa mặt đến tắm rửa,…”- cô H. nói. Cô cũng không nhớ nỗi mình đã lau dọn phòng bao nhiêu lần một ngày, chỉ biết phải giữ vệ sinh thật sạch sẽ, thông thoáng.

Ba cô H. ngất xỉu và chuyển nặng phải đưa sang phòng thở oxy, mẹ cô phải chăm sóc ba. Sau đó một ngày, cô H. cũng khó thở mệt mỏi: “Cảm giác như có gì đó đông đặc, chèn ở cổ, thở khó khăn. Cứ 5 phút tôi lại ho 1 lần và mỗi lần ho như muốn đứt hơi. Tôi thậm chí không dám gọi bác sĩ vì sợ mình lên phòng thở oxy thì các con phải làm sao”. May mắn thay, đến chiều thì cô khỏe lại.

Nỗi sợ hãi nhất chính là nhìn những người khác vĩnh viễn ra đi trước mắt mình, cô H. cũng vậy. Nhưng những lúc tựa hồ như không còn chút sức lực nào, như đang đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết thì ý chí của một người con, một người mẹ buộc cô H. không được buông xuôi. Cô H. chia sẻ trong nước mắt: “Tôi tự nói với mình không được bỏ cuộc, tôi phải khỏe mạnh để chăm sóc gia đình, phải cùng mọi người ra về, tôi không được bỏ lại ai hết”.

Mất vị giác nên cả gia đình ăn gì cũng không nổi, cô H. nói: “Bác sĩ động viên lắm nên tôi ráng ăn uống cho mau khỏe. Chứ đau họng nên cơm ăn không mùi, không vị rất khó nuốt”.

Rồi gia đình cô H. bắt đầu bình phục, ba cô thôi thở máy và mọi người cảm nhận lại được mùi vị. Ngày 23/8/2021, bác sĩ thông báo cả gia đình cô được về nhà. Cô H. vừa khóc vừa cười: “Tôi chưa bao giờ thấy mình hạnh phúc như vậy, hạnh phúc đến nỗi… muốn khóc cho đã và không hiểu nước mắt ở đâu mà mình khóc nhiều như vậy trong suốt thời gian đó nữa”.

Nghĩ lại thời gian đã qua, cô H. khuyên những người nếu không may thành F0 thì đừng quá bi quan, hãy giữ vững sự lạc quan, nghị lực. Cô H. nói: Ngoài sự chăm sóc của y bác sĩ, mình còn phải tự biết chăm sóc mình, cố gắng ăn uống và tìm mọi cách để tăng cường sức khỏe như cung cấp vitamin C cho cơ thể, giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ, cẩn thận. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã không ngại bị lây nhiễm, không quản vất vả, luôn chăm sóc, điều trị cho những người bệnh như chúng tôi. Mong đại dịch mau qua để cuộc sống bình thường trở lại!

Bài, ảnh: CAO HUYỀN