Giáo dục lòng yêu nước qua hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Cập nhật, 22:04, Thứ Sáu, 28/07/2023 (GMT+7)

 

Giáo viên, học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt chuẩn bị bữa cơm với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ở.
Giáo viên, học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt chuẩn bị bữa cơm với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ở.
Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), các trường học trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
 
Đi để nghe, hiểu biết và tri ân
 
Ngoài phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ở (huyện Tam Bình) hàng tháng, ngày Thương binh Liệt sĩ hàng năm, Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) còn tổ chức cho giáo viên, học sinh đến thăm hỏi, nấu bữa cơm nghĩa tình tại nhà mẹ.
 
Cùng người thân của mẹ chuẩn bị bữa cơm, cùng ăn cơm và nghe mẹ kể chuyện ngày xưa. Về chiến tranh,… nó khổ lắm, gian nan lắm; về sự hy sinh, mất mát của mẹ khi chồng và con trai lần lượt ra đi,… Những câu chuyện mẹ kể đã giúp tuổi trẻ hiểu hơn về chiến tranh, khơi dậy ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.
 
Em Trương Minh Triết- học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt, bày tỏ: “Được tham gia các hoạt động em cảm thấy xúc động và ý nghĩa. Em rất biết ơn đối với các gia đình mẹ Việt Nam anh hùng về sự hy sinh, gian khổ của ông cha. Qua những câu chuyện đó, em thấy lịch sử thật hay và em tự hào vì những điều cha ông làm được.
 
Dịp này, Trường THPT Lưu Văn Liệt còn đến xã Tường Lộc (Tam Bình) thăm gia đình liệt sĩ Lưu Văn Liệt. Qua những câu chuyện kể của ông Lưu Văn Mười- anh trai của anh hùng liệt sĩ Lưu Văn Liệt, các em học sinh càng hiểu rõ và tự hào hơn về ngôi trường mình đang theo học.
 
“Tiếng bom Lưu Văn Liệt” không chỉ là bài hát hay những trang sử vàng của người thanh niên mới 15 tuổi đã giác ngộ và tham gia cách mạng. 21 tuổi anh dũng hy sinh, quyết tử với quân thù miệng còn hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm” trước lúc hy sinh.
 
Năm 1967, liệt sĩ Lưu Văn Liệt được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
 
Được đi đến nơi, được mắt thấy, tai nghe và cảm nhận, học sinh sẽ hiểu hơn và càng ý thức hơn những bài học trên lớp. Các em được tiếp cận trực tiếp với lịch sử, với sự hy sinh của ông cha đổi lấy hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc. Những bài học ấy sẽ giúp học sinh cảm nhận và tự nâng cao ý thức và làm tốt nhiệm vụ học tập của mình và sống xứng đáng hơn.
 
Đền ơn, đáp nghĩa
 
Ngoài những tiết học giáo dục truyền thống trên lớp, nhiều trường phổ thông còn tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Qua đó, giáo dục cho học sinh lòng biết ơn, truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Từ đó nâng cao lòng yêu nước, khát vọng cống hiến nỗ lực để xây dựng quê hương.
 
Những hành động nhỏ như chỉnh trang, làm đẹp, thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ,… là dịp để học sinh Trường THPT Vĩnh Long góp chút sức mình để nơi an nghỉ của các chú, các anh được tươm tất, trang nghiêm.
 
Đứng trước những phần mộ liệt sĩ chưa biết rõ thông tin hay những tấm gương hy sinh khi tuổi vừa đôi mươi, hay ngôi mộ tập thể vì không xác định được danh tính từng người nữa,… lòng biết ơn của các em vì thế càng sâu sắc hơn, hiểu thêm và trân quý hơn giá trị của hòa bình mà ông cha ta dày công xây dựng.
 
Ngồi trước một phần mộ liệt sĩ chưa biết rõ thông tin, em Trần Thị Thanh Hồng- học sinh Trường THPT Vĩnh Long, chia sẻ: “Lần đầu tiên em đến chăm sóc nghĩa trang và dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ, em thấy ý nghĩa lắm. Em thấy trong lòng biết ơn những gì mà các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để có được nền độc lập cho nước nhà. Em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành một người công dân có ích cho đất nước.
 
Đang dọn dẹp lá cây rơi rụng gần đó, Nguyễn Kiến Quốc- cùng là học sinh Trường THPT Vĩnh Long, bày tỏ: “Có những người hy sinh khi còn rất trẻ, thật anh hùng. Em rất xúc động vì các bác đã dành cả tính mạng của mình, cho quê hương đất nước. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để tiếp tục bảo vệ phát triển đất nước.
 
Những câu chuyện bên bàn trà về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Lưu Văn Liệt.
Những câu chuyện bên bàn trà về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Lưu Văn Liệt.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cống hiến và sự hy sinh của các thế hệ đi trước vẫn luôn sáng mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Thông qua những phần việc nhỏ, ý nghĩa mà các trường học tổ chức giúp cho học sinh nâng cao lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm trong học tập, nỗ lực phấn đấu để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. 
Thầy Phạm Việt Sơn- Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Lưu Văn Liệt, chia sẻ: “Chúng tôi luôn quan tâm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa cho học sinh; thông qua các hoạt động như thăm gia đình chính sách, thăm mẹ Việt Nam anh hùng. Những hoạt động đó giúp học sinh hiểu hơn sự hy sinh của thương binh, liệt sĩ và nhớ ơn những người đi trước”.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN