Phim "bố già"chạm đến trái tim qua những thông điệp về gia đình

Cập nhật, 06:12, Thứ Bảy, 13/03/2021 (GMT+7)

 

“Bố già” tái hiện cuộc sống của xóm lao động nghèo trong một con hẻm Sài Gòn.
“Bố già” tái hiện cuộc sống của xóm lao động nghèo trong một con hẻm Sài Gòn.

(VLO) Từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát, đã lâu lắm rồi mới lại chứng kiến cảnh người ta “rồng rắn” chen chúc nhau xếp hàng mua vé xem phim. Sau 4 ngày khởi chiếu, “Bố già” của Trấn Thành đạt 100 tỷ đồng, trở thành bộ phim Việt đạt mức doanh thu này nhanh nhất ở thời điểm hiện tại. Thấu hiểu, chắt chiu từng lát cắt trong cuộc sống gia đình, bộ phim chạm đến trái tim khán giả qua những thông điệp đầy sâu sắc.

Thông điệp sâu sắc về gia đình

“Bố già” tái hiện cuộc sống của xóm lao động nghèo trong một con hẻm Sài Gòn. Phải hiểu Sài Gòn lắm mới tạo nên “rặt” cái chất Sài Gòn từ bối cảnh đến những con người bao dung, rộng rãi, ồn ào và cũng rất… tào lao.

Ở “Bố già”, có một người cha yêu thương con hết lòng, đến nỗi bị cho là bao đồng, nhiều chuyện. Cũng có một người con ngỗ nghịch, chỉ muốn sống theo cách riêng của mình. Không phải là bộ phim xuất sắc, không có nhiều diễn viên gạo cội, cũng không có nhiều đầu tư về kỹ xảo nhưng bộ phim chạm đến trái tim khán giả ở những tình tiết gần gũi.

Tình tiết phim thuật lại những gì có trong cuộc sống, chạm được đến tâm người xem, ở lại sâu trong đó từ cách mà những người thân ruột thịt đối xử với nhau, cách họ đối diện với biến cố, với sinh tử cuộc đời. Vỡ òa, có lẽ sự bộc phát của nắm đấm quá thật đến nứt xương trong cảnh họp mặt gia đình lúc 4 giờ sáng khiến người ta rơi nước mắt vì Quắn.

Cách mà người cha thốt lên câu chửi thề “vì tao thương mày”. Và cả những người họ hàng mà trước giờ chúng ta vẫn nghĩ rằng chỉ muốn moi tiền, móc bóp mình... Tình yêu thương đôi lúc lại thường được gói bởi một lớp vỏ bọc xấu xí. Khán giả tìm thấy sự tương đồng với những khoảnh khắc nào đó của cuộc đời mình, ít hoặc nhiều.

Có khán giả viết: “Tôi không cần biết phim hay hoặc dở về nghệ thuật điện ảnh, tôi chỉ cần biết “Bố già” đã chạm đến trái tim tôi khiến tôi khóc trong rạp. Tôi chỉ cần biết xem xong “Bố già” tôi rất nhớ bố mình, và đúng là tôi chưa bao giờ chụp ảnh chung với ông ấy”.

Có thể với những mối quan hệ khác, bạn là đứa nói nhiều, nhưng với gia đình, bạn lại thật kiệm lời. Bởi tiếng yêu, chữ thương để nói ra với những người mình yêu thương nhất thực sự rất khó. Mỗi người sẽ có một hoàn cảnh, câu chuyện riêng, không ai giống ai và không có gia đình nào là hoàn hảo.

Chỉ có sự yêu thương, bao dung mãi mãi còn đó- khi trở về nhà. Bộ phim đọng lại lời nhắn nhủ: “Chúng ta có rất nhiều thời gian, còn bố mẹ thì không. Xin lỗi cha mẹ khó lắm nhưng nói được thì dễ thương vô cùng”...

Coi phim để thấy mình, cha mẹ mình, anh em mình, làng xóm mình và muốn làm những điều tốt đẹp hơn trước giờ chưa làm được, đó là yêu thương bố mẹ, gia đình nhiều nhất khi còn có thể.

Với sự góp mặt của một biên kịch người Vĩnh Long

Biên kịch Hồ Thúc An (trái) và biên kịch Nhi Bùi. Ảnh từ đoàn làm phim
Biên kịch Hồ Thúc An (trái) và biên kịch Nhi Bùi. Ảnh từ đoàn làm phim

Anh Hồ Thúc An (quê gốc ở TX Bình Minh) tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và công tác trong ngành xây dựng. Cho đến khi tham gia “workshop Nhà biên kịch tài năng 2017” của CGV đạt giải ba thì anh theo đuổi nghề biên kịch cho đến hôm nay.

Anh từng tham gia nhóm biên kịch phim truyền hình “Tiệm ăn dì ghẻ” năm 2019. Đến năm 2020, “Bố già” là đứa con tinh thần mang lại niềm vui lớn với anh.

Anh Hồ Thúc An chia sẻ: “Từ mong muốn của Trấn Thành muốn làm phim điện ảnh “Bố già” về tình cảm gia đình cha con trong xóm lao động nghèo, anh Nhi Bùi và tôi đã cùng nhau phát triển và đề xuất một số đường dây câu chuyện cho Trấn Thành chọn lựa, đến quá trình viết kịch bản chi tiết thì nhóm biên kịch ngồi họp thường xuyên với Trấn Thành cùng dàn diễn viên, để cân chỉnh chi tiết và lời thoại.

Có thể nói do cơ duyên của Trấn Thành mà “Bố già” đã tập hợp được ê kíp phù hợp cho một phim gia đình đậm chất Việt Nam.

Thật thú vị khi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (đạo diễn phim “Khi con là nhà” 2017) và biên kịch Nhi Bùi (biên kịch và sản xuất phim “Thưa mẹ con đi” 2018) đều từng tham gia những dự án điện ảnh về gia đình trước đó không lâu”.

Anh Thúc An tâm đắc nhất là tạo hình của nhân vật ông bố Sang: “Nhìn ngoại hình rất giống ba tôi khoảng 10- 15 năm trước. Tôi nghĩ khán giả xem phim này cũng sẽ nhìn thấy được mình và gia đình trong đó”.

Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên bàn về việc biên kịch là tháng 6 năm rồi. Sau 5 bản treatment, 10 bản script thì kịch bản “Bố già” được sản xuất, và đến nay đã tưng bừng ra rạp sau một thời gian dài hoãn chiếu. Thật mừng vì phim đã có sức sống tốt… Cảm ơn “Bố già”- một món quà đặc biệt cho mình vào đầu thập kỷ mới”.

PHƯƠNG THƯ

Các tin khác: