Tích cực chăm sóc lúa Đông Xuân

Cập nhật, 07:11, Thứ Ba, 20/02/2024 (GMT+7)

 

Nông dân thăm đồng thường xuyên để kịp thời phòng trừ sâu bệnh.
Nông dân thăm đồng thường xuyên để kịp thời phòng trừ sâu bệnh.
Ngay sau những ngày Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi người dân ra đồng chăm sóc lúa, chủ động phòng trừ sâu bệnh, mong có một vụ mùa bội thu.
 
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, ước diện tích lúa trên đồng đến nay trên 38.180ha, đã xuống giống dứt điểm đạt 95,5% so với kế hoạch (40.000ha); giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Lúa đang giai đoạn đòng trổ gần 5.900ha, chắc xanh- chín trên 30.300ha và đã thu hoạch gần 2.000ha, ước sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt trên 12.100 tấn với năng suất bình quân ước đạt 6,14 tấn/ha. Bên cạnh đó, lúa vụ Hè Thu 2024 trên đồng đến nay được trên 1.500ha, đạt 4,3% so với kế hoạch (35.000ha), tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo nhiều nông dân, thời tiết vụ Đông Xuân năm nay khá thuận lợi, nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, nông dân vẫn không chủ quan, mà luôn chủ động theo dõi để phòng trừ sâu bệnh, nhất là các đối tượng rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, ốc bươu vàng…
 
Chú Lê Văn Linh (xã Long An, huyện Long Hồ) cho hay: “Nhờ xuống giống đúng khung lịch thời vụ nên đến thời điểm này lúa phát triển tốt. Tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện bệnh. Trước Tết ruộng của tôi có dấu hiệu bị bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá nên tôi đã phòng ngừa kịp thời, đồng thời tiếp tục theo dõi, bón phân và thực hiện các biện pháp diệt chuột và diệt ốc bươu vàng bảo vệ cây lúa”.
 
Anh Châu Minh Vũ (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cũng cho hay: “Vụ này, giá lúa cao nên ngay từ đầu vụ tôi chủ động theo dõi thời tiết, dự báo nguồn nước, khuyến cáo về các đối tượng dịch hại. Trong điều kiện thời tiết có sương mù, độ ẩm cao, tôi cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn để chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời, hạn chế nguồn lây lan, đảm bảo lúa phát triển tốt”.
 
Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa, từ đó có giải pháp chăm sóc kịp thời. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, trong điều kiện thời tiết sáng sớm có sương mù, trưa nắng nóng kết hợp giai đoạn lúa thích hợp cho dịch hại phát sinh và gây hại (nhất là trà lúa muộn).
 
Do đó, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả. Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trổ lác đác khoảng 5% và sau khi lúa đã trổ đều, tiến hành phun ngừa một trong những loại thuốc đặc trị, không nên phun phân bón lá khi ruộng đang bệnh, nên giữ nước trong ruộng, đặc biệt là ở giai đoạn lúa trổ đến chắc xanh.
 
Khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng thuốc đặc trị phun xịt. Khuyến cáo bà con tránh lạm dụng phân đạm, phân bón lá khi thấy có dấu hiệu của vết bệnh, bổ sung canxi, silic, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị hại nặng.
 
Đồng thời, cần theo dõi kiểm tra thường xuyên mật số rầy nâu ngoài đồng, nhất là trên lúa giai đoạn đòng trổ, nếu mật số rầy cao thì sử dụng thuốc có tác động lưu dẫn để giảm nhanh mật số, hạn chế gây cháy rầy vào giai đoạn lúa sắp thu hoạch; nếu mật số rầy dưới 3 con/tép không cần xử lý thuốc. Tuyệt đối không phun thuốc trừ rầy có hoạt chất acetamiprid, triflumezopyrim cho lúa từ giai đoạn trổ về sau.
 
Để phòng trừ hiệu quả sâu cuốn lá nông dân cần tích cực kiểm tra, theo dõi sự phát triển của sâu. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày để bảo tồn thiên địch vì giai đoạn này khi sâu gây hại ở mật độ thấp, sự thiệt hại không đáng kể do cây lúa có khả năng tự bù đắp. Trong giai đoạn lúa đẻ nhánh chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện khoảng 30- 40 con/m2.
Cần tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích lúa đã nhiễm bệnh.
Cần tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích lúa đã nhiễm bệnh.
 
Giai đoạn đòng- trổ mật độ khoảng 15- 20 con/m2 phải tiến hành phun đúng thuốc. Quan sát đồng ruộng khi thấy xuất hiện sâu tuổi 1-2 thì tiến hành phun thuốc hiệu quả sẽ cao hơn.
 
Bên cạnh đó, cần lưu ý, sự xuất hiện và gây hại của chuột ở những cánh đồng có lúa đang trong giai đoạn trổ- chín. Sử dụng các biện pháp diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, mang tính cộng đồng. Ưu tiên sử dụng các loại bẫy cơ học, thuốc diệt chuột sinh học. Chú ý thu gom bẫy bả, xác chuột, để không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột để tránh gây nguy hiểm cho người cũng như các động vật có ích khác.
 
Khuyến cáo nông dân phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách khi phun thuốc, thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT 
cho biết: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, ngành nông nghiệp đã tích cực chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa, bón phân theo đúng quy trình cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tăng cường cán bộ nông nghiệp bám sát địa bàn, cùng với người dân theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời khi có đối tượng sâu bệnh xuất hiện, để góp phần giúp vụ mùa bội thu.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 
 
Các tin khác: