Loét miệng kéo dài cần đi khám

Cập nhật, 05:40, Thứ Sáu, 03/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi hay bị những vết loét nhỏ ở miệng, gây đau rát, ăn uống rất khó chịu. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bệnh này và cách điều trị như thế nào?

Trần Thị Tám (Tân Long Hội- Mang Thít)

Trả lời: Loét miệng là sự mất một phần của niêm mạc miệng, chúng thường vô hại và sẽ tự hết trong vài ngày. Có rất nhiều nguyên nhân như vô tình cắn vào má, lưỡi, nghiến răng khi ngủ, cọ xát do niềng răng, bỏng do ăn thức ăn nóng, niêm mạc bị kích ứng chất khử trùng mạnh như nước súc miệng hoặc kem đánh răng, tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau thông thường, giảm đau thắt ngực.

Lo lắng, căng thẳng, mất ngủ cũng có thể gây loét miệng, lưỡi và một số phụ nữ trước khi hành kinh cũng thường bị loét miệng.

Ngoài ra, loét miệng còn là dấu hiệu của một số bệnh lý về nướu răng, sâu răng nên cần đi khám nha sĩ để xử lý kịp thời; đang gặp các vấn đề dinh dưỡng như thiếu vitamin B12, các khoáng chất (kẽm, sắt,…); bị các bệnh tự miễn (lichen phẳng gây ngứa, làm tổn thương niêm mạc miệng), nhiễm giang mai và một số bệnh nhiễm trùng khác như hội chứng tay chân miệng, hệ miễn dịch suy yếu do HIV, lao, đái tháo đường, nhiễm nấm miệng, vi rút Herpes,…

Khi các vết loét kéo dài hơn 3 tuần không lành, kèm dấu hiệu bất thường như có những bợn trắng (dấu hiệu nhiễm khuẩn), mệt mỏi, nóng sốt hoặc sưng hạch, tái phát theo chu kỳ hoặc loét ở nơi khác trên cơ thể thì người bệnh cần đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm xem có nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch hay không để bác sĩ tư vấn, hướng dẫn và có hướng điều trị kịp thời.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)