"Về Nhơn Mỹ ngắm mỹ nhơn"

Cập nhật, 06:18, Chủ Nhật, 07/03/2021 (GMT+7)

(VLO) Sinh thời, ba tôi là thầy giáo, mê văn chương, khảo cứu nên ông có rất nhiều truyện ngắn, kịch ngắn, thơ, tản văn, bài biên khảo, bài báo,… đăng ở nhiều tạp chí, nguyệt san, tờ báo văn nghệ, báo Đảng từ Trung ương đến địa phương.

Ba tôi còn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, ông có hai câu thơ thật ấn tượng trong làng văn là: “Văn chương chuyện ấy hỡi ơi. Tấc lòng roi lại ngàn đời dễ đâu”.

Quê ba tôi ở vùng cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới- An Giang) nổi danh với câu ca dao: “Bao phen quạ nhắn với diều/ Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá, tôm”.

Huyện Chợ Mới có 14 xã và 2 thị trấn mang những địa danh Long Điền A, Long Điền B, Long Kiến, Long Giang, Kiến An, Kiến Thành, Nhơn Mỹ, Mỹ An, Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ, Mỹ Hội Đông, Bình Phước Xuân, An Thạnh Trung, Hòa Bình, thị trấn Mỹ Luông và thị trấn Chợ Mới. Nhớ về ba, “nhớ thương mùi tết” tôi xin được kể về những ký ức xưa mà tôi đã từng chứng kiến và còn nhớ tới giờ.

Lúc bấy giờ, ba tôi có rất nhiều bạn bè, bằng hữu là các giáo viên, nhà báo, văn nghệ sĩ… Đặc biệt, ba tôi có 3 người bạn rất thân ở 2 xã Kiến Thành, Nhơn Mỹ và thị trấn Mỹ Luông. Họ thường hay họp mặt, đàm đạo chuyện văn chương, thơ phú…

Mỗi tháng, 4 người họ họp mặt một lần vào đêm rằm và đêm 30. Trong lúc trà dư tửu hậu, ba tôi thường kể những câu chuyện rất vui và những câu đố tục, giảng thanh…

Hồi nhỏ, tôi thường theo ba nên có nghe qua không ít mẩu chuyện mà tới nay vẫn còn nhớ như in. Ví dụ như câu đối rất hay từ 2 địa danh “Thủ Đức” và “Gò Công”. Ba tôi nói: “Trai Thủ Đức năm canh Thức Đủ/ Gái Gò Công vừa Gồng-vừa Co”

Hay, ở nước Đức có ông Hitler- ông này “vừa hít vừa le”- nhưng vẫn còn thua ở nước ta có bà Phùng Há- bà này “vừa phùng vừa há” mới ghê chứ…

Có lần, vào đêm giao thừa, bên mâm trà, dĩa bánh mứt… ba tôi nói chuyện vui vẻ với 3 người bạn thân rằng ba tôi chơi thân với các ông bởi những lý do rất đơn giản: Ông này quê ở xã Mỹ Luông (lúc bấy giờ Mỹ Luông còn là xã chưa nâng lên thị trấn) phải không? Thân với ông thì khi “đến Mỹ Luông được tặng Muỗng Ly”.

Còn ông này ở xã Kiến Thành thì tôi không lo. Bởi, “dân Kiến Thành không có Thành Kiến”.

Riêng ông anh ở xã Nhơn Mỹ thì rất hay. Bởi, khi “đến Nhơn Mỹ thì sẽ ngắm được nhiều Mỹ Nhơn”…

Sau khi dứt tràng cười ngặt nghẽo, bỗng người bạn của ba tôi đưa ra câu đố: …Mấy ông đều biết, hồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở vùng Đồng Tháp Mười có rất nhiều đìa, bàu, bưng, trấp, lung, láng,… Các cô giao liên, du kích thường chống xuồng vượt qua các đìa, bàu, lung, láng,… để làm nhiệm vụ tiếp đạn, tải lương, đưa thư cho bộ đội. Vậy tôi đố các ông bạn câu này nhé:

“Chống xuồng em vượt qua lung

Quần em lỡ tuột anh hun chỗ nào?”

Hai ông bạn ở xã Mỹ Luông và xã Kiến Thành đang ngơ ngác, moi tim- moi óc để tìm câu trả lời thì ba tôi từ tốn hỏi: “Vậy chớ ông muốn tôi trả lời “tục” hay trả lời theo kiểu văn chương thơ phú”.

Ba ông bạn của ba tôi đều đồng thanh: “Trả lời cả hai”.

Ba tôi từ tốn trả lời theo kiểu văn chương là:

“Hun em hun tận má đào

Quần em lỡ tuột (anh) cắm sào nghỉ ngơi”

Cả 3 người vừa vỗ đùi cười to- vừa nói: “Hay, hay quá…”

Ông bạn ở xã Mỹ Luông sau khi cười xong liền nói: “Còn câu trả lời khác là gì vậy… ông giáo?”

Ba tôi vui vẻ trả lời: “Dễ ợt, mấy ông nghe nè!”

“Quần tuột thì phải mặc vào

Kẻo không anh thấy chỗ nào cũng hun”

Lại một trận cười giòn giã hòa lẫn với âm thanh của tiếng pháo nổ đì đùng, đì đẹt cùng với tiếng trống múa lân… giữa thời khắc giao thừa, năm cũ bước qua, năm mới đã tới… Ba tôi và những người bạn cùng bắt tay nhau và trao nhau những lời chúc mừng năm mới khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc…

Ký ức về ba tôi, về những nhớ thương mùi tết năm xưa là vậy đó…

TRẦN TRỌNG TRUNG

Các tin khác: