Sữa học đường nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam

Cập nhật, 05:26, Thứ Tư, 25/12/2019 (GMT+7)

Là 1 trong 17 tỉnh- thành triển khai đề án Sữa học đường, Vĩnh Long xác định đây là một chương trình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình học sinh mà còn mang ý nghĩa nhân văn, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ- đặc biệt là trẻ vùng sâu, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Dạy trẻ uống sữa đúng cách, đúng giờ, để rác đúng nơi quy định.
Dạy trẻ uống sữa đúng cách, đúng giờ, để rác đúng nơi quy định.

Lợi ích từ sữa học đường

Để trẻ phát triển cả về thể lực và trí lực là điều không chỉ ngành giáo dục mà cả lãnh đạo tỉnh và xã hội quan tâm. Qua những bước chuẩn bị đấu thầu công khai minh bạch, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trúng thầu, trở thành đơn vị cung cấp sữa học đường cho tỉnh Vĩnh Long.

Từ tháng 11/2019, học sinh mầm non và lớp 1 trường công lập trong tỉnh sẽ được uống sữa tươi tiệt trùng 3 lần/tuần (1 hộp sữa 180ml), giá 6.820 đ/hộp.

Nhà nước và Vinamilk hỗ trợ 50% chi phí, còn lại phụ huynh đóng góp. Tính ra, mỗi phụ huynh trả 3.410 đ/hộp sữa. Trẻ em diện hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật học hòa nhập sẽ được tài trợ uống sữa miễn phí.

Bà Trương Thanh Nhuận- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long- phấn khởi cho biết: “Chương trình sữa học đường cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt trẻ nông thôn. Lứa tuổi mẫu giáo là thời điểm vàng cho sự phát triển thể lực, trí tuệ của trẻ.

Đây là chương trình phù hợp với điều kiện địa phương, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Sau thời gian triển khai, trong học kỳ 2 này, đã có thêm nhiều phụ huynh đăng ký cho con tham gia chương trình”.

Bước đầu thực hiện chương trình sữa học đường, có hơn 25.500 học sinh mầm non và tiểu học công lập của tỉnh Vĩnh Long đăng ký tham gia.

Trong đó, có 19.131 học sinh mầm non, chiếm 55,14%; 6.424 học sinh lớp 1, chiếm 38,68% trên tổng số học sinh. Đến nay, đã có thêm nhiều phụ huynh đăng ký cho con em tham gia chương trình này.

Bà Trương Thanh Nhuận cho biết thêm: “Có 2.747 trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và trẻ khuyết tật học hòa nhập sẽ được uống sữa miễn phí 100%”.

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em là mong muốn chung của mọi người. Thiếu vi chất dinh dưỡng các em thiếu khả năng tăng trưởng.

Hiểu được điều này, tháng 7/2016, Chính phủ phê duyệt chương trình sữa học đường và Vĩnh Long là 1 trong 2 địa phương đầu tiên của ĐBSCL thực hiện chương trình này. Đối với thiếu nhi vùng sâu, có hoàn cảnh khó khăn thường không được ăn uống đủ chất do đó tình trạng thấp còi vẫn còn.

Chính vì vậy, việc thực hiện chương trình sữa học đường mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc giúp thiếu nhi được sử dụng sữa với nguồn dinh dưỡng đủ cho lứa tuổi và giúp phụ huynh giảm chi phí mua sữa cho con, em họ.

Cải thiện tầm vóc trẻ em Vĩnh Long

Chương trình sữa học đường của tỉnh Vĩnh Long là quá trình làm việc nghiêm túc, dài hạn nhằm góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em.

Kế hoạch chương trình đã xây dựng từ 2017. Ông Nguyễn Quốc Khánh- Giám đốc điều hành phụ trách nghiên cứu và phát triển của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: “Vinamilk có 43 năm hình thành phát triển, chúng tôi luôn mong được sự đồng hành của cơ quan, ban ngành, gia đình các em để chúng tôi cam kết mang đến sản phẩm chất lượng nhất. Chúng ta cùng nhau mang những gì tốt nhất cho trẻ em vì một tương lai vươn cao Việt Nam”.

Trà Ôn là địa phương vùng sâu, khi thực hiện chương trình sữa học đường trong học kỳ II, năm học 2019- 2020 có 82% học sinh trong độ tuổi đăng ký, tỷ lệ cao nhất tỉnh.

Cô Lê Thị Thương- Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Hiệp (Trà Ôn)- cho hay: “Sau 2 tháng triển khai, phụ huynh đã ý thức được sự tiện lợi và ý nghĩa của chương trình, trong học kỳ II tới, có khoảng 90% học sinh của trường đăng ký chương trình sữa học đường”.

Trong khi đó, đối với những hộ nghèo, cận nghèo con em được hỗ trợ miễn phí sữa là một niềm vui. Cô Lưu Thị Thu (xã Hòa Bình- Trà Ôn) nhà thuộc hộ cận nghèo, cười thật tươi: “Cháu tui học lớp 1 được uống sữa miễn phí. Tui mừng lắm vì từ hồi cháu lên lớp 1 gia đình tôi định cắt sữa vì khó khăn”.

Những ngày đầu triển khai chương trình, huyện Trà Ôn chỉ có hơn 50% học sinh đăng ký, đến nay tăng trên 70% và học kỳ II tới là trên 82%.

Có được kết quả trên là nhờ thầy cô tuyên truyền những lợi ích cho học sinh. Không chỉ vậy, giáo viên còn dạy học sinh uống sữa đúng giờ, đúng cách, uống xong biết xếp hộp sữa bỏ vào thùng rác đúng quy định…

Bà Trương Thanh Nhuận cho biết: “Chương trình sữa học đường nhằm bổ sung dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc trẻ em Vĩnh Long về cân nặng, thấp còi, vì thế chúng tôi tổ chức truyền thông rộng rãi trong phụ huynh. Kết quả, tỷ lệ học sinh đăng ký ngày càng tăng, đặc biệt ở vùng sâu tỷ lệ này rất cao”.

Năm học 2020- 2021, đề án Sữa học đường tỉnh Vĩnh Long sẽ được mở rộng đối tượng áp dụng trẻ mầm non, học sinh lớp 1 và 2 trường công lập trong tỉnh.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN