Làm giàu nhờ cần cù, chịu khó

Cập nhật, 09:07, Thứ Sáu, 25/12/2015 (GMT+7)

Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn mà anh Nguyễn Văn Tài (xã Long An- Long Hồ) đã phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Với mô hình nuôi ba ba, mỗi lứa bán, anh thu nhập vài trăm triệu đồng.

Nhờ chịu khó làm ăn và không ngại vươn lên anh Tài đã đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên.
Nhờ chịu khó làm ăn và không ngại vươn lên anh Tài đã đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tài tại hội nghị tuyên dương thanh niên có mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới cụm Đồng bằng sông Tiền năm 2015. Dù là lần đầu trò chuyện nhưng anh rất nhiệt tình và thân thiện. Anh khiêm tốn: “Thật tình tôi chẳng giỏi làm kinh tế đâu, chỉ thấy mình phải chí thú làm ăn để đưa kinh tế gia đình ngày càng khá hơn thôi”.

Anh cho biết, trước đây sau khi học hết lớp 11, anh nghỉ học để phụ gia đình làm kinh tế. Thế nhưng sau đó anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự, anh quyết tâm về quê làm kinh tế, lập thân lập nghiệp trên đất quê hương.

Trở về quê với 7 triệu đồng trong tay, anh mua chiếc xe làm phương tiện đi lại, còn lại 1,5 triệu đồng anh mua ba ba về nuôi. Anh cho biết: Thời đó còn khó khăn lắm, vốn ít lại không có diện tích để chăn nuôi.

“Được cha mẹ cho mượn ao hồ nên tôi mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng để đầu tư nuôi ba ba. Lúc đó ở quê chưa ai nuôi ba ba nên thấy tôi nuôi mọi người trong xóm cho rằng “bộ đội về quê nuôi ba ba coi chừng công sức bỏ biển”. Thế nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ mình đã quyết định rồi thì phải nuôi cho bằng được”- anh cho biết.

Thế là anh bắt tay sửa sang ao hồ để nuôi ba ba. Hàng ngày, anh bắt ốc về làm thức ăn cho ba ba. Khi rảnh, anh lại chạy xuống tận miệt Duyên Hải (Trà Vinh) để mua cá vụn về làm nguồn thức ăn thêm. Anh cũng thường xuyên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để nuôi sao cho hiệu quả. Theo anh, nuôi ba ba rất dễ, không tốn công chăm sóc chỉ cần chuẩn bị ao hồ chu đáo, nguồn thức ăn đầy đủ là ba ba sẽ lớn nhanh. “Thế nhưng thời gian thu hoạch thì hơi lâu từ 1,5- 2 năm. Mình phải kiên trì thì mới cho hiệu quả cao”- anh cho biết.

Sau vụ bán đầu tiên thu được vài chục triệu đồng anh đã dùng số tiền ấy để tiếp tục mở rộng mô hình. Nhờ chịu khó làm ăn mà đến nay anh đã mở rộng thêm quy mô 3 ao nuôi với hơn 800 con đực, cái và 1.000 ba ba nhỏ. Với giá hiện tại từ 200.000- 250.000 đ/con, tính ra mỗi lứa bán anh thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng.

Tận dụng thời gian rảnh, anh còn nuôi thêm 5 con bò nái và nuôi thêm 1.500 con vịt chạy đồng mỗi năm. Bởi theo anh, thanh niên phải chí thú làm ăn và biết làm kinh tế giỏi thì mới có ích cho địa phương.

Nhờ cần cù, ý chí vươn lên mà anh đã xây nhà ra riêng và mua được thêm 5 công ruộng, vườn. Hiện tại anh còn chuẩn bị mua thêm vài công ruộng nữa. Với anh, đó là kết quả của sự chịu khó và không ngại khó khăn. “Nếu mình quyết tâm và cố gắng làm bất cứ việc gì sẽ thành công. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng để đưa kinh tế gia đình ngày càng khá hơn”- anh chia sẻ.

Tại hội nghị tuyên dương mô hình thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới cụm Đồng bằng sông Tiền năm 2015, Trung ương Đoàn đã khen thưởng 30 thanh niên tiêu tiểu, trong đó Vĩnh Long có 5 thanh niên được tuyên dương. Anh Nguyễn Văn Tài là điển hình tiêu biểu được tuyên dương.

 

 

Bài, ảnh: CẨM HUỆ