Chúng ta muốn hòa bình!

Cập nhật, 07:06, Thứ Tư, 30/04/2014 (GMT+7)

Những ngày này, người dân Việt Nam đang sôi nổi tham gia các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 39 năm Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng, khép lại hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Trong suy nghĩ của nhiều người nước ngoài, khi nhắc đến Việt Nam là nghĩ đến “chiến tranh”. Điều đó cũng đúng nhưng soi lại chiều dài lịch sử đất nước, cả dân tộc phải gồng mình trong liên miên chiến tranh để bảo vệ chủ quyền chính đáng trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại quan điểm hòa hiếu của Việt Nam trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”:

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”, nhất quán với những gì Người từng nói, rằng: “Nếu chúng ta không đạt được bằng phương pháp ôn hòa thì chúng ta không ngần ngại hành động quyết liệt để trả thù nhà, nợ nước và để chen vai, thích cánh với năm châu”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tướng trận thiên tài. Nhưng, trên hết, ở vị tướng lỗi lạc ấy là tâm niệm thường trực về hòa bình và nền độc lập dân tộc. Sinh thời, ông ký tặng sách với tên gọi “Đại tướng vì hòa bình”, thường nhắc lại rằng “Tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình, nếu không có chiến tranh thì có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo”.

Sau ngày 30/4/1975, non sông đã liền một dải cứ tưởng “hòa bình” đã mỉm cười với Tổ quốc bốn ngàn năm kiên cường. Nhưng “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”, biên giới Tây- Nam và phía Bắc đất nước bị kẻ thù xâm lấn. Biên giới đất liền tạm yên, biển Đông dậy sóng, máu chiến sĩ hải quân ngã xuống bảo vệ Trường Sa…

Mỗi năm, đến ngày tháng 4 lịch sử, hàng chục triệu công dân nước Việt nghĩ về ngày thống nhất, nghĩ về ngày hòa bình nhưng ngày hòa bình vẫn chưa thật sự bình yên trên lãnh thổ
Việt Nam.

Nghĩ về ngày thống nhất, thật sự mong có những ngày hội non sông hàng năm để tất cả đồng bào ta được nói, được nghe, được sống trong không khí không có gì có thể khuất phục chúng ta “cất cánh bay lên”. Cũng cần nhớ rằng, chúng ta không giàu, không mạnh, đất nước chúng ta khó có thể giữ toàn vẹn lãnh thổ cho con cháu chúng ta muôn đời sau.

Và nguồn lực lớn nhất của một quốc gia là con người, nhưng nó chỉ trở thành nguồn lực mạnh nhất khi mọi người đều được góp tay, góp sức xây dựng đất nước.

AN ĐIỀN