Đào tạo nghề nông thôn: Chưa bám sát nhu cầu thực tế

Cập nhật, 14:39, Thứ Năm, 23/05/2013 (GMT+7)

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn, giảm áp lực rời quê lên các đô thị kiếm sống, đang được ngành chức năng ở các tỉnh, thành ĐBSCL quan tâm. Mỗi năm toàn vùng có đến hàng chục ngàn người được đào tạo nghề, song thực tế số người tìm được việc làm rất ít, chưa tương xứng với mục tiêu đặt ra.

Học xong... bỏ hàng loạt

Những năm gần đây, phong trào cơ giới hóa nông nghiệp phát triển rầm rộ, nên sản xuất lúa, thu hoạch lúa… được làm bằng máy móc, vì thế số lao động nông nhàn ở nông thôn ngày càng tăng. Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội các tỉnh, thành ĐBSCL, tỷ lệ phụ nữ, thanh niên… ở nông thôn không có việc làm còn khá nhiều, do đa phần không nghề nghiệp.

Vì vậy, đào tạo nghề đang trở thành nhu cầu bức bách đặt ra. Chị Dương Thị Mạnh, ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ), bộc bạch: “Gia đình có 5 miệng ăn nhưng chỉ canh tác 1 công ruộng nên túng thiếu quanh năm. Những năm trước, tới vụ thu hoạch lúa, cả nhà đi cắt thuê kiếm được 200.000 đồng/ngày, nay thu hoạch lúa bằng máy khiến nông dân thất nghiệp. Nghe chủ trương đào tạo nghề miễn phí nên rất mừng. Giữa năm 2006, tôi đăng ký học lớp đan thảm vải, thời gian 1,5 tháng. Học xong, chẳng có cơ sở nào nhận vào làm. Cùng đường nên chạy ra chợ Cờ Đỏ tìm mua vải vụn về đan thảm bỏ mối cho một số chợ nông thôn với giá 20.000 đồng/thảm. Đan thảm hơn tháng thì không ai mua nên phải bỏ nghề”.

Nhiều phụ nữ nông thôn ĐBSCL học nghề đan đát, nay không làm được do tắc đầu ra.

Cũng hăm hở đi học nghề, chị Nguyễn Thị Thủy, ở xã Đông Thắng đăng ký học 2 lớp đan thảm vải và đan lục bình. Xong 2 lớp học, chị được một vài hợp tác xã ở Hậu Giang cung ứng nguyên liệu để đan thùng, đan khuôn… phục vụ xuất khẩu. Tiền công 1 thùng 10.000 đồng, ai đan giỏi được 2 thùng/ngày.

Dù mức thu nhập khiêm tốn, nhưng hy vọng duy trì việc làm lâu dài nhằm có tiền mua gạo. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng thì các HTX rút lui do thị trường tiêu thụ bế tắc. Không còn việc làm, trong khi phải nuôi 2 con nhỏ, thế là chị Thủy bàn với chồng gửi con cho mẹ trông coi, 2 người kéo nhau lên TP.Hồ Chí Minh làm phụ hồ kiếm sống.

Cũng ở xã Đông Thắng, chị Đào Thị Cẩm Tú, học 2 lớp đào tạo nghề do huyện Cờ Đỏ tổ chức. Do sản phẩm nông thôn như đan thảm vải, đan đát… làm ra không tiêu thụ được, nên chị đành bỏ nghề, bỏ quê, chạy ra Cần Thơ tìm việc khác.

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Thắng nhìn nhận thời gian qua đã mở rất nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn. Mỗi người học được cấp tiền ăn 10.000 đồng/ngày, thuê địa điểm 300.000 đồng/khóa, cộng với tiền trả cho giáo viên và các khoản chi khác cũng kha khá.

Song, thực tế buồn là hầu hết chị em học xong đều thất nghiệp, không theo nghề được, nhiều chị phải khăn gói lên TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông làm thuê kiếm sống.

Chuyện đào tạo nghề nông thôn hàng loạt để rồi không tìm được việc làm cũng đang phổ biến ở nhiều nơi khác. Chị Huỳnh Ngọc Mai, ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, đã từng học một số nghề như may mặc, đan lờ, lọp… nhưng chỉ làm một thời gian thì phải bỏ vì sản phẩm khó tiêu thụ.

Theo Hội Phụ nữ xã Phú Quới, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), trung bình mỗi năm đào tạo 2 lớp dạy nghề nông thôn như đan lục bình, nấu ăn… Hiện tại, đan lục bình bị mai một dần do đầu ra thu hẹp, trong khi nấu ăn cũng khó làm được, chủ yếu phục vụ trong gia đình.

Chú trọng chất lượng, hiệu quả

Theo Ban chỉ đạo đề án đào tạo nghề lao động nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong 3 năm qua (2010-2012), các địa phương trong tỉnh tổ chức 643 lớp, với 19.238 lao động nông thôn được học nghề. Riêng năm 2013, mục tiêu Hậu Giang đặt ra là tiếp tục đào tạo nghề cho 8.000 lao động nông thôn.

Vĩnh Long lên kế hoạch đào tạo nghề khoảng 17.000 lao động; TP.Cần Thơ đào tạo hơn 5.700 lao động; các tỉnh khác cũng nỗ lực đào tạo từ 4.000- 8.000 lao động mỗi năm…

Có thể nói, trong điều kiện người dân nông thôn ĐBSCL tay nghề thấp, tỷ lệ chưa qua đào tạo còn nhiều, số lượng lao động nông nhàn ở nông thôn ngày càng tăng… nên việc dạy nghề để tạo việc làm cho người dân là vấn đề vô cùng cấp thiết, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người trăn trở là hiệu quả của chương trình đào tạo nghề chưa cao, thậm chí có nơi gây lãng phí về kinh phí và cơ sở vật chất…

Ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, đào tạo nghề nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu định hướng lâu dài, chưa gắn với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xă hội, cũng như phát triển nông thôn mới của địa phương.

Một số nơi còn đào tạo theo chỉ tiêu, số lượng, dẫn đến chất lượng thấp. Tới đây, Hậu Giang siết chặt đào tạo phải chất lượng, hiệu quả, chứ không theo số lượng. Tỉnh yêu cầu các địa phương khi đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của xã hội…

Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, không chỉ lao động nông thôn mà hiện tại Đồng Tháp có hơn 2.000 sinh viên đại học ngành sư phạm đã tốt nghiệp ra trường mà chưa tìm được việc làm.

Đây là hệ lụy của việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế. UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng rà soát cụ thể nhu cầu lao động, phối hợp chặt với các trường để việc đào tạo nghề tới đây đúng đối tượng, đúng với nhu cầu việc làm đang cần, tránh lãng phí nhiều mặt.

Để việc đào tạo nghề nông thôn đi vào thực chất, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL đề xuất: “Hiện tại các trung tâm thuộc Sở NN&PTNT, rồi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Trung tâm Khuyến công… mỗi nơi đều có chương trình đào tạo nghề khác nhau. Từ đó không loại trừ khả năng xảy ra chồng chéo.

Thậm chí xảy ra trường hợp 1 gia đình nhưng “vợ - chồng - con” đều đi học nghề do họ là thành viên của hội phụ nữ, câu lạc bộ khuyến nông… Trong khi một số hộ cần thiết khác thì không được học nghề. Vì vậy, cần có sự liên kết trong đào tạo nghề, tránh việc chạy theo chỉ tiêu, thành tích…”.

Là người trực tiếp gắn bó với người dân nông thôn, chị Phạm Thị Bé Năm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Long, huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), cho rằng: Thời gian qua, ở các xã cứ 1 năm được cấp trên giao chỉ tiêu mở 2 lớp dạy nghề với 60 học viên.

Nghề học loanh quanh như may công nghiệp, đan đát, đan lục bình, thảm, vải, kết cườm… đào tạo xong bỏ nghề hàng loạt, do sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Từ bài học này, cần mạnh dạn thay đổi cách đào tạo nghề, không nên chạy theo số lượng, mà cần đi vào thực tế nhu cầu thị trường, có dự báo ngắn hạn, dài hạn…

Nghề nào xã hội cần, thị trường cần thì đào tạo. Học viên học xong phải gắn việc làm với tổ hợp tác, hợp tác xã… để tiêu thụ sản phẩm. Khi nào sản phẩm có thị trường ổn định thì đào tạo nghề nông thôn mới đạt hiệu quả cao.

Theo Đồng Tháp Online