Băn khoăn nước máy nông thôn

Cập nhật, 07:18, Thứ Sáu, 06/11/2015 (GMT+7)

Thời gian qua, với sự quan tâm tích cực của trung ương, địa phương, cùng sự tài trợ, tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, chương trình đưa nước sạch về nông thôn ngày càng được đầu tư và phát triển mạnh đến vùng sâu, đồng bào dân tộc. Tuy vậy, nhu cầu và mục tiêu là một “cuộc đua” không tương xứng khi hiện còn nhiều nơi bà con đang trông chờ một sự thay đổi nhưng vẫn chưa đổi thay…

Kỳ 1: Đầu tư mạnh vẫn chưa đáp ứng

Nằm giữa đồng bằng sông nước, sông ngòi chằng chịt, nước ngọt quanh năm nhưng bà con lại bị ám ảnh với nguồn nước mình đang dùng. Bởi, hiện diện trước mặt họ là sự gia tăng của các chất độc hại từ quá trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đời sống,… thải trực tiếp ra môi trường.

Người dân kỳ vọng nước máy tiếp tục được đầu tư, mở rộng về vùng nông thôn.
Người dân kỳ vọng nước máy tiếp tục được đầu tư, mở rộng về vùng nông thôn.

Sức ép từ ô nhiễm nguồn nước

Ngồi nhìn dòng kinh đục ngầu trước nhà, lão nông Trịnh Văn Bánh ở ấp Bà Lang (xã Long An- Long Hồ) vẻ mặt đầy tâm sự nói: “Tháng này có nước mưa còn đỡ, chứ qua tháng khô thì nước kinh đục ngầu mà vẫn bơm lên lóng phèn xài hàng ngày”. Theo ông, có khoảng trăm hộ dân trong ấp và ấp lân cận đều lấy nước dưới kinh trước nhà để sử dụng.

“Lúc dọn sạ hay thu hoạch lúa thì chắt ra, nước đục keo. Ngày thường nước nhóc nhưng hứng trọn bao nhiêu là phân, thuốc. Thậm chí, nước lớn ngoài sông chảy vào còn kéo luôn cả xác súc vật, rác rến nổi lềnh bềnh. Ghê lắm, nhưng nếu xài nước bình thì tiền đâu mua nổi”- ông kể.

Đồng cảnh ngộ, chú Võ Văn Lùng ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) lo âu nói:

“Hồi đó, mần ruộng ít vụ, phân thuốc rất ít nên con cá, tép nhiều đến nỗi lớp ăn, lớp làm mắm, làm khô. Nhưng mấy năm trở lại đây, mần 3 vụ một năm nên phân, thuốc mỗi vụ tăng gấp nhiều lần, nhất là khi gặp dịch bệnh, xịt không biết bao nhiêu mà nói.

Tui hổng biết độc hại tới đâu mà hiện đồng vừa thu hoạch xong, nước thả đầy đồng mà đi chài, kéo lưới một buổi chỉ có ốc bươu vàng, vài con cá, tép nhỏ. Nếu như kiểu bắt hồi xưa mà lựa lấy cá bự là trớt quớt luôn”.

Vợ chú ngồi kế bên nói thêm: “Mùa nào sạ, lúa bị chết nhiều là rầu lần. Tốn công giặm còn thêm sợ nước. Hồi xưa đi nhổ cỏ, giặm lúa cả tháng trời mà đâu có vậy, còn giờ dễ thúi móng chân, da bị nổi tùm lum, thấy sợ”.

Đến xứ rẫy, Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT phân tích bài toán đơn giản:

“Cũng cùng một diện tích đất nhưng diện tích sản xuất mở rộng từng năm nhiều hơn, lượng phân bón, thuốc hóa học tăng gấp 3 lần. Trước 2008, khi chưa tách huyện thì diện tích khoai lang Bình Minh chỉ có 4.300 ha/năm.

Từ đó đến nay đầu tư thâm canh sản xuất, chỉ tính riêng Bình Tân đã tới 10.000 ha/năm. Hơn nữa, với việc sản xuất chạy theo số lượng như hiện nay thì lượng độc hại từ phân bón, thuốc hóa học lại khó mà kiểm soát”.

Bà con sống cặp các dòng sông lớn cũng không ngoại lệ khi thấy nguồn nước ô nhiễm bởi một lượng rất lớn các loại thuốc, thức ăn chăn nuôi cá bè, cá trong ao đều thải trực tiếp ra sông. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều loại chất thải công nghiệp, sinh hoạt,… thải ra môi trường sống một cách thầm lặng, khó kiểm soát.

Theo dự án Điều tra và Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ ra: “Kết quả quan trắc môi trường tại 60 điểm nước mặt và 30 điểm nước thải đô thị vào tháng 3, tháng 4/2010 tại tỉnh Vĩnh Long cho thấy:

Chất lượng nước mặt ở các sông, rạch chính trên địa bàn tỉnh bị ô nhiễm với 5 thông số môi trường là DO (nhu cầu ôxy), Amoni (N-NH3), TSS (tổng chất rắn lơ lửng), Phosphat (PO4) và Coliform (vi sinh), trong đó mức độ ô nhiễm vi sinh khá cao”.

Về chất lượng nước mặt của tỉnh là ô nhiễm, dù chưa đến mức báo động. “Ở các kinh rạch nội đồng chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm do vi sinh. Kết quả phân tích mẫu cho thấy, nước kinh đã bị nhiễm Coliform, Phosphat ở mức độ cao, ô nhiễm nhẹ đối với các chỉ tiêu TSS, sắt, Amoni, Nitrit và DO. Càng vào sâu khu vực nội đồng, mức độ ô nhiễm càng cao”.

Trước sức ép ô nhiễm môi trường, nhu cầu nước sạch nông thôn tăng cao.
Trước sức ép ô nhiễm môi trường, nhu cầu nước sạch nông thôn tăng cao.

Đầu tư mạnh vẫn chưa đáp ứng

Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ (2010- 2015) tỉnh sẽ tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Nhưng từ 2011 trở đi do suy thoái kinh tế nên đầu tư tới năm 2014 là chưa được bao nhiêu.

Do vậy, để thực hiện tiêu chí nước sạch, ngoài thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, UBND và các ngành, các cấp đã tích cực vận động, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư trong năm 2015. Và ước cuối năm nay sẽ đạt mục tiêu, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêu chí nước sạch trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ông Võ Anh Duy- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, bên cạnh chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, các nguồn tài trợ còn có sự thu hút các doanh nghiệp.

 

Báo cáo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường cho thấy: Đến tháng 9/2015, tỉnh đã có 102 trạm cấp nước nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, khai thác. Hiện có 90% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 57% sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN-02, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt 60% hộ sử dụng đạt QCVN-02. So kết quả cuối năm 2010, tỉnh chỉ có 54,4% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 28,4% sử dụng từ trạm cấp nước tập trung. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của tỉnh.

 

Hiện, nước sạch đã kéo đến ở tất cả các xã. Tuy vậy, ông cho biết: “Hàng năm, để gia tăng 1- 2% số hộ sử dụng nước sạch là tương đương mức đầu tư rất lớn”. Theo ước tính từ chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, từ năm 2012 đến cuối năm nay, tổng nguồn vốn thưc hiện lên đến con số trên 254,8 tỷ đồng.

Do đó, dù đã đầu tư mạnh nhưng hiện còn nhiều nơi người dân có nhu cầu bức thiết. Ông giải thích:

“Do kinh phí hàng năm còn phải chi cho các công tác khác như duy tu, bảo dưỡng, đặc biệt là nâng cấp nhà máy nước. Đầu tiên chỉ có thể nâng cấp công suất nhà máy tập trung, chứ đường ống chính để mở rộng ra khu vực có nhu cầu, ở xa nhà máy thì chưa có kinh phí để kéo, phải làm từng bước. Vốn có hạn nên sẽ giải quyết những nơi bức thiết nhất trước. Đặc biệt là tập trung cho nông thôn mới”.

Chính vì vậy, khi về các địa phương, nhiều nhà máy nước đã nâng cấp công suất cao nhưng cũng chưa thể đáp ứng nước đến được nhà dân.

Đưa chúng tôi một danh sách, anh Trần Minh Hùng- cán bộ thủy lợi Phòng Nông nghiệp- PTNT Tam Bình nói: “Nhiều nhà máy nước được nâng cấp công suất, nếu mở rộng sẽ đảm bảo cung cấp gần như toàn bộ cho dân. Tuy nhiên, tới 85km đường ống chính cần đầu tư, tức tương đương con số 17,6 tỷ đồng. Sau vài năm đề nghị mới đầu tư được 1 hoặc 2km, nên nhu cầu hiện nay còn rất nhiều”.

Ngoài ra, tại xã Nhơn Bình (Trà Ôn), nơi nước sạch đạt tỷ lệ thấp nhất tỉnh (17%) lại có thêm cái khó. Do nâng cấp máy cũ lên công suất cao mà chưa có vốn kéo đường ống nên sử dụng chưa hết công suất. Theo Luật Đầu tư công, nếu nhà máy cũ không hiệu quả thì không thể xây thêm nhà máy mới. Bởi vậy, khó chồng thêm khó.

Trước kỳ vọng chưa được đáp ứng, hiện ở nông thôn “nhà nào nghèo thì 1- 2 lu xi măng (loại 2- 2,5m3), còn khá giả thì xây tới gần nửa chục. Như nhà của tui nè, có bốn người mà xây 4 lu xi măng lớn và 6 kiệu để trữ nước mưa, còn mấy cái lu nhỏ thì bơm nước sông lên để sinh hoạt. Xài nước mưa nhín lắm, chỉ để dành cho ăn uống hết mùa khô, còn hết nước mưa phải mua nước bình nấu ăn”- ông Bánh bày tỏ.

>> Kỳ tới: Nâng tỷ lệ có kèm chất lượng?

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT NHI