Ẩn họa súc vật nuôi tấn công trẻ

Cập nhật, 17:12, Thứ Sáu, 27/07/2018 (GMT+7)

Câu chuyện về một em bé mới 8 tháng tuổi ở Hà Nội vừa bị tử vong vì cú tấn công của chó ngao Tây Tạng nặng 40kg nhà nuôi khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót. Tai nạn hy hữu này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ xảy ra với trẻ, xuất phát từ vật nuôi.

Theo các bác sĩ, ngoài nguy cơ bị tấn công, trẻ còn dễ bị hen suyễn, các bệnh đường hô hấp vì lông chó, mèo và các vật nuôi khác.
Theo các bác sĩ, ngoài nguy cơ bị tấn công, trẻ còn dễ bị hen suyễn, các bệnh đường hô hấp vì lông chó, mèo và các vật nuôi khác.

Kinh hoàng chó tấn công trẻ em

Nhiều con vật, kể cả những vật nuôi trong nhà đều có thể gây tai nạn cho trẻ nếu người lớn không cảnh giác và trông chừng chúng. Động vật cắn, húc rất nguy hiểm bởi có thể gây đau, nhiễm trùng, sốc và có thể dẫn đến nguy cơ bị bệnh dại- thậm chí là tử vong.

Bình thường, những động vật nuôi trong nhà như chó, mèo,… rất dễ thương, là người bạn thân thiết của trẻ. Tuy nhiên, trẻ em dễ bị động vật cắn nhất, vì bản tính trẻ em rất hiếu động và tò mò, hay trêu chọc chúng và các em chưa lường hết được sự nguy hiểm.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị chó tấn công. Có bệnh nhi bị chó cắn đứt cả khí quản. Có những bé bị chó cắn nát cả mặt khâu tới 200 mũi khiến các bác sĩ không khỏi xót xa. Đặc biệt, các bé khi bị chó tấn công đều phải chịu sẹo vĩnh viễn hoặc phải phẫu thuật tạo hình.

Trường hợp bé trai tên N.T.Đ. (5 tuổi, ở Đồng Nai) bị 2 con chó béc-giê cắn, khiến bé bị thủng khí quản, rất nguy kịch. Rồi bé T.N (3 tuổi, ngụ Đăk Lăk) cũng nhập viện trong tình trạng chó nhà cắn mất một phần cánh mũi, mũi và miệng giập nát.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đánh giá vết thương, xử lý phần thịt bị đứt rời (đã được gia đình bỏ vào thùng đá bảo quản) để phẫu thuật tạo hình đắp lại phần cánh mũi.

Theo các bác sĩ, do chiều cao của nhiều trẻ xấp xỉ các con chó nên dễ bị những vết thương nguy hiểm vùng cổ, mặt. Trẻ bị vật nuôi tấn công do sự lơ là của người lớn, chủ quan để trẻ chơi một mình, súc vật tấn công trẻ thình lình, bất ngờ khiến phụ huynh trở tay không kịp. Trẻ bị súc vật tấn công phải đi tiêm ngừa.

Ngoài ra, những bệnh liên quan đến ký sinh trùng chó, mèo không kém phần nguy hiểm. Nguy cơ lây nhiễm cũng tăng lên nếu chó, mèo được cho đi lại tự do trong nhà hoặc trẻ thường xuyên ôm ấp, nựng nịu chúng. Chất thải của vật nuôi dính vào vật dụng, nhất là nước tiểu của mèo, cũng dễ gây hen suyễn, dị ứng hô hấp.

Phòng ngừa trẻ bị vật nuôi trong nhà tấn công

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, có hơn 86.000 vụ trẻ ngã mỗi năm là do vật nuôi gây ra, trong đó 88% là do chó. Những tai nạn hy hữu thương tâm đó không ai dám nói sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa, nhất là khi nhiều người không ý thức được việc cho trẻ nhỏ chơi đùa gần thú nuôi. Việc này đồng nghĩa với việc đặt con vào mối nguy hiểm có thể gây chết người.

Đến chích ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, bên chân trái băng bó, em Nguyễn Minh Duy (8 tuổi, xã Quới An- Vũng Liêm) kể: “Con chó nhà mới đẻ nên nó dữ quá, nó táp vô chân con chảy máu. Ba dẫn con lại trạm băng vết thương rồi chở con ra đây chích ngừa nè. Ba xích con chó lại luôn rồi”.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh), để đảm bảo an toàn cho trẻ tốt nhất vẫn là nhà có trẻ em thì không nên nuôi chó, hạn chế hết mức có thể.

Nếu cần thiết có nuôi thú cưng, ngoài tiêm ngừa dại đầy đủ, uống thuốc diệt sán định kỳ, cần tắm, diệt bọ chét thú cưng sạch sẽ; xích và rọ mõm chó lại. Ba mẹ tuyệt đối không nên để trẻ một mình với thú cưng. Trẻ lớn hơn nên “dạy trẻ cách vuốt ve chó mèo phần lưng, không cho đùa giỡn phần mặt, đầu và phần đuôi, không cho kéo đuôi, không chơi trò giấu xương, giấu đồ ăn của vật nuôi”.

Trẻ còn quá nhỏ thì không nên cho tiếp xúc với thú nuôi, trẻ 5-6 tuổi mới được cho tiếp xúc và tìm hiểu thú nuôi, song phải dạy trẻ cần cẩn thận khi thú nuôi đang ăn hoặc đang ngủ, vì chúng sẽ rất dễ tức giận và tấn công trẻ.

Ba mẹ cần nói với con điều này: “Không có con chó, mèo nào là hiền cả, vì thế con không được tiếp xúc với thú nuôi lạ khi đi đến nhà hàng xóm hay đi ngoài đường”.

“Thông thường khi trẻ thấy thú nuôi hung dữ, có biểu hiện tấn công thì thường bỏ chạy hoặc đánh nó. Điều đó là sai lầm. Vì thế, ba mẹ cần dạy trẻ không bỏ chạy, đạp xe, ném đá khi chó lạ đến gần hay sủa. Hãy dạy trẻ nhìn thẳng vào mắt chó và lùi lại dần dần”- bác sĩ Hữu Khanh phân tích

Theo các chuyên gia y tế,  khi phát hiện có người bị chó, mèo cắn- không nên vội vàng đánh chết chó, mèo do tức giận mà cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến chỗ thuận lợi rửa vết thương bằng nước lạnh và xà bông (xà bông đặc càng tốt, trong 15 phút) hay các chất sát khuẩn để phòng tránh vi rút dại. Tuyệt đối không nên nặn máu ra vì có thể làm vết thương nặng hơn, dễ nhiễm trùng…

Đồng thời nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Sau đó thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN