Tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trồng lúa

Cập nhật, 17:23, Thứ Hai, 30/08/2021 (GMT+7)

 

 Đưa máy cấy lúa vào phục vụ sản xuất để thực hiện giảm lượng giống sử dụng tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Đưa máy cấy lúa vào phục vụ sản xuất để thực hiện giảm lượng giống sử dụng tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Hiện nay, giá thành sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL được đánh giá còn quá cao và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Do vậy, thực hiện các giải pháp nhằm giảm chi phí về giống, phân bón, nhân công… để hạ giá thành sản xuất là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh giá nhiều loại phân bón đang tăng cao.

Yêu cầu cấp thiết

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Qua số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, cho thấy giá thành sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL hiện khá cao và không đều giữa các địa phương, thậm chí chênh lệch nhau hơn 1.000 đồng/kg. Đơn cử, vụ hè thu 2021, giá thành sản xuất lúa tại tỉnh Tiền Giang ở mức 3.076 đồng/kg, còn tại An Giang là 4.197 đồng/kg. Các địa phương có giá thành sản xuất khác nhau do nhiều nguyên nhân như thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất, kỹ thuật canh tác, việc sử dụng giống, phân bón… Do vậy, từng địa phương cần quan tâm rà soát lại quá trình sản xuất để có giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất lúa, đồng thời tăng cường liên kết, gắn với doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm đạt chất lượng cao, chi phí thấp và bán được giá”.

Vụ hè thu 2021, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL gieo trồng được 1,515 triệu héc-ta lúa. Theo Bộ Tài chính, sản xuất lúa trong vụ hè thu này tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có giá thành tạm tính bình quân 3.728 đồng/kg, tăng khoảng 4% (tương đương 143 đồng/kg) so với vụ hè thu 2020. Giá tăng chủ yếu do giá phân bón và các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng. Dù mức tăng trên mỗi kilôgram lúa là không nhiều nhưng nếu tính trên quy mô sản lượng lúa của toàn vùng thì con số là rất lớn. Với sản lượng lúa toàn vùng trong vụ hè thu 2021 ước đạt trên 8,5 triệu tấn, với mỗi tấn lúa có chi phí tăng thêm 143.000 đồng, tính ra toàn vùng đã phải tốn thêm hơn 1.215 tỉ đồng so với vụ hè thu năm trước. Do vậy, việc hạ giá thành sản xuất lúa có ý nghĩa rất lớn và rất cấp bách trong bối cảnh giá phân bón tăng cao. Một điều đáng lo nữa là tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng xấu đến giá cả đầu ra nhiều loại nông sản. Hiện giá lúa đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm và so cùng kỳ năm trước và năng suất vụ này cũng đạt thấp. Để đảm bảo được hiệu quả sản xuất và lợi nhuận, nông dân phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm giá thành sản xuất lúa trong vụ thu đông và đông xuân tới đây.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Việt Nam là nước đang sử dụng nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ nông nghiệp và giá thành sản xuất nhiều sản phẩm còn cao. Hiện nay, trong điều kiện dịch COVID-19, giá nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao và giá nhiều loại nông sản lại giảm, cần có giải pháp giảm chi phí đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bắt đầu giảm lượng giống, phân bón...

Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn trực tuyến “Chủ động giảm lượng giống, phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19”. Tại diễn đàn này, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm giá thành sản xuất lúa cần chú ý bắt đầu từ việc giảm giống và sử dụng các loại vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả. Giống được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong sản xuất lúa, đặc biệt việc chọn giống tốt, gieo cấy thưa với mật độ phù hợp để cây lúa đủ không gian phát triển, khỏe mạnh và ít sâu bệnh ngay từ đầu vụ sẽ tạo điều kiện thuận lợi về sau để giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc… và nhiều chi phí đầu vào.

Dư địa để nông dân tại ĐBSCL giảm giá thành sản xuất lúa là rất lớn, bởi nông dân còn giữ tập quán gieo sạ dày, với lượng sử dụng giống còn ở mức trên 150kg/ha và sử dụng nhiều loại vật tư đầu vào khác chưa khoa học, hiệu quả và tiết kiệm. Các cơ quan chức năng và ngành Nông nghiệp các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo nông dân chọn giống tốt và chỉ nên sử dụng lượng giống khi gieo sạ ở mức 80-100kg/ha trở lại, còn cấy lúa chỉ cần sử dụng 60 kg/ha trở lại. Đồng thời, quan tâm áp dụng các giải pháp khoa học để sử dụng phân bón tiết kiệm như: tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng, bón phân căn cứ theo bảng so màu lá lúa, áp dụng kỹ thuật bón phân chôn vùi kết hợp cấy máy… Đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các quy trình canh tác tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… gắn với tăng cường liên kết doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất lúa.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết: Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, địa phương và đơn vị liên quan để hướng dẫn nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, cấp mã số vùng trồng gắn với doanh nghiệp tiêu thụ. Bên cạnh việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến như  “1 phải, 5 giảm”, chú ý tích hợp các nội dung như: làm đất bằng máy laser, gieo mạ khay và cấy máy, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bón phân và phun thuốc bằng máy bay không người lái...

Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thực hiện được việc giảm lượng giống gieo sạ sẽ giảm theo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chúng ta hoàn toàn có thể giảm lượng giống gieo sạ xuống mức 80-100kg/ha để tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả từ 23-45% so với phương pháp sạ dày 180-200kg/ha. Để thành công, cần lưu ý sử dụng giống đúng chất lượng, ngâm ủ đúng hướng dẫn. Thực hiện tốt khâu làm đất để đồng ruộng bằng phẳng, thuận lợi cho quản lý nước, cỏ dại, ốc bươu vàng… để khi sạ lúa lên đều và ít bị hao hụt. Đồng thời, nông dân cũng cần áp dụng các phương tiện, máy móc tiên tiến như máy phun hạt và máy cấy để đảm bảo mật độ gieo cấy giúp giảm giống và sử dụng phân bón hiệu quả trong canh tác. Đặc biệt, sử dụng máy cấy lúa kết hợp với bón phân chôn vùi khi cấy lúa sẽ giảm giống hiệu quả và giảm được cả nhân công lao động.

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)

Các tin khác: