Nhà nông tìm hiểu

Giảm nhẹ thiệt hại của mặn cho vườn cây ăn trái

Cập nhật, 12:48, Thứ Ba, 31/12/2019 (GMT+7)

Bạn Nhà nông cho hỏi trước tình hình mặn xâm nhập như hiện nay thì bảo vệ vườn cây ăn trái như thế nào cho hiệu quả và khi vườn cây bị nhiễm mặn cần phải làm gì để hạn chế thiệt hại?

Nguyễn Văn Bằng (Xã Thanh Bình- Vũng Liêm)

Anh Bằng mến! Để bảo vệ vườn cây ăn trái trong điều kiện xâm nhập mặn anh cần ngăn mặn gia cố đập, đê bao và bờ bao.

Lưu ý khi đắp đất cần phải tấn nilon để mặn không theo đường nứt xâm nhập vào vườn. Bên cạnh đó, anh cần trữ nước ngọt, đo độ mặn mỗi khi đưa nước vào mương vườn, hạn chế thất thoát nước trong vườn cây.

Trường hợp vườn cây đang bị mặn, anh cần giảm nhu cầu nước của cây bằng việc tỉa bỏ bớt cành lá, không để cây mang bông hay trái, che phủ mặt liếp bằng những vật liệu như rơm rạ, lá dừa, lá mía… hoặc có thể dùng nilon hay màng phủ nông nghiệp trải lên mặt liếp để làm giảm mất nước trong liếp.

Ngoài ra, anh có thể phun các chế phẩm có hormone brassinolide hay humic acid để tăng khả năng chịu mặn cho cây. Cung cấp dinh dưỡng cho cây như phun phân KNO3 qua lá với nồng độ là 10 g/l, phun ướt đẫm cả 2 mặt lá.

Sau khi vườn có được nước ngọt, anh cần rửa mặn đã tích tụ trong đất liếp bằng cách xới nhẹ lớp đất mặt và dùng nước sông rạch hay nước mưa để rửa mặn.

Nên bón phân có canxi để rửa mặn được nhanh hơn, có thể dùng phân Đầu trâu mặn- phèn với liều lượng 100- 160 kg/ha hoặc bón 500- 1.000 kg/ha đá vôi nung.

Khi bón phân N, anh nên bón các dạng phân ure chậm phân giải như loại Đầu Trâu 46A+ chống thất thoát N để cây không bị thiếu N do mặn cạnh tranh.

Đối với phân P, đất bị mặn cây thường bị thiếu P do chất Cl trong muối cạnh tranh nên anh có thể bón phân Đầu Trâu DAP- Avail để hạn chế P bị cố định, gia tăng hữu dụng P cho cây.

Riêng phân K, anh nên bón phân KCl để hạn chế sự đối kháng của Na đối với K, giúp cây trồng hấp thụ đủ K trong điều kiện mặn. Nếu đất có pH trên 5,5 anh có thể bón K dạng K2SO4.

BẠN NHÀ NÔNG