Nâng cao giá trị "hạt ngọc trời"

Cập nhật, 16:18, Thứ Năm, 08/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Trong những năm gần đây, chủ trương chú trọng đầu tư chất lượng và giá trị hạt gạo của ngành nông nghiệp đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ giữ vững các thị trường truyền thống, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã giúp hạt gạo Việt nâng cao giá trị, vươn tới nhiều thị trường khó tính hơn.

Nông dân dần thay đổi tư duy, đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những giống lúa chất lượng cao.
Nông dân dần thay đổi tư duy, đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những giống lúa chất lượng cao.

Những bước tiến ngoạn mục

Xuất khẩu gạo trong năm qua đã có những bứt phá ngoạn mục. Những yếu tố quan trọng góp phần làm nên kết quả này có thể kể đến như: việc tổ chức sản xuất tốt hơn, chất lượng lúa gạo được cải thiện và nâng lên đáng kể, mối liên kết sản xuất tiêu thụ chặt chẽ hơn...

Đây được cho là những bước ngoặt quan trọng để nâng cao giá trị hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế. Trong đó, điểm nổi bật chính là nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những giống lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất tiêu thụ, góp phần giúp thương hiệu gạo Việt tiếp cận sâu rộng hơn ở các phân khúc thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (huyện Vũng Liêm) đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa để cung cấp các sản phẩm gạo theo yêu cầu của thị trường.

 

Sản xuất nhóm gạo chất lượng cao, gạo đặc sản cũng sẽ tăng thêm giá trị, tiếp cận sâu rộng hơn ở các phân khúc thị trường.
Sản xuất nhóm gạo chất lượng cao, gạo đặc sản cũng sẽ tăng thêm giá trị, tiếp cận sâu rộng hơn ở các phân khúc thị trường.

Đến nay, thương hiệu gạo Tấn Đạt được chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế với nhiều sản phẩm chủ lực từ gạo trắng, gạo đỏ và gạo tím thảo dược.

“HTX đầu tư hệ thống xay xát gạo theo dây chuyền hiện đại có thanh lọc những hạt bị vỡ và tạp chất. Với dây chuyền này, hạt gạo bóng, đẹp, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”- ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, theo ông Đoàn Văn Tài, để nâng vị thế hạt gạo, phải nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm sau gạo. HTX mong muốn gạo trở thành nguồn nguyên liệu chính, là tiền đề của nhiều sản phẩm khác sau gạo như: bột dinh dưỡng, mầm cám, trà gạo...

Bên cạnh sự thay đổi tư duy của nông dân, trước cơ hội mới của thị trường thì sự thay đổi của doanh nghiệp trong việc nâng chất hạt gạo cũng chính là cách mà các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng và tạo hình ảnh gạo Việt trên thị trường.

 

Thương hiệu gạo Việt ngày càng được ưa chuộng.
Thương hiệu gạo Việt ngày càng được ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV (huyện Long Hồ) cho biết: Với lợi thế tối ưu về công nghệ, công ty giải quyết hiệu quả khâu quan trọng nhất sau thu hoạch là vận chuyển kịp thời lúa từ cánh đồng về nhà máy, giúp đảm bảo hương vị và chất lượng lúa gạo. Từ đó giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm.

Đây là cơ sở quan trọng để nâng chất lượng và giá trị hạt gạo, tiến tới xây dựng thương hiệu mạnh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, nhiều năm qua ngành nông nghiệp tỉnh đã định hướng phát triển ngành lúa gạo theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh lúa gạo liên kết với nông dân, HTX... xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định và áp dụng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu lúa gạo tỉnh nhà.

Nhiều kỳ vọng cho tương lai của hạt gạo

Theo các chuyên gia kinh tế, giá gạo trên thị trường thế giới đang ở mức cao, thương hiệu gạo Việt ngày càng được ưa chuộng, một số nước ngưng xuất khẩu gạo, các nước đang tăng dự trữ lương thực quốc gia nên lượng cầu lương thực gia tăng... là những cơ hội tốt cho hạt gạo.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn những “điểm nghẽn”, cản trở quá trình cơ cấu lại và nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo. Đó là chất lượng và gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, hầu hết đều chưa có thương hiệu riêng.

Ngành nông nghiệp đã tập trung xây dựng các vùng trồng lúa, nâng chất lượng giống lúa, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh.
Ngành nông nghiệp đã tập trung xây dựng các vùng trồng lúa, nâng chất lượng giống lúa, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như thực phẩm làm từ gạo, nước uống từ gạo, sữa gạo, hay mỹ phẩm từ gạo..., trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đối với các loại sản phẩm này ngày một tăng và giá bán cũng cao hơn gấp nhiều lần so với gạo thô.

Để tiếp tục nâng cao giá trị hạt gạo trong thời gian tới, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT- Nguyễn Văn Liêm, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất lúa, nâng cao chất lượng giống lúa, tỉnh đã xác định tầm quan trọng của công tác mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa gạo, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh.

Đồng thời, doanh nghiệp cần phải chú trọng xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ thương hiệu.

Bởi, khi gạo có thương hiệu và vị thế, không chỉ thay đổi về chất lượng, giá cả, mà các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tự tìm cách nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo cao cấp để có thể cạnh tranh được tại thị trường nước ngoài. Do đó, hoàn toàn đặt niềm tin vào sự đổi thay về giá trị hạt gạo Việt trong thời gian tới. 

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho rằng “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL giai đoạn 2023- 2030” được xem là giải pháp quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết giá trị lúa gạo. Chất lượng cao không chỉ về giống mà còn chuẩn hóa đầu vào, phương án sản xuất, phát thải thấp, giảm phân, thuốc hóa học, tận dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch. Nguồn gạo chất lượng cao này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta trên thị trường quốc tế. Tham gia đề án này, tỉnh Vĩnh Long đăng ký thực hiện 20.000ha tại các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ và Bình Tân.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Các tin khác: