Truyện ngắn

Muộn

Cập nhật, 10:23, Thứ Hai, 27/06/2016 (GMT+7)

Trong một dịp tình cờ tôi đã biết đến quán cà phê ấy như một cô gái e thẹn, điệu đà. Nó nằm khuất vào trong, ẩn mình sau hàng cây xanh mướt.

Không gian phối gỗ với gam màu ấm, trên tường là những bức tranh độc đáo, trong đó có cả tranh của Salvador Dali. Góc tôi thích nằm nép vào bờ tường, sát chậu cây, góc nhìn ra cửa kính.

Những buổi chiều khi thấy cảm xúc của mình rơi xuống đáy tôi lại ghé qua nơi này, ngồi yên để lắng nghe những giọng hát nhẹ nhàng, ngắm nhìn từng chiếc lá rung rinh theo cơn gió, chiêm nghiệm về mọi thứ.

Ở quán cà phê ấy có một người quản lý trông hoang dại, đối lập với nét yêu kiều cổ kính của quán. Tôi thích ngắm nhìn cô, từng sợi tóc bạc bờm xờm, cắt theo một cái mốt của thời thập niên 60. Với tôi, cô là tượng trưng cho sự đối lập, cho hoang dã.

Cho tất cả những gì dịu dàng ẩn chứa phía sau một sự phá cách. Thỉnh thoảng tôi lại liên tưởng tới hình ảnh của một con hổ nhẹ nhàng bên bạn tình, ưỡn cái lưng dài mè nheo, nũng nịu. Mỗi lần phát hiện cô nhìn lại mình, tôi lại mỉm cười, tôi và cô- bỗng nhiên có một sự gắn kết kỳ lạ.

Trong một buổi tối vắng khách, cô đến ngồi ở bàn tôi. Điếu thuốc trên môi cô nhuộm mắt một màu khói. Cô hỏi:

- Em là nhà văn đúng không?

- À, dạ… một nửa.

- Chị thấy em rất hay viết gì đó. Liệu em có thể viết cho chị một câu truyện không?

- Em là giáo viên. Nhưng nếu chị muốn, em sẽ viết.

Quán hôm đó dặt dìu nhạc Phú Quang, giọng hát Ngọc Anh đang tha thiết với bài “Gửi một tình yêu, gửi đôi mắt”. Tôi thấy chị ấn mình sâu vào ghế, chìm vào một vùng trời lãng quên. Giọng chị nhẹ hẫng như một người vừa về từ cõi khác. Chị mở cho tôi một vùng ký ức lạ lẫm, ướt đẫm khao khát của một người đàn bà.

***

Cô ôm thằng nhóc trong tay, đôi mắt nó to, tròn xoe, trên mũi nó có một nốt ruồi son đỏ thẫm. Mẹ nó đang loay hoay với đống hồ sơ trên bàn, quay sang bảo:

- Ngọc! Em mang bé ra ngoài. Nó ồn quá chị không tập trung được!

Cô lặng lẽ bế thằng bé hơn 20 tháng tuổi ra sân, thả nó bên cạnh cái hàng rào trắng. Nó vịn vào một cây hoa hướng dương, đứng chững rồi nhìn cô cười khúc khích. Cái cười của nó xoáy vào lòng cô rát buốt, giá mà con cô còn, có lẽ nó còn lớn hơn cả bé Phúc.

Với tất cả sự mất mát, cô dồn sự thương yêu của mình cho thằng bé con chủ. Nó cần sự chăm sóc của một người mẹ! Phụ nữ, ai cũng yêu con, nếu không vì một sự bất đắc dĩ nào đó, chẳng ai muốn quay lưng với đứa con mà mình mang nặng.

Đứa con không thành hình của cô chắc cũng không nỡ trách cô, bởi nó hiểu, một cô bé mồ côi mười sáu tuổi không thể sinh nó ra và nuôi nó khôn lớn một mình được.

Gương mặt về người đàn ông cô mơ đến đầu tiên trong đời lại hiện lên, xương xẩu, buồn buồn. Mái tóc hơi lưa thưa với một lớp vàng phủ bên trên vì sương gió dường như rất ít khi chải.

Nó vẫn thường nhìn ông qua hàng cây cau vua trước cửa, ông ôm đứa con gái, chơi đùa, đặt nó lên đùi rồi cạ hàng râu lún phún của mình vào mặt, vào mũi nó khiến nó cười khanh khách.

Vợ ông bệnh chỉ nằm một chỗ, bà nhìn chồng và con qua cửa sổ, mỉm cười. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của một gia đình đủ ăn trong cái xóm nghèo khiến cô ao ước. Mẹ cô lúc nào cũng chật vật với gánh tàu hủ nước đường, những buổi tối ngồi gọt gừng, bà vẫn thường hay khóc khi nghe tiếng cười bên gia đình kia vọng lại.

Rồi bà thở dài: “Con vợ ốm yếu như vậy, chắc không lâu, rồi cũng có người như mẹ con mình,…”. Cô ngồi ngoài hiên, nhìn sang cánh cửa khép hờ còn hắt chút ánh sáng. Đôi chân của người vợ thò ra khỏi mền, tái xanh gợi cho cô một cảm giác rờn rợn.

Mười sáu tuổi, cô thèm có một người đàn ông trong nhà, đỡ dùm đôi quang gánh của mẹ, sửa lại hộ miếng vách vừa bung, đóng lại cây đinh trên miếng tôn vừa tốc sau trận gió tối. Người đàn ông cô mơ ấy có khuôn mặt giống y chang người đàn ông kế bên nhà.

Ông ấy dịu dàng và trí thức. Cô vẫn thường hỏi ông vài bài tập khó hay một chữ Anh văn không biết đọc.

Rồi đột nhiên một ngày, mẹ cô bảo dọn nhà lên thành phố, để tiện cho việc học của cô. Ngày cô dọn đồ, cả gia đình nhà bên ấy ra cửa đứng nhìn, ai cũng buồn. Cô ngồi trên thùng xe tải, giơ tay vẫy: “Rảnh con về thăm cô chú”…

Khu nhà ở mới của hai mẹ con nằm trong một khu phố dành cho người thu nhập thấp. Nói là thu nhập thấp nhưng cũng có khối người dư tiền. Họ đa phần là công chức. Mẹ bảo: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, mẹ chọn mấy chỗ rồi, mới tìm được chỗ này. Tốt cho con!”

Sau hai tháng làm quen với môi trường mới, hình ảnh người đàn ông trong mơ của cô bắt đầu thay đổi. Gương mặt bây giờ mang dáng dấp của một giáo viên. Thầy ấy sáng, chiều đi dạy, chiếc áo sơ mi lúc nào cũng phẳng phiu, gọn ghẽ. Giọng của thầy nghe thật hiền. Nụ cười hiếm hoi của người đàn ông ấy bao giờ cũng khiến lòng cô xốn xang:

- Em quanh quẩn trong nhà thôi, đừng ra ngoài, lạc không biết đường về, nghe!

Đôi mắt người đàn bà bỗng một phút mất đi vẻ lạc thần khi nắm tay chồng. Những phút giây hiếm hoi bà cười tỉnh táo sau vụ tai nạn 4 năm trước khiến thầy hạnh phúc.

Có những đêm, cô nằm mơ thấy mình là người đàn bà tâm thần đi lạc, ngồi khóc rấm rứt dưới góc cây, chờ chồng đến rước về. Giật mình dậy thấy ướt cả gối.

Mẹ cô mất khi cô vừa biết mình mang thai. Gánh tàu hủ của bà tung tóe trên đường còn bà thì nằm dưới lườn xe tải. Bà vừa đi vừa mông lung nghĩ ngợi về cái thai hoang của đứa con mười sáu tuổi. Đứa con của cô lúc đó nếu được sinh ra chắc cũng có gương mặt xương xẩu, buồn buồn như ba nó.

Cô gặp lại người đàn ông đầu tiên mình nghĩ đến trong một chuyến về thăm quê, lúc đó vợ ông vừa mất. Ngay giây phút ông đổ ập vào người cô, đặt hàm râu lún phún của mình lên mặt, lên ngực cô, một cảm giác hạnh phúc khó tả tràn lấn.

Cô tưởng tượng mình là đứa con gái nhỏ của ông, đang đùa giỡn cười khanh khách trong một buổi chiều nắng vừa tắt.

Nhưng rồi khi bàn tay ấy lấn sâu xuống hơn nữa, mạnh bạo hơn nữa trên bờ ngực chõm cau, có cái gì đó xé toạc cơ thể thì cô bật khóc.

Hình ảnh về người đàn ông mơ ước chỉ toàn mang đến niềm vui và hạnh phúc vỡ tan. Tiếng thở hổn hển của ông pha với ráng chiều, nhuộm hoang dại màu đỏ loang lổ trên bắp đùi cô, rát buốt.

- Xin lỗi. Tôi… tôi không cố ý. Chỉ vì tôi say quá!

Giọng người đàn ông lạc hẳn khi tỉnh dậy sáng hôm sau. Khi cô biết mình có thai, quay lại một lần nữa thì ông đã dọn nhà đi mất. Những cú sốc đến một cách dồn dập, liên hồi như đốn ngã tấm thân gầy gò của cô gái trẻ.

Cô tự đưa mình đến một phòng khám tư, bẩn thỉu để chối bỏ cái sinh linh đang tượng hình. Cô thấy mình vừa đánh mất đi hết cả những gì quan trọng nhất.

***

- Ngọc ơi! Bế em vào cho ăn cơm đi!

Cô giật mình, ở ngoài cửa tiếng kèn xe inh ỏi. Cô vừa bồng thằng bé, vừa chạy ra mở cổng. Chiếc Camry màu đen từ từ lướt vào. Ông chủ nhà trạc 40 tuổi sang trọng đón lấy đứa con vừa bồng vừa hôn trên gương mặt đầy bông sữa của nó. Cô lặng lẽ xách chiếc cặp cho ông, đi vào nhà.

Gương mặt của ông chủ nhà hao hao nét tri thức của thầy, ở ông có cái gì đó cách xa thế giới của cô đang sống. Nhưng ông vẫn rất đỗi dịu dàng và nhã nhặn với mọi người, kể cả cô. Cô những nghĩ cuộc đời mình đã sang một trang khác với công việc ổn định.

Sự bươn chải không mệt mỏi với một niềm tin về tương lai thắp lên trong lòng cô sinh viên năm hai những điều mơ mộng. Cô có bạn trai. Bạn trai cô có điều kiện kinh tế rất tốt, rồi đây cô sẽ có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Hai mươi tuổi, cô bắt đầu gom góp mảnh vụn sau cơn áp thấp nhiệt đới thứ 3. Cơn áp thấp ấy mang màu nụ cười mãn nguyện nhưng có phần nhàu nhĩ của ông chủ có gương mặt của thầy.

- Cô không còn trinh à?

Ông móc ví đưa cho cô một ngàn đô la, rồi bảo:

- Cô cũng biết rồi đó, vợ tôi yêu công việc hơn tôi. Nếu cô biết im lặng, thì cuộc sống của cô từ nay đến khi ra trường không phải lo nữa.

Cô không gật, cũng không lắc. Xấp tiền rơi rớt trên giường. Cô cảm thấy khó khăn khi rời khỏi căn nhà này. Thằng bé Phúc quấn cô hơn quấn mẹ.

Và chị Quyên thì yêu thương cô như một đứa em gái. Cô sống trong nhà mặc cảm tội lỗi như một con chiên trót trộm đồ của Chúa. Cứ mỗi lần nghe Quyên nhắc đến chuyện ngoại tình của ai đó là lòng cô lại giật thót, giống như đang đi trong rừng, đột nhiên nghe tiếng gầm gừ của một con beo.

Một tháng. Hai tháng. Một năm.

Thời gian cứ thế trôi.

Cứ mỗi buổi chiều Quyên vắng nhà, ông chủ nhà trí thức tranh thủ về sớm để kịp ôm nghiến lấy cô, cởi vội chiếc quần, đè sấp xuống bất cứ khoảng không nào ông vớ được cô trong nhà.

Vài phút sau, ông ta lại chỉn chu trong bộ đồ vest như cũ, cầm lấy tờ báo, ngồi ở phòng khách chờ cô pha cà phê. Những phút giây ấy đối với cô như địa ngục.

Cô nhận thấy từng giọt đàn bà, từng giọt trinh nguyên của mình rơi ra theo từng giọt nước mắt. Cô thấy có lỗi với người yêu. Cái người tôn trọng và yêu thương cô ấy, anh ta thậm chí còn chưa dám sờ vào bầu ngực cô.

Sinh nhật bốn tuổi của bé Phúc. Nhà hàng chật kín người. Người ta vây quanh chúc tụng một gia đình hạnh phúc, chung thủy.

Nụ cười phớt của gã đàn ông lướt qua cô, giễu cợt, bí hiểm. Cô lẫn vào đám đông, một bàn tay lôi cô vào góc. Cô nhìn gương mặt quen thuộc của người yêu, tự nhiên thấy lòng ngực như vỡ ra, nước mắt tự động lăn dài.

- Con quen Ngọc à?

Ông chủ cô hỏi. Giọng người yêu cô yếu ớt:

- Dạ. Cậu!

Cô bắt gặp cái nhếch môi của gã đàn ông. Ai đó mở cửa sổ, một làn gió thổi tốc vào. Tất cả im lặng, chỉ có tiếng gió vi vu rít bên tai.

“Xin lỗi em. Có lẽ chúng ta ngừng. Gia đình anh không thể chấp nhận một cô gái như em”.

Tin nhắn của người yêu đến cùng lúc với cơn tam bành của Quyên. Cô xách vali ra khỏi nhà. Ánh nhìn của Quyên hằn học, uất nghẹn khi bé Phúc giơ tay về phía cô gào thét.

Cô xin được một suất học bổng du học. Tất cả quá khứ lùi về phía sau. Giờ cô làm cho một công ty nước ngoài.

Tất cả số tiền cô làm ngày làm đêm ở Mỹ đủ để cất một quán cà phê nhỏ nằm trong góc khuất của thành phố. Quán cà phê mang tất cả sự điệu đà, dịu dàng của một người phụ nữ không thể để lộ điều đó ra ngoài.

Trong giấc mơ mỗi đêm, hình ảnh của mẹ, của những người đàn ông, của đứa con xinh như thiên thần quấn lấy cô, lôi cô về một vùng trời xa lắc.

Những khi ấy cô lại nhắn cho người đàn ông đeo đuổi cô suốt mấy năm ở Mỹ một cái tin: “Khó ngủ quá. Đến đây một tí. Được không?” Anh ta đến đơn giản chỉ đến quấn lấy nhau, giải phóng bớt một phần năng lượng để cô có thể chìm vào giấc ngủ. Cô bảo: sau lúc ấy cô không còn sức lực để lê bước trong giấc mơ, trên những con đường quá khứ nữa…

***

- Chị không yêu ai nữa sao?

- Yêu? Không. Chị không thể mở lòng với ai. Chị mệt mỏi với những người đàn ông.

- Còn cái người kia?

- Tụi chị cần nhau. Vậy thôi.

- Nhưng phụ nữ cần một mái ấm, chị ạ!

- Chị không biết. Nhưng chị chưa dám nghĩ đến một ngày anh ấy lấy vợ. Thôi thì tùy duyên…

***

Tôi vẫn đều đặn đến quán, vẫn quan sát chị, vẫn nghe đời nghiêng một phía chênh chao từ những bài nhạc chị chọn.

Tôi biết trong tâm hồn ấy vẫn khao khát một người đàn ông cho riêng mình, nhưng khi một người đàn bà đã tổn thương quá nhiều, thường thì họ sẽ giữ lòng mình lại rất chặt, họ sợ khi lộ ra những suy nghĩ thì người khác lại có cơ hội xé nát trái tim họ thêm một lần nữa.

Rồi bỗng một ngày, khi đến quán tôi chỉ nhìn thấy người đàn ông của chị. Anh ta ngồi bên cái gạt tàn đầy ắp những điếu thuốc dở dang. Giọng anh ta run run khi bảo tôi:

- Cô ấy đi rồi. Đi trước khi gửi lại cho tôi một tin nhắn.

Anh ta chìa cái điện thoại về phía tôi, từng dòng chữ nhấp nháy: “Hoặc là anh đi. Hoặc em đi. Bởi em sợ ở cạnh nhau thêm nữa thì em sẽ yêu anh mất. Nhưng em biết, em đã đuổi anh rất nhiều lần anh vẫn ở cạnh em. Nên lần này…em đi…!”

Tôi nhìn lên bức tranh của Salvador Dali, cái sa mạc khô cằn trong bức tranh tôi nhìn mỗi ngày ấy đột nhiên xuất hiện vài cây cỏ lạ. Nó xanh mướt một màu tường, màu của dây leo trong quán. Tôi đẩy điện thoại về phía người đàn ông.

- Anh đến mộ mẹ chị ấy thử xem. Phụ nữ vẫn thường đến mộ người thân khi người ta đau buồn, thất vọng nhất.

Anh ta nhìn tôi một phút. Rồi cầm lấy chiếc điện thoại, lao đi.

Tiếng cảm ơn của anh ta lọt thỏm vào khoảng không, hòa với bài hát “Tình yêu tuyệt vời” của Đức Trí làm không gian trở nên ấm áp. Cô bé phục vụ thay cho tôi ly nước đá, mỉm cười:

- Bữa nay bà chủ vắng, em đổi nhạc. Chị thấy sao?

Tôi nhìn cô bé trìu mến:

- Bản nhạc hay lắm em. Chị thấy thật hợp khung cảnh.

Cô bé nhìn tôi khó hiểu. Tôi ngước nhìn ra vạt nắng ngoài sân, tưởng tượng ra những giọt nước mắt của người phụ nữ đã quá nhiều tổn thương, mệt mỏi.

Hãy cứ yêu đi chị, bởi trong đời, phải mất rất lâu ta mới có thể tìm được một người yêu thương mình thật sự. Cuộc đời đôi khi rất công bằng, nó đã lấy đi quá nhiều khát khao và hạnh phúc của chị khi trẻ và bây giờ, nó sẽ trả hết- kể cả lãi cho chị khi đã đi qua tuổi mộng mơ…

TRẦN HOÀNG MỸ