Thảo luận dự án Bộ luật hình sự: Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Cập nhật, 19:03, Thứ Năm, 27/10/2016 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến các điều luật cần sửa đổi, bổ sung.

Hai trong số những nội dung được các đại biểu quan tâm là quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự hay không và việc giám định hàm lượng chất ma túy.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, dự thảo luật được thể hiện theo hướng quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng .

Theo quy định này, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không bị xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Theo một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH), quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đơn vị tỉnh Đồng Tháp) phân tích, trẻ em ở tuổi 14 đến 16 thực sự là chưa hoàn thiện nhân cách. Đây là giai đoạn thích nổi loạn, thích thể hiện mình và cũng là một giai đoạn rất dễ bị kích động dẫn đến những hành vi thiếu suy nghĩ.

Chính vì vậy, ở tuổi này chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định những hành vi của mình. Đồng tình quan điểm trên, ĐBQH Tô Văn Tám (đơn vị tỉnh Kon Tum) đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp xử lý, giáo dục khác, ví dụ như các biện pháp giáo dục đưa vào trường giáo dưỡng để ngăn ngừa, như thế đảm bảo tạo điều kiện cho tương lai của các em trong quá trình phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ lại quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (đơn vị tỉnh Đắk Lắk) cho rằng xu hướng trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng, đáng chú ý nhiều vụ án hình sự về tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện.

Do đó, cần phải có những giải pháp thích hợp để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tình trạng người chưa thành niên phạm tội.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đơn vị tỉnh Nghệ An) cho rằng, chúng ta dựa vào việc thực hiện quyền trẻ em để thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với một số hành vi phạm tội của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi là không thuyết phục.

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, xu hướng phạm tội ngày càng trẻ hóa, tăng mạnh, manh động, rất liều lĩnh, nhất là tội phạm về ma túy, giết người cướp tài sản.

Chúng ta phải biết rằng, số trẻ em phạm tội chỉ là thiểu số trong xã hội, hành vi của họ rất nguy hiểm cho xã hội.

Do đó, phải răn đe, ngăn ngừa, phải xử lý nhưng xử lý nhẹ hơn, tạo cơ hội cho họ tiến bộ thì tôi đồng ý chứ không thể tha bổng và bỏ lọt quá nhiều tội phạm như vậy.  

Một trong các nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là việc bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật quy định rõ cần phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.

Thảo luận tại hội trường, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định này. ĐBQH  Bạch Thị Hương Thủy (đơn vị tỉnh Hoà Bình) cho biết thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng, công an, kiểm sát và tòa án chưa có sự thống nhất về quan điểm để áp dụng việc thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy.

Đại biểu đồng ý với ý kiến là không quy định xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy trong trường hợp phạm tội có khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Thế nhưng, cần quy định rõ trong Bộ luật hình sự về tính hàm lượng để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy đối với các trường hợp cụ thể.

Theo ĐBQH Phạm Hồng Phong (đơn vị tỉnh Hậu Giang), nếu không có giám định hàm lượng chất ma túy để làm căn cứ xét xử thì sẽ dẫn đến oan sai. Vì vậy, đối với tất cả trường hợp nào cũng phải giám định.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với quy định này. ĐBQH  Nguyễn Thị Thủy (đơn vị tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, quy định áp dụng bắt buộc phải giám định để xác định hàm lượng muýtúy tinh chất là không phù hợp và chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn.

Nếu như quy định như của dự thảo thì phải chăng tới đây chúng ta sẽ phải áp dụng hai cách tính. Đó là với những vụ án không thu được ma túy thì sẽ tính theo khối lượng ma túy mà đối tượng khai nhận.

Còn đối với những vụ án thu được ma túy thì lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất rút ra từ số ma túy thu giữ được. Đại biểu cho rằng đây là mâu thuẫn lớn nhất đến thời điểm hiện nay dự thảo chưa hề tính tới.  

Theo một số ĐBQH, việc quy định mức định lượng như thế cho phù hợp để làm cơ sở định tội, định khung hình phạt thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tính khoa học, vừa đảm bảo tính chặt chẽ, không bị lợi dụng, xử lý tùy tiện và đảm bảo công bằng cho người phạm tội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là một bộ luật lớn rất quan trọng, là công cụ để đấu tranh phòng, chống tội phạm của nhà nước ta cũng là bộ luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Với nhiều ý kiến còn khác nhau, Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại để trình ra Quốc hội tại kỳ họp lần sau.   

TÂM- HUỲNH