Nhân ngày sách Việt Nam (21/4)

"Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh"

Cập nhật, 06:09, Thứ Ba, 21/04/2020 (GMT+7)

“Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh” là chủ đề của Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Ở nhà mùa dịch, nhiều người đã dành thời gian tìm đọc và chiêm nghiệm những cuốn sách mà trước đây chẳng có thời gian đọc. Một “mùa đọc sách” đặc biệt để tất cả cùng nhìn lại văn hóa đọc và ấp ủ những dự định mới.

 Các em học sinh ở Trường Tiểu học Phú Quới A háo hức đọc sách khi ô tô thư viện lưu động về trường vào tháng 11/2019.
Các em học sinh ở Trường Tiểu học Phú Quới A háo hức đọc sách khi ô tô thư viện lưu động về trường vào tháng 11/2019.

Ở nhà… mùa đọc sách

“Xuân Hạ Thu Đông, bốn mùa đọc sách. Mùa dịch sương gió, giá rét lạnh lùng, giữ lòng tĩnh lặng, đóng cửa đọc sách”- trên trang Facebook cá nhân, ông Vũ Trọng Đại- Giám đốc Công ty sách Omega Việt Nam- đã viết.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sách giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức và tăng khả năng tư duy. 

Đối với những người yêu sách, tháng 4 là tháng được mong đợi nhất trong năm bởi nhân ngày Sách Việt Nam (21/4), các hoạt động hội sách, giao lưu với các tác giả, các diễn đàn bàn về sách được tổ chức khắp nơi trên cả nước.

Tuy nhiên năm nay, dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, nhiều nhà sách phải đóng cửa. Trái ngược với sự ảm đạm của những nhà sách, giao dịch sách trực tuyến đang được ghi nhận số đơn hàng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ cần một cái “click chuột” là có thể mua cuốn sách với giá cả có chiết khấu và được giao hàng đến tận nhà.

Với các giao diện điện tử được trình bày bắt mắt, nhiều chương trình ra mắt sách được thực hiện livestream trực tiếp vẫn giúp cộng đồng mê sách dù phải “ở nhà” theo chủ trương của Chính phủ, vẫn cập nhật được thông tin sách mới xuất bản.

Vấn đề văn hóa đọc được đưa ra bàn luận thường xuyên nhưng chưa có lời giải cho câu hỏi làm sao để tăng số lượng sách người Việt đọc mỗi năm. Khi người dân có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn thường ngày, họ bắt đầu tìm đến sách.

Đây cũng có thể là “thời gian vàng” để tiếp thêm tinh thần cho con hình thành thói quen đọc sách. Chỉ với một chiếc máy đọc sách hay máy tính, các bạn trẻ có thể tiếp cận cả thế giới sách nhanh chóng, dễ dàng và tiết kiệm hơn.

Chị Huỳnh Ngọc Châu- nhân viên Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long- cho biết: “Các em nghỉ học ở nhà dài ngày là nỗi lo lắng lớn của phụ huynh. Em trai còn học tiểu học nên tôi cho bé ôn tập ở nhà và theo dõi kỹ. Tập cho em thói quen đọc sách, làm việc nhà, cho ra gần nhà thả diều… để hạn chế thời gian em chơi game trên máy tính”.

Hàng ngày, trên mạng xã hội, cô Trần Huỳnh Nhị- giáo viên Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long)- giới thiệu một quyển sách và nhắn các học trò: “Các em thích thì nhắn với cô để cô mang vô trường rồi đến mượn về nhé”.

Cô còn phát động và được các em hưởng ứng nhiệt tình việc đăng hình quyển sách và những ký ức về quyển sách đọc lần đầu tiên với mục tiêu: “Trò chơi khơi dậy kỷ niệm, khuyến khích đọc sách và trân quý những gì tốt đẹp trong đời”.

Nếu như những ngày dịch này đã rèn cho người Việt Nam thói quen giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng... thì ngày tháng này cũng có thể được tận dụng để rèn thêm một thói quen tốt, đó là đọc sách.

Chuyến xe chở sách chờ ngày lăn bánh

Tháng 11/2019, dự án ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Tập đoàn Vingroup (Quỹ Thiện Tâm) trao tặng Thư viện tỉnh Vĩnh Long với hơn 4.000 quyển sách và các trang thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu, tài liệu điện tử, phần mềm phục vụ người khiếm thị…

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga- Giám đốc Thư viện tỉnh, từ 6/11-18/12/2019, Thư viện đã tổ chức được 28 chuyến xe, 132.906 lượt phục vụ sách, 5.408 lượt sử dụng máy tính, 4.290 lượt xem phim tại 56 điểm trường tiểu học trên 8 huyện- thị- thành của tỉnh. 

Với mục tiêu “sách đi tìm người”, nhiều đầu sách và tài liệu điện tử đến với các em vùng sâu, vùng xa.
Với mục tiêu “sách đi tìm người”, nhiều đầu sách và tài liệu điện tử đến với các em vùng sâu, vùng xa.

Hành trình đã mang thêm cơ hội đến các em học sinh tiểu học vùng quê có điều kiện tiếp cận với sách, từ đó giúp các em thêm yêu sách, hiểu biết được các giá trị của việc đọc sách và tạo động lực cho các em khám phá những quyển sách hay.

Em Nguyễn Nhật Vy- Lớp 3/2, Trường Tiểu học Phú Quới A (Long Hồ) háo hức đến chỗ ô tô thư viện lưu động tìm sách với các bạn rồi ra một góc ngồi nghiền ngẫm các bức tranh và lời giải thích về thế giới động vật.

Vy cho biết: “Con với các bạn thích lắm. Muốn đọc nhiều sách như vậy thì lâu lâu mới được, vì khi mẹ rảnh mới chở đi siêu thị vì nó ở xa quá. Con ước sẽ có nhiều ô tô thư viện nữa về đây để các bạn được đọc sách”.

Cô Nguyễn Ngọc Thúy- giáo viên Trường Tiểu học Phú Quới A- chia sẻ: “Thấy các em hào hứng đến chỗ chiếc xe đọc sách, tra cứu trên máy tính, chúng tôi rất vui. Chuyến xe ý nghĩa vì tạo cho các em sự yêu thích, say sưa đọc những quyển sách mà trước giờ không có điều kiện đọc. Thông qua việc đọc, các em vừa giải trí mà vừa được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng”.

Nên hình thành thói quen đọc sách khi các con còn nhỏ tuổi.
Nên hình thành thói quen đọc sách khi các con còn nhỏ tuổi.

Không chỉ phục vụ học sinh tiểu học, Thư viện tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức buổi tuyên truyền giới thiệu sách tại Trại Tạm giam (thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long) đợt Tết Nguyên đán vừa qua.

Việc mang sách- báo và tài liệu phục vụ cho các phạm nhân góp phần vào công tác giáo dục cảm hóa, tạo điều kiện để họ được tiếp cận thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Thông qua hoạt động văn hóa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phạm nhân tránh bị kẻ xấu tiếp tục lôi kéo, kích động khi chấp hành án xong, không tái phạm pháp luật.

Năm 2020, Thư viện tỉnh Vĩnh Long đã có kế hoạch bổ sung thêm nguồn tài liệu đa dạng phong phú. Cán bộ thư viện cũng nghiên cứu thêm các hoạt động bổ trợ trong việc đọc sách như: hướng dẫn các em cách chọn sách, cách thức đọc sách, biết cách tóm tắt và viết cảm nhận sau khi đọc sách…

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết: “Chuyến ô tô thư viện lưu động đã sẵn sàng, khi hết dịch bệnh, xe sẽ lăn bánh đến 80 trường tiểu học, THCS ở vùng sâu, vùng xa trên khắp địa bàn tỉnh”.

Hội sách trực tuyến quốc gia khai mạc vào ngày 19/4 và dự kiến kéo dài đến giữa tháng 5 tại địa chỉ website http://book365.vn. Chương trình có sự tham gia của khoảng 40 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong cả nước. Hội sách giới thiệu tới độc giả khoảng 10.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Nhiều chương trình tọa đàm (với nội dung liên quan tới các vấn đề của lĩnh vực xuất bản, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng), giao lưu trực tuyến tác giả- bạn đọc sẽ được tổ chức trong khuôn khổ hội sách.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ