Chuyến đi thắm đượm nghĩa tình

Cập nhật, 18:24, Thứ Sáu, 28/07/2017 (GMT+7)

Tháng 7, tháng tri ân. Tháng 7, tháng để thế hệ hôm nay tưởng nhớ công ơn của các anh hùng hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, các thương- bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình, tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Xuân- Trần Triều Kang trên đường vô thăm nhà chị Nguyễn Thị Thanh Thúy
Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Xuân- Trần Triều Kang trên đường vô thăm nhà chị Nguyễn Thị Thanh Thúy

Ngày 26/7, đúng 12 giờ 30 phút, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón và Ban Giám đốc (BGĐ) Công ty TNHH Tỷ Xuân đến thăm gia đình các công nhân đang làm việc ở công ty này.

Chuyến đi thật đặc biệt và cũng thật ý nghĩa, bởi lẽ các công nhân này đều là con của các thương binh, thân nhân thờ cúng liệt sĩ, người có công với cách mạng, lại ngay đúng vào vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ.

Công tác “tiền trạm” được công đoàn cơ sở công ty thực hiện rất chu đáo.

Danh sách công nhân được công ty gửi đến cánh nhà báo chúng tôi không chỉ có tên, số thẻ, địa chỉ mà có cả một lịch trình rất cụ thể:

Chị Phạm Thị Mỹ Dung nhà ở Ấp 6B, xã Long Phú (từ Công ty Tỷ Xuân đến đầu lộ 16 đến Chợ Khu, qua cầu Lô 10 quẹo trái 1km, hỏi nhà chú Ba Keo). Chặng đường 20 km, thời gian đến thăm 13h- 14h5’…

Chị Mai Thị Ngọc Bích nhà ở Ấp 8, xã Hòa Hiệp (cầu Lô 10 đến Ngã tư cua Ông Đốc, rẽ trái đến bảng chào xã Hòa Hiệp, rẽ phải vào cầu ông Đệ, qua cầu chợ xã Hòa Hiệp, hỏi nhà thầy Tân). Nhà gần lộ, thời gian đến thăm 14h5’- 14h55’...

Chị Nguyễn Thị  Thanh Thúy nhà ở Ấp 8, xã Hòa Hiệp (chợ xã Hòa Hiệp đi 200m, rẽ trái bảng Ấp 8, qua cầu đi bộ, hỏi nhà Vũ Lâm. Thời gian đến thăm từ 15h30’- 16h5’….

Chị Phạm Thị Thân nhà ở Long Hòa, Lộc Hòa (bảng chào xã Hòa Hiệp qua cầu Lộc Hòa), thời gian đến thăm 16h15’- 17h15’,...

Chị Dung, chị Bích đều có cha là thương binh hạng 4/4. Chị Thúy thờ cúng cha chồng và 2 người cậu đều là liệt sĩ. Chị Thân thờ cúng mẹ chồng là Mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong số các gia đình Bí thư Tỉnh ủy và BGĐ công ty đến thăm chỉ có 1 gia đình ở “mặt tiền”, các gia đình còn lại muốn đến được nhà phải đi bộ một đoạn đường khá xa.

Thời tiết thuận lợi, không mưa tầm tã như những ngày trước nhưng cái nắng chói chang giữa trưa, cộng với sự di chuyển liên tục, dù thấm mệt nhưng các thành viên trong đoàn đều vui vẻ, bởi quan trọng là “phải tranh thủ đúng giờ để các gia đình khỏi trông”.

-Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Trung tặng quà cho công nhân Phạm Thị Thân.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Trung tặng quà cho công nhân Phạm Thị Thân.

Tại các gia đình, Bí thư Tỉnh ủy ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống, gia đình của công nhân, động viên các chị phát huy truyền thống của cha anh, luôn phấn đấu làm tốt trách nhiệm với gia đình và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người công nhân nơi nhà máy.

Đồng chí cũng vui mừng với sự quan tâm của công ty trong việc xem xét hỗ trợ “Mái ấm Công đoàn” để các công nhân không chỉ có việc làm, mà còn có được mái nhà khang trang, ấm áp để có thể “an cư lạc nghiệp”.

Chính sự thân thiện, chân tình của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các thành viên trong Ban giám đốc công ty làm cho cuộc viếng thăm trở nên thân tình, ấm áp.

Những trái dừa sau vườn, những chùm chôm chôm vừa hái bên hè hay những trái chuối già luộc bình dị cũng trở nên ngọt, thơm đến lạ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai nghèn nghẹn nói không nên lời, chỉ ngắn gọn “ gia đình con vui lắm khi được các cô, chú anh, chị đến thăm”.

Chị Phạm Thị Thân thì bảo: “Được  các cô chú lãnh đạo đến thăm, mừng quá trời quá đất. Phải chi mẹ chị còn sống chắc mẹ cũng mừng lắm”.

Chú Phạm Văn Keo- thương binh 4/4- là cha của chị Phạm Thị Dung cũng không giấu sự xúc động: “ Hôm nay có Bí thư Tỉnh ủy và Tổng Giám đốc công ty đến thăm nhà, thiệt không có gì vui hơn. Xin trân trọng ghi nhận sự quan tâm này”.

Ông Trần Triều Kang- Tổng Giám đốc công ty là người Đài Loan, dù không rành tiếng Việt nhưng qua lời của biên dịch cũng hiểu hơn tình hình đời sống công nhân, những đóng góp của gia đình những công nhân này cho độc lập, tự do của dân tộc.

Chúng tôi vẫn còn nhớ nụ cười thật tươi của ông và các thành viên trong đoàn khi đến thăm mái ấm của chị Phạm Thị Thân, nghe chị kể chuyện tình yêu của mình với anh chồng hơn mình 11 tuổi…

Có thể nói, những lời thăm hỏi, động viên hay một nén nhang thắp cho người đã khuất dẫu rằng không thể bù đắp được những hy sinh, mất mát quá lớn lao nhưng từ những nghĩa cử này cũng thấm đẫm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: ANH PHONG