Nhà nông tìm hiểu

Phục hồi bộ rễ cây ăn trái sau hạn- mặn

Cập nhật, 14:35, Thứ Ba, 01/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Sau thời gian chịu ảnh hưởng hạn- mặn, cây ăn trái bị tổn thương bộ rễ, Bạn Nhà nông cho hỏi biện pháp phục hồi bộ rễ cho cây?

Nguyễn Văn Minh (Thanh Bình- Vũng Liêm)

Anh Minh mến! Khi nước mặn xâm nhập, cây ăn trái tổn thương bộ rễ không chỉ do mặn mà còn có thể do phèn và thiếu dinh dưỡng. Do đó, khi có nước ngọt nhà vườn cần rửa mặn nhanh để cây mau phục hồi bộ rễ.

Nhà vườn nên xới nhẹ lớp đất mặt sâu khoảng 3- 5cm của toàn bộ đất trong vườn, để khi bơm nước rửa, nước thấm vào đất mà không chảy tràn nhiều trên mặt liếp.

Sau đó, rải đều lên mặt liếp từ 1- 3kg vôi cho mỗi gốc. Vôi làm tăng độ pH, hạ phèn và cung cấp chất canxi để đẩy mặn ra khỏi keo đất, giúp rửa mặn nhanh, hiệu quả, cải tạo môi trường đất giúp bộ rễ cây phát triển.

Sau khi bón vôi, nhà vườn dùng vòi nước tưới đều khắp mặt liếp và tưới lặp lại nhiều lần nếu trời không mưa. Sau vài ngày quan sát xem cây có rễ lông tơ mới chưa, nếu chưa tiếp tục tưới rửa phèn, mặn một lần nữa.

Khi cây có rễ mới, bón từ 0,5- 2kg phân hiệu Đầu trâu mặn phèn cho mỗi gốc tùy theo loại cây, tuổi cây và mức độ nhiễm mặn, phèn.

Phân được bón bằng cách xới nhẹ băng đất xung quanh gốc theo hình chiếu của tán hoặc xới một băng dài giữa liếp nếu cây được trồng 2 hàng trên liếp. Băng đất xới rộng khoảng 0,5m. Bón phân vào băng đất đã xới và tưới nước để tan phân.

Các chất trong phân này gồm: chất canxi có tác dụng giúp cây trồng giải độc, làm vững chắc vách tế bào, tăng khả năng chống chịu của cây với nắng nóng, mặn và phèn.

Chất lân giúp đất cố định độc chất sắt, nhôm do phèn đồng thời thúc đẩy bộ rễ phát triển. Chất silic giúp rễ cứng cáp chống chịu lại mặn, phèn, cành, lá cứng chắc chống chịu sâu, bệnh tốt hơn.

Chất đạm được hấp thụ vào trong cây sẽ kết hợp với hóc- môn tăng trưởng giúp cây ra đọt mới, lá xanh, quang hợp tốt tạo ra dinh dưỡng cung cấp cho rễ.

BẠN NHÀ NÔNG