Truyện ngắn

Ngưu Thời

Cập nhật, 06:23, Chủ Nhật, 07/03/2021 (GMT+7)

(VLO) Xóm Phong Nẫm mà Giỏi ở kể từ khi nghe phong thanh sẽ mọc lên nơi đây trường đại học dân lập, người tìm về mua đất ngày một nhiều. Nếu có trường đại học, bét đi nữa thì với mấy ngàn sinh viên lui tới trọ ở, học tập, sinh hoạt cũng kéo cái “rê.đê.pê” của xóm nhích dần lên và sẽ phồn thịnh mấy hồi.

Nơi đây tuy dáng vẻ ngoại ô, thôn quê, thuộc góc khuất của thành phố, nhưng từ ngày có đường mà tráng nhựa đàng hoàng mở băng qua hóa lại gần trung tâm hơn một số nơi khác.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Miếng đất của Hai Lắm cạnh nhà Giỏi đâu chừng hai trăm mét vuông dùng làm chuồng trâu, trước mươi triệu không ai rớ, giờ bán được bốn mươi triệu ngay tắp lự. Nếu Giỏi có tiền mua được thì rất hay. Bởi “liên cư liên địa”, có nhiều cái lợi.

Để người lạ dọn đến, thuận thì chớ rủi láng giềng xích mích, lại đâm ra khó ở cả đời. Một anh thợ hồ quèn như Giỏi, bỗng cái đào đâu ra số tiền bốn mươi triệu bán cần, bán gấp như “nước sôi đổ háng” của Hai Lắm? Đành chịu!

***

Người mua đất Hai Lắm, láng giềng mới của anh bây giờ là Thời. Ba Thời. Cũng dân thành phố và cũng ngoại ô nhưng miệt trên, nhà cửa bị quy hoạch làm khu công nghiệp sao đó nên dạt về đây.

Anh ta làm nghề lái trâu, mánh bò. Nghề này việc chẳng thường xuyên, hơn nữa gần thành phố ít trâu bò nên anh ta đi suốt. Nghe đâu Ba Thời cũng rành về thuật phong thủy và cả nghề tướng số nữa. Nhưng cái chính vẫn nghề mua bán trâu, vì thấy những người tìm nhà hay gọi anh là “Ngưu Thời”.

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Những tháng mới về, gia đình hai bên cũng thơm thảo, láng giềng tốt với nhau. Giai đoạn Ba Thời mới cất nhà, là thợ hồ, Giỏi đã giúp anh biết bao nhiêu là việc. Có những việc đáng công xá nhưng Giỏi chỉ làm giùm.

Vì không lấy tiền công nên sau những lần vậy, Thời lại mua ít mồi, rượu gì đó, hai anh em lai rai. Các bữa cơm thường ngày, nhà này có món ngon bưng qua, nhà kia được thức lạ bê lại. Hai nhà đối xử nhau như bát nước đầy.

Tình láng giềng cứ êm đẹp như vậy cho đến một ngày. Ấy là lúc Giỏi xây cái toa-lét nhà mình nơi cuối góc đất. Sự bất hòa nổ ra. Nổ ra vì hai phần ba vị trí cái toa-lét lại “tọa” phía bên đất Thời.

Tuy nằm vậy nhưng thật ra chỗ đất đó là thuộc quyền sở hữu của Giỏi. Hai Lắm cũng đã xác nhận như vậy. Thời thì cho rằng hai người lập lờ, “xăng tăng” nhau để gạt anh ta, để Hai Lắm bán lần nữa cho Giỏi lấy tiền đút túi.

“Tao nhà phong thủy đây! Nếu biết đất “đầu voi đuôi chuột” vầy, có cho tao cũng không thèm lấy, chớ đừng nói… bốn mươi triệu!” Sự hiểu lầm này là do Hai Lắm và Ba Thời.

Lắm muốn sớm bán được đất nên lập lờ, còn Thời thì không hỏi ranh giới đến nơi đến chốn. Giờ Hai Lắm thì ở xa, chỉ Giỏi láng giềng sát nách nên… lãnh đủ.

Ác cái, Giỏi xây toa-lét lại đúng vào lúc Thời mua trâu bò gì đó vắng nhà, nên anh ta càng nghi. “Đất của mày sao lựa lúc tao vắng nhà mới xây? Đừng thấy tao thiệt thà, đàng hoàng rồi… toa rập với nhau…”. “Ôi… thiệt thà cũng thể… lái trâu… !”- vợ Giỏi cũng đốp chát không kém.

Toa-lét Giỏi nằm về phía cuối đất của hai bên. Ba Thời có toa-lét ngay trong nhà, nhưng từ ngày Giỏi xây lên, cả gia đình Thời cứ ra bên hông nó mà tiểu, đái.

Riêng Thời, vì ghét vợ Giỏi gọi là… “lái trâu” nên cứ nhè lúc cô vào toa-lét là anh ta cứ đứng đái bên ngoài, tất nhiên là phía mé đất của mình.

“Hôm qua chở con nhỏ trễ giờ học cũng tại cái thằng chả! Tui vào, lão đái tồ tồ như trâu cả nửa tiếng bên ngoài, ai dám ra”.

Vì có theo đòi tướng số nên Ba Thời cũng là người đặc biệt tin vào can mạng, thời vận. Gần đây kể từ dạo hai nhà xích mích, mỗi khi rời nhà đi mánh mun trâu, bò, Ba Thời thường gọi lớn thằng Tèo, con trai lão khoảng mười hai mười ba tuổi: “Ra đóng cổng! Ba Thời đi đây nghen con!

Tao mà đi khỏi rồi, chỉ có nước ăn mày!” Thằng con Ba Thời thuộc loại lì lợm, mất dạy có hạng, cha nó nói thế cũng cười toe toét. Giỏi đem điều này ra nói với giáo Thanh bên kia đường, vì Tèo cũng vừa xin vào học ở lớp của thầy.

Giáo Thanh nghe, tủm tỉm cười: “Thằng chả nói kháy mà anh không biết đó thôi”. “Kháy gì? Hắn nói với con hắn…”. “Có hắn gọi anh bằng con thì có! Anh có biết câu “Ông thời đi khỏi thì ông giỏi cũng chẳng làm gì” không ?” “Á… à… thì ra là thế…”, Giỏi bực tức kêu lên.

Tin vào thời vận, số má hay không là quyền của anh ta, nhưng bố ai chịu nổi kiểu xỏ xiên, xách mé như vậy! Cách nói chọc của hắn đến… kiến trong lỗ cũng phải bò ra!

“Ba Thời đi rồi đây nghen con!” Sáng nay câu nói to của anh ta và tiếng thằng Tèo cười hăng hắc khiến Giỏi bực cả mình, xây đường gạch nào võng vẽo đường gạch đó.

Vậy còn đỡ, lúc Ba Thời say lên, lại càng khó chịu. Tối hôm kia, lão Hải phường trong đến đặt khoán cho Giỏi làm cái nhà bếp. Họ đang ngồi bàn chuyện thì Ba Thời trúng mánh bò trâu gì đi nhậu tiếp “tăng hai”, ngang cổng nhà anh lè nhè nói vọng vào “Nói cho mà biết, Thời đi rồi nghen Giỏi!”

Không biết có phải “thời” mình đi thật không, tự nhiên cò kè một lúc, lão Hải lại ngãng ra cái nhà bếp mà nếu lãnh, Giỏi cũng kiếm được “chút cháo”. Giờ chẳng lẽ mình lại làm đơn xin đổi tên vì tay láng giềng ba trợn này?

***

Sự “xách mé, xỏ xiên” sát nách nhà cứ thế mà “rền” mãi cho đến một buổi chiều. Lúc ấy Giỏi đang làm cỏ vạt bắp ở nà sông. Ba Thời ra kêu con đem trâu về. Ngót tuần nay, anh ta có mua về cặp trâu.

Trong khi chờ bán, Tèo ngoài giờ học phải chăn trâu ăn. Chắc có người mua chờ, nên Ba Thời điểm roi qua bên kia bờ gọi con về cách rất nóng nảy.

Do mấy tối qua bão về, mưa nguồn nên giờ nước sông xuống mỗi lúc một lớn, lên lé đé, phả bờ và chảy cuồn cuộn. Con trâu thằng Tèo đang cưỡi về giữa sông, chẳng hiểu nhột lưng hay phởn chí bỗng lặn hụp xuống dưới dòng nước.

Tèo thét lên và tiếp theo là tiếng la làng “Bớ… ai cứu giùm con tui…!” của Ba Thời. Giỏi ngẩng lên thì lũ đã cuốn phăng thằng bé theo dòng nước, chỉ lòi có bàn tay chới với trên bọt nước đục ngầu.

Cả hai cha con Thời đều không ai biết bơi! Giỏi vội quăng cuốc, phóng bơi theo. Phải mất một lúc lâu chống chỏi với cơn lũ quét điên cuồng chảy và nương theo thế nước, anh mới đưa được thằng Tèo vào phía bờ dưới kia. Khi Giỏi làm hô hấp nhân tạo nó vừa thở được, Ba Thời cũng vừa chạy đến nơi.

Anh ta mặt tái mét, cắt không còn giọt máu, rơm rớm nước mắt nói với Giỏi:

- Hôm nay là ngày Ngưu kỵ. May mà có anh Giỏi, hông thì…

Giỏi vuốt nước mặt cười:

- Cũng may, chớ nếu anh Thời đi khỏi, Giỏi này chắc chẳng… làm gì được đâu!

Thời nghe vậy, vội ôm lấy Giỏi vỗ vỗ vào lưng:

- Thôi mà…! Ông… tha lỗi cho mình! 

LÊ NGUYÊN NGỮ

Các tin khác: