Bạn trẻ xây dựng kế hoạch cho tương lai

Cập nhật, 15:48, Thứ Sáu, 17/02/2023 (GMT+7)
Bạn trẻ xây dựng kế hoạch cho tương lai
Bạn trẻ xây dựng kế hoạch cho tương lai

(VLO) Sống không có mục đích, lý tưởng, không biết mình thích gì, mong muốn điều gì, thiếu động lực, mục tiêu trong công việc lẫn cuộc sống… là “căn bệnh” tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất phổ biến của không ít bạn trẻ hiện nay.

“Tới đâu tính đến đó”

Có thành tích học tập tốt và chuẩn bị ra nước ngoài du học, thế nhưng bạn T.A. (TP Vĩnh Long) lại tỏ ra khá ấp úng khi có ai hỏi vì sao quyết định như thế. T.A. cho hay, thật ra đây là quyết định của gia đình, còn bản thân em chỉ biết học chứ chưa nghĩ gì sâu xa.

Hỏi em có nghĩ tới việc qua nước bạn sẽ ăn ở, học hành ra sao, rồi sau này về nước làm việc hay như thế nào, thì em ấy liền trả lời rằng “chuyện mai này để mai này tính chứ em chưa nghĩ xa như thế”.

Cũng với tâm lý “tới đâu tính đến đó” nên dù đang học lớp 12 nhưng bạn H.T. (TP Vĩnh Long) vẫn “ban ngày đi học, buổi tối cày Facebook, YouTube”.

Kết quả học tập xếp hạng trung bình, kỳ thi quan trọng thì không xa nhưng em vẫn lơ là chuyện ôn luyện bài vở, bởi “học tài thi phận, cứ tà tà rồi cũng qua.

Thi đậu thì em học tiếp, còn thi rớt thì cũng có sao đâu. Nhà em có cửa hàng tạp hóa rồi, đâu sợ không có việc làm”- H.T. - thản nhiên cho biết.

Thực tế hiện nay, có không ít bạn trẻ “sống một cuộc sống tạm thời” khi không biết mình đang muốn gì hay thích làm điều gì.

Hay có nhiều bạn trẻ cứ sống tự nhiên, hưởng thụ cuộc sống hiện tại và mặc cho sự đời đưa đẩy, không mục đích, thiếu mục tiêu phấn đấu dẫn đến việc mất dần phương hướng, tự đánh mất bản thân, sống lệch lạc.

Thậm chí có bạn quen sống lệ thuộc vào người khác, dựa dẫm vào cha mẹ, luôn mang tâm lý “chuyện gì cũng có gia đình, người thân lo liệu”….

Như trường hợp của bạn M.H. sinh viên năm ba ngành kiến trúc. Theo lời kể của M.H. thì em học ngành này là theo gợi ý của anh trai, bởi khi làm hồ sơ thi ĐH, em không biết chọn ngành nào. M.H. cho hay, học xong năm nhất, em muốn bỏ cuộc giữa chừng vì thấy áp lực lắm.

Bởi ngành này đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo léo và óc sáng tạo mà ai thật sự đam mê thì mới làm tốt được. Nhưng nghĩ lại nếu làm như vậy gia đình sẽ thất vọng nên em đành cố gắng học tiếp.

“Khi làm điều mà mình không thích hoặc không có định hướng trước thì làm sao có động lực thực hiện và đạt kết quả tốt được.

Cũng may nhờ có bạn bè động viên, giảng viên hướng dẫn tận tình mà giờ em đã vượt qua khó khăn, dần bắt nhịp và yêu thích hơn với ngành nghề mình đang học”- M.H. chia sẻ.

Tương lai do chính mình xây dựng

Lớn lên trong cảnh nghèo khó nên bạn Thúy Duy (huyện Vũng Liêm) đã quyết tâm theo đuổi con đường học tập đến nơi đến chốn. Đích đến cuối cùng mà bạn đặt ra là trở thành cô giáo.

Để thực hiện được điều đó, Thúy Duy lên kế hoạch vừa học vừa làm, sống tiết kiệm để vượt qua chặng đường học CĐ rồi đến ĐH sư phạm và xin dạy học ở quê nhà.

Đến nay, Thúy Duy đã gần “chạm” đến ước mơ khi đang chờ nhận quyết định công tác. Mặc dù hành trình đã qua với nhiều thử thách, nhưng Thúy Duy đã không “lạc lối” khi biết vạch sẵn kế hoạch cho tương lai và mục tiêu phấn đấu cho riêng mình.

Tương tự, mặc dù hoàn cảnh kém may mắn, nhưng bạn Kim Hằng - Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long, luôn đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện.

Kim Hằng cho hay, học thật giỏi, ra trường tìm được việc làm thích hợp, thu nhập ổn định chính là ước mơ, mục tiêu tương lai mà em đã xác định ngay từ khi còn học ở phổ thông. Và để làm được điều đó, Kim Hằng đã đề ra nhiệm vụ, phân chia thời gian cụ thể cho từng việc một.

Cùng với đó, Kim Hằng cũng không ngừng tìm tòi thêm các kiến thức mới từ việc đọc sách trong thư viện, trao đổi học tập với nhóm bạn… “Em tin với sự cố gắng của mình, em sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra” - Kim Hằng nói quả quyết.

Thực tế có rất nhiều bạn trẻ dù lớn lên trong nghèo khó nhưng đã sớm thành công khi còn là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường, nhưng cũng có những bạn dù có điều kiện vẫn mãi tụt hậu, lẹt đẹt ở phía sau vì không tự vạch ra cho mình được đường hướng, kế hoạch cho tương lai.

Còn nhớ trong buổi giao lưu với các bạn sinh viên Vĩnh Long, giảng viên trẻ Lê Mỹ Trang cho rằng mỗi bạn trẻ nên định hướng cho mình mục tiêu tương lai, phải có mục đích tốt đẹp rõ ràng để động viên bản thân phấn đấu đạt kết quả tốt hơn, sống hữu ích hơn trong xã hội.

Không nhất thiết ai cũng phải có mục đích to tát nhưng ít nhất mỗi bạn trẻ phải biết mình sống để làm gì và mục đích ấy sẽ giúp bản thân hoàn thiện hơn và có thể đóng góp được chút gì đó cho xã hội, cho người khác…

Sống có định hướng, mục tiêu là động lực để chúng ta vươn lên trong học tập, làm việc, vượt khó khẳng định bản thân, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Tiểu thuyết gia Jonh Ruskin từng nói: “Sống không có mục đích khác nào con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi mà không có la bàn”.

Vậy nên, ngay từ bây giờ, bạn trẻ hiểu được mình cần và nên làm gì, đồng thời vẽ ra cho mình những kế hoạch và cố gắng hoàn thành. Chỉ cần thật sự nỗ lực, quyết tâm thì thành công chắc chắn sẽ ở rất gần, bởi tương lai mình do chính mình quyết định, bạn nhé!

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY