Hiểm họa khi dùng xung điện đánh bắt thủy sản

Cập nhật, 15:05, Thứ Tư, 26/10/2022 (GMT+7)

 

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy công cụ cấm sử dụng trong đánh bắt thủy sản.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy công cụ cấm sử dụng trong đánh bắt thủy sản.

Hiện nay, mặc dù việc sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản là vi phạm pháp luật, nhưng tình trạng trên vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn. Dùng xung điện để khai thác không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn đe dọa trực tiếp tới tính mạng con người.

Khi dùng xung điện đánh bắt, với dòng điện từ 110 - 220V, tất cả các sinh vật dưới nước trong bán kính từ 1,5 - 2m đều bị hủy diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản ở các sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng,… bị đe dọa nghiêm trọng. Số lượng cá tôm, sinh vật có ích ngày càng giảm. Đây là cách đánh bắt tận diệt, có tác hại lâu dài, khiến nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học… Nguy hiểm hơn, đánh bắt thủy sản bằng xung điện có thể gây hậu quả chết người.

Lực lượng công an làm việc với người vi phạm.

Lực lượng công an làm việc với người vi phạm.

Để đấu tranh với hành vi này, lực lượng công an đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý các trường hợp sử dụng kích điện để khai thác thủy sản. Tính từ đầu năm đến nay, đã phát hiện và bắt 19 vụ, 19 đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản, thu giữ 25 bộ kích điện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp với số tiền 13 triệu đồng. Bên cạnh việc tăng cường biện pháp răn đe, chế tài bằng pháp luật, thì lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp người dân hiểu rõ pháp luật, góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản. Anh Huỳnh Minh Đạo (ở Khóm 6, TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) phân trần: Vừa qua, vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã đặt mua một cái xiệt qua mạng để đánh bắt cá, được các anh công an nhắc nhở, tôi thấy điều này là vi phạm pháp luật và hủy diệt nguồn thủy sản nên tôi đã giao nộp và tôi hứa sẽ không làm vậy nữa”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc - Phó Trưởng Công an TT Cái Nhum, cho biết: “Do đặc điểm của Cái Nhum là địa bàn vừa thành thị vừa nông thôn, nên việc người dân khai thác, đánh bắt thủy sản rất là phổ biến. Trong đó, có một số người sử dụng kích điện. Trước tình hình này, Công an TT Cái Nhum đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp và lưu động đến từng người dân, nâng cao nhận thức đối với việc khai thác thủy sản đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Công an thị trấn cũng phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện người vi phạm sẽ xử lý nghiêm”.

Có thể thấy, việc khai thác thủy sản đến mức tận diệt bằng xung điện đã và đang ảnh hưởng đến sinh kế truyền thống của rất nhiều gia đình, do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm. Vì vậy, để góp phần hạn chế tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản, lực lượng công an đã phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân tự nguyện giao nộp nhiều công cụ cấm sử dụng trong đánh bắt thủy sản, tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Khi sử dụng xung điện đánh bắt là vi phạm pháp luật, hủy diệt các loại thủy sản. Chúng tôi mong muốn mọi người nên khai thác thủy sản theo đúng quy định, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên dòng sông của mình”.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm và bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đánh bắt thủy sản, vận động mọi người không đánh bắt thủy sản bằng xung điện và mạnh dạn đấu tranh, tố giác tội phạm. Khi phát hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản, kịp thời thông báo ngay với cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý.

Vì sự phát triển bền vững, mọi người, mọi nhà hãy cùng chung sức tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản!

Bài, ảnh: YẾN KHANH -
HOÀNG THÂN