Thủy lợi "thuận thiên"

Cập nhật, 09:30, Thứ Tư, 13/03/2024 (GMT+7)
 
Hầu hết kinh, rạch được nạo vét theo hiện trạng, giúp tăng khả năng tiêu thoát, vừa khai thác đất đào để đắp đê bao ngăn lũ, triều cường, làm đường giao thông.
Hầu hết kinh, rạch được nạo vét theo hiện trạng, giúp tăng khả năng tiêu thoát, vừa khai thác đất đào để đắp đê bao ngăn lũ, triều cường, làm đường giao thông.

Tháng 11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, còn được gọi là nghị quyết “thuận thiên”, mang đến một tầm nhìn mới về phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tỉnh Vĩnh Long, sau hơn 6 năm thực hiện nghị quyết này, đầu tư hạ tầng đồng bộ, trong đó có thủy lợi (TL) đã có bước điều chỉnh, bổ sung đáng kể nhằm đảm bảo cho các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nói riêng, kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung.

Trong những năm gần đây, người dân ĐBSCL đã và đang phải gánh chịu những hệ lụy do tác động tiêu cực của BĐKH- nước biển dâng: khí hậu, thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường hơn, không theo quy luật nhất định, sản xuất và đời sống người dân gặp nhiều rủi ro, thiệt hại do thiên tai, dịch họa gây ra.
 
Chính vì vậy, phải có TL để hạn chế những tác động gây hại đó, để chế ngự lũ lụt, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn… nhằm đảm bảo cho các hoạt động sản xuất của người dân diễn ra không ngừng, an toàn trước thiên tai, dịch họa. 
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, để ĐBSCL phát triển bền vững theo hướng “thuận thiên” thì chúng ta phải “thích nghi có kiểm soát” bằng việc linh hoạt thực hiện lồng ghép 2 giải pháp công trình và phi công trình trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH trong vùng.
 
Ông từng nói, đối với ĐBSCL phải đầu tư theo tinh thần “không hối tiếc”, tức là trước khi đầu tư vào đồng bằng, trong đó có đầu tư TL thì phải tính toán rất kỹ, nếu không sau này sẽ không phù hợp, vì tiến trình BĐKH ở khu vực này nhanh hơn những gì chúng ta đang dự đoán.
 
Trước đây các công trình TL thường chỉ phục vụ mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt để sản xuất lúa, còn các công trình TL hiện nay chúng ta không ngăn mặn, giữ ngọt mà làm theo hướng điều tiết mặn, ngọt. Lúc nào cần mặn thì có nước mặn, lúc nào cần ngọt thì có nước ngọt.
 
Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP theo tinh thần phát triển “thuận thiên”, Vĩnh Long đã có bước điều chỉnh, bổ sung đáng kể trong công tác phát triển TL tỉnh nhà nhằm ngày càng đáp ứng sát hơn các yêu cầu về thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH, thiên tai, đảm bảo ổn định sản xuất, dân sinh kinh tế. 
 
Trong đó, tỉnh đã tiến hành thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, xây dựng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý… Hệ thống công trình TL đã từng bước được thay đổi về quy mô, kiến trúc, kết cấu, chất lượng và được tổ chức khai thác, vận hành công trình ngày càng khoa học hơn. 
 
Về quy hoạch, tỉnh đã triển khai lập quy hoạch TL: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng TL tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phê duyệt, công bố năm 2018; Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2025 (trong đó có công tác TL) phê duyệt cuối năm 2023.
 
Trên cơ sở các quy hoạch TL, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đầu tư lớn xây dựng các công trình, dự án nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống TL. Có thể thấy, trong giai đoạn 2018-2023, phát triển “thuận thiên” trên lĩnh vực TL được thực hiện mạnh mẽ nhất trong xây dựng và quản lý, khai thác công trình. 
 
Hầu hết kinh, rạch được nạo vét theo hiện trạng, không mở mặt; nạo vét giúp tăng khả năng tiêu thoát của kinh, rạch, vừa khai thác đất đào để đắp đê bao ngăn lũ, triều cường, làm đường giao thông phục vụ xây dựng NTM.
 
Bờ kinh, rạch bị sạt lở được gia cố hoặc xây kè kiên cố bảo vệ, vừa tăng khả năng chuyển nước của kinh, rạch. Kè xây dựng bảo vệ bờ sông không lấn dòng, không giảm lưu lượng dòng chảy.
 
Vùng đê bao có xu hướng mở rộng từ vài chục, vài trăm hecta lên đến hàng trăm ngàn hecta bằng việc đầu tư đê bao lớn ven các sông lớn và xây dựng các cống lớn tại các cửa sông, nhằm giúp chủ động ngăn triều, ngăn mặn trên vùng rộng lớn; từ đó giảm đáng kể việc đầu tư xây dựng tôn cao đỉnh các công trình TL nhỏ, ngay cả các đường giao thông bộ trong vùng đê bao.
 
Cống được điều chỉnh tăng về quy mô và diện phục vụ; nhiều cống lớn được xây dựng ở các cửa sông, rạch lớn; khẩu độ cống được xây rộng hơn (từ 5-75m, so với trước đây chỉ từ 1,5-3m), giảm đáng kể tác động đến dòng chảy và giao thông thủy qua lại cống. Bên cạnh, các kinh, sông, rạch sau các cống ngăn mặn, ngăn triều được nhiều nơi tận dụng làm hồ chứa, trữ nước trong mùa khô mà không phải xây thêm hồ chứa mới.
 
Vấn đề kết nối giữa công trình giao thông và TL trong phòng, chống lũ, ngăn triều cường, xâm nhập mặn đã được nhiều địa phương thực hiện trong những năm qua. Đặc biệt là công tác quản lý, khai thác vận hành hệ thống công trình TL ngày càng được quan tâm.
 
Bộ máy tổ chức quản lý khai thác công trình TL bước đầu được hình thành từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Các công trình lớn được lập quy trình vận hành và vận hành đáp ứng yêu cầu cơ bản cho các hoạt động trong vùng công trình phục vụ.
 
Bên cạnh vận hành công trình nhằm ngăn triều cường, ngăn mặn, nhiều nơi vận hành công trình vào mùa lũ để xả lũ, ngâm đồng, giúp cải thiện môi trường đồng ruộng, đồng thời lấy phù sa bồi bổ cho đất sau mùa vụ canh tác. 
Công trình thủy lợi trong tỉnh đã từng bước được điều chỉnh về quy mô, kiến trúc và tổ chức vận hành để giảm thiểu thấp nhất tác động đến dòng chảy tự nhiên. Trong ảnh: Công trình cống Tân Dinh.
Công trình thủy lợi trong tỉnh đã từng bước được điều chỉnh về quy mô, kiến trúc và tổ chức vận hành để giảm thiểu thấp nhất tác động đến dòng chảy tự nhiên. Trong ảnh: Công trình cống Tân Dinh.
 
Tuy nhiên phát triển TL trong tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức bởi xu thế BĐKH, thiên tai càng phức tạp, nguồn nước còn chịu ảnh hưởng sâu sắc, khó lường bởi hoạt động khai thác nguồn quá mức ở thượng lưu…
 
Từ đó đặt ra cho ngành nông nghiệp-PTNT tỉnh nhà phải linh hoạt vận dụng lồng ghép các giải pháp công trình, phi công trình để vừa thuận với thiên nhiên, vừa chế ngự các tác động có hại của ĐBKH, thiên tai gây ra nhằm ổn định và phát triển bền vững sản xuất, đời sống của Nhân dân.
 
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống công trình TL có số lượng rất lớn với 405 tuyến đê bao (dài 3.642km), trên 6.000 cống, đập, 17 trạm bơm điện, 16 tuyến kè bảo vệ bờ các sông, kinh, rạch lớn (dài 13,77km) và gần 4.400 tuyến kinh, rạch (dài trên 5.300km). Hệ thống TL hiện có đã khép kín chủ động tưới, tiêu trên 94% diện tích canh tác (tương đương 112.855ha), đồng thời phục vụ đa mục tiêu trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

 

Các tin khác: