Chuyển dịch nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và bền vững

Cập nhật, 05:38, Thứ Ba, 14/07/2020 (GMT+7)

 

Nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Tam Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển vườn cây ăn trái, chú trọng mô hình cam sạch để nhân rộng.
Nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Tam Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển vườn cây ăn trái, chú trọng mô hình cam sạch để nhân rộng.

Với lợi thế là địa phương có diện tích sản xuất lúa và năng suất bình quân cả năm cao nhất tỉnh, diện tích nuôi trồng thủy sản cao nhất tỉnh và diện tích cam sành đứng thứ 2 trong tỉnh, Huyện ủy Tam Bình đã lãnh đạo tạo nên bước đột phá lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng và bền vững.

Tạo đột phá từ chuyển dịch kinh tế nông nghiệp

Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ xã Mỹ Thạnh Trung đã tạo bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế vườn với tỷ lệ diện tích vườn đạt 49,6%.

“Đây là cả một kỳ công lớn đối với xã thuần nông khi mà những năm trước đây đời sống người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa”- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Trung Lê Hoàng An nhận định như thế khi nói về những đổi thay của xã trong nhiệm kỳ qua.

Quy hoạch vùng sản xuất giúp các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, nâng cao giá trị hiệu quả, bền vững.
Quy hoạch vùng sản xuất giúp các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, nâng cao giá trị hiệu quả, bền vững.

Tại xã Bình Ninh, 5 năm trước, có 65% diện tích đất nông nghiệp trồng lúa, còn lại trồng màu và cây ăn trái. Qua vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, đã có 60% diện tích đất nông nghiệp trồng cây ăn trái và hoa màu.

“Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả, xã đã quy hoạch vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp và tuyên truyền để người dân thống nhất và thực hiện.

Đồng thời, phối hợp với các nhà khoa học, các ban ngành để hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, vốn sản xuất. Trong quá trình thực hiện, xã chọn mô hình điểm để bà con thấy được hiệu quả và nhân rộng”- Chủ tịch UBND xã Bình Ninh Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thạnh Trần Văn Bảy, cây ăn trái được xác định là trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vì vậy Đảng ủy xã đã vận động cải tạo 100% vườn kém hiệu quả và trồng mới 30ha, nâng diện tích vườn toàn xã lên 539ha, chủ yếu trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Hiện, xã có 5ha sầu riêng và 15ha măng cụt. Đây là 2 cây trồng được chọn làm sản phẩm đặc trưng của xã trong nông nghiệp để vận động nhân dân sản xuất theo hướng an toàn và từng bước đề nghị huyện chứng nhận sản phẩm OCOP trong giai đoạn tiếp theo.

“Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đòi hỏi người dân phải có tư tưởng đột phá thông qua tác động của địa phương.

Song, phải có nguồn lực, ý tưởng, đam mê và kỹ thuật”- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Huỳnh Văn Y chia sẻ và cho biết thêm- “Một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ xã Hòa Hiệp trong nhiệm kỳ qua là đã chỉ đạo chuyển dịch kinh tế nông nghiệp đúng hướng, diện tích trồng lúa giảm, diện tích trồng màu và cây ăn trái tăng, tạo được các mô hình chuyên canh như: bưởi, cam sành, thanh long…

Bên cạnh, xã Hòa Hiệp còn giữ vững cánh đồng mẫu lớn 7/7 ấp; thực hiện mô hình lúa sạch (1,4ha) và lúa chất lượng cao (400ha).

Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tiếp tục phát triển khá, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm được chú trọng... Nhờ vậy, đến nay hầu hết lao động trong độ tuổi đều có việc làm.

Nông nghiệp là kinh tế trọng điểm

Chúng tôi đến tham quan vườn cam sành đang cho trái oằn cây và nhân công đang tất bật thu hoạch. Ông Võ Văn Sơn (ấp An Hòa B, xã Bình Ninh) cho biết: “Thông qua vận động của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tui đã chuyển 5,5 công ruộng lên trồng cam sành và chỉ trong 2 năm đầu thu hoạch, tui lời được cả tỷ đồng”.

Đến năm 2017, ông đã chuyển hết diện tích đất còn lại lên vườn. Hiện, ông có 2,5ha trồng cam sành. Nhờ cho trái chuyền nên cây phát triển tốt, kinh tế gia đình vươn lên khấm khá và tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

“Trước đây, tui có hơn 20 công ruộng, vụ lúa Đông Xuân, bán có giá lắm chỉ kiếm được khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí lời hơn chục triệu đồng. Còn trồng cam sành thì tháng nào “bèo” cũng kiếm được 70- 80 triệu đồng tiền lời”- ông Võ Văn Sơn cho biết.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Ninh Nguyễn Thanh Tùng, toàn xã có 419ha trồng cam sành, thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 1 tỷ đồng.

Từ hiệu quả đó, xã vận động nhân dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể thông qua việc thành lập 2 tổ hợp tác trồng cam sành VietGAP ở ấp An Hòa A, An Hòa B và thành lập HTX Sản xuất Nông nghiệp Bình Ninh.

Huyện Tam Bình phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đạt 261 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/năm.
Huyện Tam Bình phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đạt 261 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/năm.

Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng cho biết: Huyện ủy xác định kinh tế nông nghiệp là trọng điểm, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển của huyện.

Trong chỉ đạo, dựa trên cơ sở quy hoạch, huyện xác định vùng trồng lúa chất lượng cao, lúa hàng hóa và xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, vừa gia tăng giá trị kinh tế.

Hiện, huyện đã thành lập HTX sản xuất nông nghiệp chuyên sản xuất lúa giống ở xã Hòa Thạnh để cung cấp nguồn lúa giống cho sản xuất lúa trên địa bàn huyện; xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc có gắn kết với Saigon Co.op thực hiện quy trình kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, đem lại giá trị khá hơn so với sản xuất lúa thương phẩm; các xã còn lại thì xây dựng mô hình lúa chất lượng cao gắn kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Huyện ủy còn chỉ đạo những khu vực có điều kiện thì trồng màu theo hướng chuyên canh, màu xen vườn, màu xen lúa (vụ 3). Đối với những nơi trồng lúa không hiệu quả thì chuyển sang trồng màu hoặc lên vườn trồng cây ăn trái.

Huyện ủy cũng quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế vườn, cải tạo vườn kém hiệu quả, trong đó chú ý khôi phục và trồng mới vườn cam sành theo hướng an toàn sản phẩm và phát triển trồng các loại cây ăn trái khác có giá trị như sầu riêng, xoài, bưởi…; đồng thời xây dựng và củng cố các tổ hợp tác và hợp tác xã, góp phần đem lại hiệu quả cho kinh tế vườn.

Đối với những hộ gia đình có điều kiện sẽ phát triển chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân.

Tiếp tục phát huy thành quả nhiệm kỳ qua, Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng cho biết: “Huyện ủy xác định nông nghiệp vẫn là kinh tế trọng điểm, là nền tảng phát triển của huyện”.

Nhiệm kỳ 2020- 2025, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo sản xuất lúa theo hướng hiệu quả, bền vững, gắn kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra; đồng thời nhân rộng các mô hình sẵn có như cánh đồng mẫu, lúa hữu cơ, mở rộng diện tích để nâng cao giá trị.

Huyện ủy cũng xác định, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với từng khu vực, hình thành vườn cây ăn trái theo hướng tập trung chuyên canh và chọn những mô hình hiệu quả để tập trung nhân rộng, củng cố các hợp tác xã góp phần phát triển sản xuất.

Bên cạnh, phát huy hiệu quả trồng màu, nhất là những khu vực đã được quy hoạch đầu tư chuyên canh theo hướng an toàn sinh học, liên kết bao tiêu đầu ra cho nông sản.

Nhiệm kỳ 2020- 2025: Huyện ủy Tam Bình đề ra 3 khâu đột phá, trong đó: tận dụng, phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài huyện, các yếu tố lực lượng sản xuất, tăng cường chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp theo hướng gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Các tin khác: