Dịch bệnh viêm da nổi cục: Đừng để mất bò mới lo tiêm phòng

Cập nhật, 14:34, Thứ Ba, 01/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đang có nguy cơ lây lan nhanh, hiện 32/63 tỉnh- thành đã xuất hiện bệnh trên trâu bò. Hiện Vĩnh Long chưa ghi nhận có trường hợp trâu bò mắc bệnh này. Ở một số địa phương có tỷ lệ chết lên đến 80- 100%. Dù đã có vắc xin phòng trị bệnh, tuy nhiên cần phải chủ động, khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng chống hữu hiệu, không để dịch VDNC lây lan.

Kỳ 1: Nhận dạng các nguy cơ

Bên cạnh nhiều địa phương đã chủ động giải pháp phòng dịch, vẫn còn một số nơi chủ quan vì “địa phương chưa có” nên chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này.

Người chăn nuôi chăn thả trâu, bò tự do, gây khó kiểm soát đường lây truyền bệnh.
Người chăn nuôi chăn thả trâu, bò tự do, gây khó kiểm soát đường lây truyền bệnh.

Dịch bệnh nguy hiểm

Năm 2020, khi bệnh xuất hiện ở Trung Quốc, Cục Thú y đã có những cảnh báo sớm, hướng dẫn các biện pháp nhận biết và phòng chống dịch bệnh gửi các địa phương. Đến tháng 10/2020, bệnh VDNC lần đầu tiên đã phát hiện xâm nhiễm vào Việt Nam.

Theo Cục Thú y, bệnh VDNC là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút (Lumpy Skin Disease Virus- LSDV) gây ra trên trâu, bò.

LSDV rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô.

Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.

Bệnh thường xảy ra theo mùa, vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất.

Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.

Tính đến 25/5/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh- thành, với tổng số hơn 60.100 con gia súc mắc bệnh và hơn 9.500 con gia súc chết, tiêu hủy.

Hiện nay, cả nước có 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 201 huyện của 27 tỉnh- thành với gần 48.500 con gia súc mắc bệnh và hơn 7.000 con gia súc chết, tiêu hủy. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng là rất lớn, gây thiệt hại cho phát triển chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Long- Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết: Bệnh gây thiệt hại bằng năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, các vấn đề về thụ thai, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết. Gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Nguy cơ bùng phát dịch

Theo Cục Thú y, đây là dịch bệnh nguy hiểm. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi.

Tuy nhiên, công tác ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn do hiện nay thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển. Một số địa phương chưa triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, cũng như thực hiện nghiêm việc công bố dịch theo quy định.

Nhất là chưa có kế hoạch kinh phí mua vắc xin ngừa VDNC, trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới đáp ứng miễn dịch phòng bệnh hiệu quả…

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long

Nguy cơ bệnh VDNC xâm nhập vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long là rất cao, như đã từng xảy ra đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi. Cộng với tình hình thời tiết bắt đầu vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho các động vật trung gian như ve, mòng, ruồi, muỗi sinh sản và phát triển mạnh. Ngành nông nghiệp đã tăng cường tuyên truyền trong người chăn nuôi. Tuy nhiên, số lượng đàn bò đã được tiêm phòng bệnh VDNC đến nay không đáng kể (chỉ 1.100 con).

“Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt việc tiêm vắc xin nên đã góp phần ngăn chặn dịch hiệu quả, tình hình dịch được kiểm soát, số ổ dịch đã giảm rõ rệt (30- 60%).

Tuy nhiên, việc tiêm phòng vắc xin mới chỉ đáp ứng gần 40% tổng đàn trâu, bò trên cả nước trong khi tiêm 80% tổng đàn mới ngăn chặn được dịch này”- ông Nguyễn Văn Long nói thêm. Đó là chưa kể, vẫn còn tình trạng người dân chăn thả trâu, bò tự do, khó kiểm soát; chuồng trại nuôi nhốt chưa bảo đảm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng triệt để.

Trong khi đó, ý thức phòng chống dịch bệnh chưa tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh VDNC, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Phùng Đức Tiến đã đề nghị các địa phương khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch VDNC phát sinh và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại và bất cập.

Đồng thời, có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng chống dịch bệnh VDNC, bao gồm kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm.

Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường.

Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới không rõ nguồn gốc.

Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu như: sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi). Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2- 5cm, đặc biệt ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt.

Các nốt sần này có thể mất đi theo thời gian nhưng vùng giữa của nốt sần thường bong vảy, tạo nên vết thương hở, sâu thu hút côn trùng. Các triệu chứng khác là loét ở vùng mõm, môi, trong miệng, mũi; tăng tiết dịch ở mắt, mũi và chảy nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng và không có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh VDNC.

Kỳ cuối: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Bài, ảnh: THẢO LY